Hơn 10 năm trước, thế giới lần đầu tiên được chứng kiến một nạn nhân HIV được chữa khỏi hoàn toàn. Đó là Timothy Brown, một nam giới trung niên người Mỹ. Ông phát hiện ra bệnh vào năm 1995, ngay trước thời điểm nhập học tại đại học Berlin.
Timothy Brown được gọi là "bệnh nhân Berlin".
Thế nhưng đáng buồn, "bệnh nhân Berlin" ấy vừa qua đời không phải vì bệnh liên quan đến HIV mà là vì ung thư máu.
Được biết, ca phẫu thuật cho Brown vào năm 2006 là để chữa trị căn bệnh bạch cầu tủy xương cấp tính (một dạng của ung thư máu). Khi ấy, các bác sĩ điều trị tại Berlin cho rằng cơ hội sống sót duy nhất của Brown là ghép tủy xương, qua đó thay thế hệ miễn dịch đã "nát" của người bệnh bằng tế bào gốc của người khỏe mạnh.
Ca phẫu thuật thật sự là thử thách lớn đối với y bác sĩ. Họ phải cấy tủy cho Timothy và kể cả khi tìm ra tủy phù hợp, rủi ro vẫn là 50/50. Buổi phẫu thuật đó quả thực nguy hiểm bởi nếu 1 sai sót nhỏ xảy ra, mọi người trong kíp mổ đều có thể trở thành bệnh nhân HIV.
Điều thần kỳ đến.
Năm 2008, sau khi thực hiện 2 ca ghép tủy xương cho Brown, các bác sĩ tại bệnh viện Berlin không còn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của virus HIV nữa.
Các bác sĩ không hiểu tại sao Brown khỏi bệnh, và trường hợp của ông được lưu lại với cái tên "bệnh nhân Berlin".
Vừa qua, ông đã trải qua một đợt tái phát nặng, căn bệnh ung thư máu đã di căn và khiến ông yếu đi nhanh chóng. Và ông đã qua đời trong sự ngỡ ngàng và tiếc thương của mọi người.
Giống Timothy, vào năm 2019, một nam bệnh nhân khác tên Adam Castillejo được điều trị tại London (Anh) bằng liệu pháp tế bào gốc mới được biết đến như người thứ 2 trên thế giới được chữa khỏi bệnh HIV. Báo cáo về "bệnh nhân London" này được công bố trên The Lancet đầu năm 2020.
Vào tháng 6/2020, thế giới lại được phen ngỡ ngàng khi đón nhận thông tin, 1 bệnh nhân nữ 62 tuổi đã tự mình chữa khỏi HIV mà không cần sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Đó chính là bà Loreen Willenberg, 62 tuổi, được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 1992.
Qua kiểm tra, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các tế bào máu của Loreen Willenberg và phát hiện bà đã hoàn toàn khỏi HIV, cơ thể của Loreen Willenberg đã có thể ngăn chặn virus mà không cần dùng biện pháp điều trị nào.
Hóa ra, trong cơ thể người bệnh có thể ngăn chặn HIV bằng một cơ chế biến đổi DNA đặc biệt. Các nhà khoa học đã phân tích 1,5 tỷ tế bào máu của Loreen và không tìm thấy dấu vết của virus, ngay cả trong bộ gen.
Họ cho rằng cơ thể của Loreen Willenberg đã ngăn chặn HIV trong nhiều thập kỷ sau khi bị nhiễm.
Loreen Willenberg thuộc 1% người có thể sống sót mà không cần điều trị ARV để cưỡng chế sự phát triển của virus HIV trong máu. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng đối với một số người, virus HIV tồn tại trong các bộ phận của DNA hoặc bộ gen của một cá nhân nhưng không còn khả năng tái tạo.
Trong cơ thể của bà Loreen, HIV dường như bị cô lập, khóa chặt trong phần gene đặc biệt và khiến chúng không thể sinh sản, gây bệnh và hoàn toàn biến mất một cách kỳ diệu.
Trang Dung (Nguồn The Lancet)