Bệnh nhân kêu trời vì chi trả tiền mua thuốc cao
Khi phải bỏ tiền túi mua thuốc, nhiều bệnh nhân rơi vào khó khăn, không biết kêu ai nhằm giúp giảm chi phí chữa bệnh. Chia sẻ với PV, bệnh nhân Anh Trần Văn K. (ngụ Long An), từng ghép thận, lên tái khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bị viêm gan B mãn tính, được bác sĩ chỉ định phải mua thuốc chống thải ghép ở ngoài vì bệnh viện hết thuốc. Anh K phải tìm mua thuốc tại các nhà thuốc gần bệnh viện trên địa bàn quận 5, Tp.HCM. Hai tháng nay, anh K. cho biết, mỗi lần đi tái khám anh đều phải tốn từ 4 - 5 triệu đồng để mua thuốc ở ngoài, vì bệnh viện không có thuốc. Trong đơn thuốc có 3 loại thì bệnh viện chỉ còn 2 loại, còn một loại đắt nhất là thuốc CellCept v-500mg không có, nên anh K. phải mua ở ngoài. Với toa thuốc này thì tốn khoảng hơn 3 triệu đồng. Những tháng trước, toa thuốc thường tốn 5 triệu đồng, rất đắt đỏ với người bệnh.
Còn bà Nguyễn Thanh H. (70 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) cho rằng, bà bị cao huyết áp, mỡ máu cao, nhưng thời gian gần đây, khám bệnh tại bệnh viện Tp.Thủ Đức vẫn phải mua thuốc bên ngoài, vì bác sĩ cho rằng Bệnh viện hết thuốc.
“Việc bệnh nhân dùng bảo hiểm y tế mua thuốc từ trước đến nay quen rồi, bây giờ mua thuốc bên ngoài bệnh viện, bệnh nhân phải chi trả phí nhiều quá, cuộc sống thêm khó khăn, mong rằng Nhà nước kịp thời xử lý những vấn đề này cho bệnh nhân bớt khổ?, bà H, chia sẻ.
Sở Y tế Tp.HCM chỉ ra các nguyên nhân ngành y tế thành phố luôn bị động đối với một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm do không có nhà cung ứng do ngừng sản xuất như: Dopamin, dung dịch cao phân tử Dextran, huyết thanh kháng nọc rắn,… Ngoài ra, các loại thuốc phải kiểm soát đặc biệt như thuốc gây nghiện, hướng thần: Diazepam, Phenobarbital dạng tiêm, Midazolam,… trong những năm sau này khó tìm do nhà sản xuất trong nước gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu hoặc do các công ty trên thế giới đã ngừng sản xuất…
Các bệnh viện trên địa bàn còn bị động trong vấn đề mua sắm thuốc thuộc danh mục đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia (công việc này do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thực hiện theo quy định). Nếu chờ có kết quả của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thì khả năng thuốc bị thiếu. Nếu chủ động đấu thầu thì có khả năng gặp khó khăn trong thanh toán khi Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia có kết quả đấu thầu với giá thấp hơn giá mua của các bệnh viện đã đấu thầu trước đó.
Bên cạnh đó, một số thuốc mới phát sinh do các bệnh viện tuyến cuối triển khai thêm các kỹ thuật mới, chuyên sâu như thuốc điều trị trong lĩnh vực ung bướu, huyết học,… Hầu hết các thuốc này chưa có số đăng ký, chủ yếu là nhập khẩu chuyến hàng năm sau khi được Bộ Y tế cấp phép.
Một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quy mô nhỏ, thiếu nguồn nhân lực tham gia công tác đấu thầu thuốc theo quy định, chưa có kinh nghiệm trong mua sắm (như trung tâm y tế quận, huyện; bệnh viện quận, huyện quy mô nhỏ).
Tìm giải pháp cứu người bệnh
Từ những nguyên nhân trên, đại diện Sở y tế Tp.HCM cho rằng, Sở đã đưa ra các giải pháp trong việc đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc, vật tư y tế trong thời gian tới: Tham mưu lãnh đạo Thành phố cho phép thanh lập Trung tâm mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị của ngành y tế thành phố. Sở Y tế đã xây dựng Đề án và trình UBND Tp.HCM xem xét, phê duyệt.
Sở Y tế thành lập Tổ công tác chịu trách nhiệm tiếp nhận các thông tin, tư vấn và hướng dẫn xử lý tình huống thiếu thuốc (nếu có) của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tổ chức các Hội đồng chuyên gia (theo từng chuyên khoa) để rà soát, cập nhật lại các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm trong các phác đồ điều trị, xây dựng các thuốc thay thế mang tính khoa học và phù hợp với tình hình cung ứng thuốc.
Giám đốc các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ phác đồ điều trị trong công tác kê đơn tại đơn vị mình. Sở Y tế tổ chức các đoàn kiểm tra về hoạt động quản lý cung ứng thuốc của các bệnh viện và hoạt động chuyên môn của Hội đồng thuốc và điều trị có liên quan đến vấn đề cung ứng thuốc nêu trên.
Đồng thời, Sở Y tế Tp.HCM cũng đưa ra những kiến nghị mới như sau: Kiến nghị UBND Tp.HCM hỗ trợ ngân sách cho ngành y tế trong việc dự trữ một số thuốc hiếm trong công tác cấp cứu người bệnh. Sớm hiện thực hóa Đề án xây dựng Khu công nghệ Y - Dược kỹ thuật cao để hạn chế việc lệ thuộc nhập khẩu một số thuốc, vật tư y tế trong cấp cứu và điều trị chuyên sâu.
Kiến nghị với Bộ Y tế, tiếp tục rút ngắn thời gian gia hạn số đăng ký đối với các thuốc đã hết hạn số đăng ký. Xem xét và rút ngắn thời gian cấp phép nhập khẩu chuyến đối với những thuốc chưa có số đăng ký. Xem xét, cấp số đăng ký đối với những thuốc thường xuyên phải xin phép nhập khẩu chuyến. Chỉ đạo Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia rút ngắn thời gian đàm phán giá, đấu thầu tập trung để các bệnh viện kịp thời ký hợp đồng mua sắm với các nhà cung cấp, tránh gây gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh.
Nguyễn Lành