Qua đường dây nóng, báo Người đưa tin nhận được phản ánh của 21 bệnh nhân phong tại khu điều trị nội trú, trung tâm da liễu Hà Đông (Xã Đông Yên, Quốc Oai, Hà Nội) phải nhận bữa trưa bằng thịt, gạo, rau sống. Chúng tôi đã trực tiếp đến gặp các bệnh nhân để tìm hiểu nguyên nhân sự việc.
Bệnh nhân Phùng Thị Diên (87 tuổi) bị phong gần 40 năm trình bày sự việc với phóng viên.
Bước vào căn phòng khoảng 10m2, kê hai chiếc giường đơn trong khu điều trị chúng tôi không có một vật dụng gì đáng giá. Vài cọng rau dền héo, mấy miếng thịt sống và một ít gạo lỏng chỏng vẫn yên vị trên đầu giường của mỗi bệnh nhân. Theo phản ánh của các bệnh nhân thì đây là suất ăn được các hộ lý phát cho bữa trưa ngày 4/5.
Nằm còng queo một góc giường với đôi tay bị cụt, chân bị cùi do đã bị bệnh phong đã gần 30 năm, không giấu được những giọt nước mắt tủi hờn, cụ Vũ Thị Bớt (90 tuổi, quê Thường Tín, Hà Nội) vừa khóc vừa nói: “Mắt tôi đã bị mù, chân thì không thể đi được vậy mà sáng nay cô hộ lý tên Hằng vào phát bữa trưa cho tôi toàn đồ ăn sống. Nước uống cũng không có. Từ sáng tôi phải gặm mỳ tôm. Tôi nghĩ vừa tủi vừa đau”.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Mùi, 89 tuổi, quê Quảng Bị, Chương Mỹ, Hà Nội, người đã vào đây hơn 40 năm cũng chưa từng chịu cảnh bị phát đồ ăn sống như lần này. Cụ Mùi cho biết: “Chúng tôi hiện giờ không còn khả năng tự chăm sóc bản thân. Mắt thì mờ, chân tay cùi cụt hết. Hầu như hiếm có ai trong 21 bệnh nhân ở khu này có thể tự đi lại được.
Các hộ lý phát đồ sống cho chúng tôi chẳng khác nào bảo chúng tôi nhịn đói còn hơn. Gần một ngày rồi, chúng tôi cũng chưa được ngụm nước nào. Ai còn có thể lê được thì cố lết sang các phòng khác xem có còn ít nước nào xin tạm. Ai không đi được thì phải chịu khát trong phòng”.
Khi được hỏi về vẫn đề này, chị Phùng Hằng, hộ lý trực ngày (4/5) dửng dưng: “Trưa nay, chúng tôi chuẩn bị nấu cơm thì phát hiện hết gas nên chúng tôi không thể nấu cho các bệnh nhân được.
Trước đây nấu củi, giờ nấu gas nên hết gas chúng tôi không thể làm gì. Chúng tôi không thể lo chất đốt nấu cho 21 con người được. Khi gọi đến cơ sở cung cấp gas thì họ không vận chuyển đến vì sợ chúng tôi không thanh toán. Tôi gọi điện lên cấp trên phản ánh để giải quyết nhưng lãnh đạo cũng không có ý kiến gì”.
Y sỹ Phạm Thị Thủy trình bày: “Khoa Điều trị nội trú tại Đông Yên, Quốc Oai, Hà Nội có một khu điều dưỡng đặc biệt gồm 21 bệnh nhân tàn phế nặng, hầu hết trong diện chăm sóc toàn diện. Vào lúc 9h 40 phút ngày 4/5/2012, tôi thấy bệnh nhân kêu khóc vì không có cơm ăn, hộ lý cấp cho các bệnh nhân thực phẩm chưa chế biến. Lý do các cô hộ lý đưa ra là vì hết chất đốt nên không đun nước và nấu thức ăn cho bệnh nhân được?!
Khi các y sỹ kiểm tra thì thấy toàn bộ 21 bệnh nhân mỗi người được cấp 4-5 miếng thịt ba chỉ sống, một nắm rau sống và gạo. Sau khi chứng kiến sự việc, tôi đã gọi điện báo cáo sự việc cho ông Vũ Văn Trình- Phó giám đốc phụ trách và ông Xuân- Trưởng phòng Kế hoạch nội vụ của đơn vị nhưng không ai có ý kiến gì”.
Điều dưỡng viên Trần Thị Bắc cũng làm việc ở đây phản ánh: “Từ sáng, khi chúng tôi xuống thăm các bệnh nhân ở khu điều trị bệnh nhân phong nặng được các bệnh nhân phản ánh chuyện này. Các bệnh nhân ở đây, theo quy định phải được chăm sóc toàn diện từ bữa ăn đến việc vệ sinh cá nhân.
Tôi đã gọi điện trực tiếp cho PGĐ Vũ Văn Trình, trực tiếp phụ trách hoạt động của khu nội trú cũng không được giải quyết. Thực sự nhìn các bệnh nhân chủ yếu đã không còn khả năng tự chăm sóc phải chịu đựng tình cảnh này, những bác sỹ chúng tôi không khỏi đau lòng”.
Các hộ lý phát bữa trưa là đồ ăn sống cho bệnh nhân phong
Con người đừng đối xử với nhau như thế
Bệnh nhân Phùng Thị Diên (87 tuổi, quê Ba Vì, Sơn Tây, Hà Nội) nói mà như phân bua: “Không chỉ riêng hôm nay, nhiều lần thấy các cô hộ lý rửa rau bẩn, đeo găng tay vệ sịnh để rửa rau, chúng tôi có ý kiến với lãnh đạo nhưng họ bảo chúng tôi thông cảm. Tuy chúng tôi là bệnh nhân, sống là nhờ tiền nhà nước hỗ trợ thật nhưng chúng tôi cũng là con người, đừng đối xử với chúng tôi như thế”.
Cấp trên quá vô cảm?!
Chị Bắc còn cho biết thêm: “Có nhiều lần, các nhà hảo tâm đến đây, tặng chăn bông, đồ dùng cho các bệnh nhân nhưng lãnh đạo lại không đồng ý cho nhận. Chúng tôi không thể hiểu tại sao lại như thế. Trong khi với số tiền trợ cấp 300.000 đ và 15kg gạo/ tháng bệnh nhân ở đây đã sinh hoạt rất khốn khó. Thậm chí áo quần 2 năm nay các bệnh nhân ở đây còn không được cấp hoặc được cấp nhưng quá cũn cỡn không thể mặc vừa”.
Vừa bị bỏ đói vừa cắt thuốc? Được biết, Trung tâm điều trị nội trú này có hơn 90 bệnh nhân, trong số đó có 21 bệnh nhân mắc bệnh phong nặng không thể tự chăm sóc bản thân và có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Hầu hết các bệnh nhân ở đây đều không có hoặc không được người thân chăm sóc. Nhiều bệnh nhân vào đây từ những năm thành lập trung tâm (1969). Theo phản ánh của một số bệnh nhân thì không những họ chịu cảnh chịu đói cả ngày mà còn phải chịu sự đau đớn do thiếu thuốc. Những đôi chân cùi cụt chỉ có một hoặc 2 ngón, thậm chí có cụ còn phải lắp chân gỗ giả, một số vết loét có hiện tượng sưng phồng, viêm tấy do không được điều trị. Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết đã gần 3 tháng nay, các bệnh nhân điều trị phong tại đây không được cấp phát thuốc theo quy định. Các vết thương không được sát khuẩn dẫn đến tình trạng viêm loét. Bệnh nhân sốt không được uống kháng sinh, thuốc bổ cũng thiếu, bông băng sát khuẩn cũng được cấp phát nhỏ giọt. |
Hoàng Mai - Bảo Hằng