Các bác sỹ cho biết, bệnh nhân đã rơi vào trạng thái "chết não", sự sống đang mất dần và khuyên người nhà nên đưa về chờ ngày lo hậu sự. Trong khi chuẩn bị cho việc ma chay nhưng với quyết tâm còn nước còn tát, gia đình đã đưa bệnh nhân ra bệnh viện Y học cổ truyền (bộ Công an). Sau 2 tháng ròng rã đấu tranh giữa sự sống và cái chết, phép màu đã mang lại sự sống cho bệnh nhân.
Bệnh viện tuyến đầu trả về
Chiều 25/7, chúng tôi tìm đến khoa Điều trị tích cực (bệnh viện Y học cổ truyền, bộ Công an) trên đường Lương Thế Vinh, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội. Trái ngược với không gian đông đúc đến nghẹt thở của các bệnh viện tuyến trên, ở đây, tất cả đều bình lặng đến lạ kỳ. Hỏi thăm về bệnh nhân Nguyễn Văn Thụy (45 tuổi, quê An Tháp, Nhân Hòa, Yên Mỹ, Hưng Yên) vừa được cứu khỏi bàn tay "thần chết" chẳng ai là không biết. Các bác sỹ thậm chí còn dẫn chúng tôi đến tận phòng nơi anh Thụy đang điều trị.
Trên giường bệnh, người đàn ông 45 tuổi gầy xơ xác, mắt hõm sâu, làn da nhợt đi sau thời gian dài "chiến đấu" với tử thần. Túc trực bên giường, người vợ tảo tần không ngừng xoa bóp tay chồng để khí huyết được lưu thông. Trò chuyện với PV, chị Chu Thị Nên (vợ anh Thụy) không giấu nổi xúc động khi nhớ lại quãng thời gian chồng mình phải giành giật giữa sự sống và cái chết. "Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không dám tin vào phép màu nhiệm nào đã cứu sống chồng tôi. Khi mà sự sống đang dần khép lại, gia đình tôi vẫn luôn hy vọng và sẽ tìm đủ mọi cách để cứu anh ấy", chị Nên nói trong nước mắt.
Sự việc xảy ra vào chiều ngày 1/6 khi chồng chị Nên chuyển tấm tôn từ dưới đất lên mái khu nhà trọ để che lại bể nước. Chẳng may tấm tôn cứa đứt sợi dây điện gần đó khiến anh bị điện giật ngã nhào vào bể nước. Anh Thụy chỉ kịp ú ớ kêu cứu rồi ngất lịm, cơ thể gần như không còn cảm giác. Ngay lập tức gia đình đưa anh đến bệnh viện đa khoa phố Nối cấp cứu. Ban đầu da nạn nhân bị đen sạm, người mềm nhũn, nhưng sau mấy tiếng được chăm sóc tích cực tình trạng của anh đã khá hơn.
Chị Chu Thị Nên ngày ngày túc trực bên giường bệnh để chăm sóc chồng
Điều trị được một ngày, thấy tình trạng vẫn nguy kịch, gia đình quyết định đưa anh Thụy lên bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để điều trị. Tưởng chồng mình sẽ được cứu nhờ vào tay nghề hàng đầu của các y bác sỹ, chị Nên bỗng chết lặng khi nhận được hồi đáp: "Bệnh nhân đã bị "chết não", có điều trị cũng không sống được!?". Các bác sỹ tại đây khuyên gia đình đưa anh Thụy về. "Phải sau gần 1 giờ năn nỉ, các bác sỹ tại bệnh viện Bạch Mai mới làm thủ tục cho chồng tôi vào buồng bệnh", chị Nên kể lại.
Người phụ nữ trạc ngoài 40 tuổi kể tiếp: "Đến khoảng 17h cùng ngày, thấy chồng tôi ngáp và thở hắt ra, các bác sỹ nói rằng: "Không thể cứu được nữa!?". Các bác sỹ khuyên gia đình tôi nên đưa bệnh nhân về nhà chết cho đàng hoàng tránh tình trạng phải chết đường chết chợ. Một bác sỹ khác thậm chí buông lời hù dọa: "Để bệnh nhân chết ở đây phải làm nhiều thủ tục lắm, tốt nhất là đưa về nhà!?".
Không còn cách nào khác, chị Nên đành ngậm ngùi đưa chồng về nhà. Chị thậm chí phải thuê bình ô xy, mua quả bóng bóp để hỗ trợ cho chồng thở trên đường di chuyển. Về đến nhà, chị Nên chạy ngược chạy xuôi để chuẩn bị quan tài chờ anh Thụy nhắm mắt tắt thở rồi khâm liệm. Anh em, họ hàng, làng xóm đến thăm hỏi rất đông vì nghĩ rằng anh Thụy sẽ không qua khỏi.
Về nhà được khoảng 1 - 2 tiếng, thấy chân tay anh Thụy dần ấm lại, gia đình tiếp tục thuê xe đưa anh trở lại bệnh viện Bạch Mai để cứu chữa. Chị Nên kể tiếp: "Trái ngược với tâm trạng hy vọng của gia đình tôi, các bác sỹ tại đây không những không khuyên nhủ mà còn mắng chúng tôi té tát. Một bác sỹ nói: "Giờ không còn nước để mà tát nữa đâu. Đã không cứu được còn cố tình đưa lên đây. Cô đưa đi đưa lại chỉ tổ làm khổ chồng cô thôi, tốt nhất là đưa về tuyến dưới, điều trị được ngày nào hay ngày đó". Dù hết lời phân trần, mong các bác sỹ tìm mọi cách cứu chữa nhưng chị Nên tiếp tục nhận được câu trả lời, chồng chị không thể cứu được nữa.
Một lần nữa, chị cùng gia đình ngậm ngùi đưa chồng trở lại bệnh viện đa khoa phố Nối. Được sự tận tình cứu giúp, anh Thụy dần dần hồi tỉnh. Sau 20 ngày điều trị tại đây, đến ngày 21/6, anh Thụy được đưa đến điều trị tại bệnh viện Y học cổ truyền (bộ Công an) tại Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội).
Điều kỳ diệu
Phục hồi ngoài sức tưởng tượng Bác sỹ Nguyễn Thị Hương cho biết: “Đây là ca hy hữu đầu tiên mà tôi được chứng kiến. Khả năng hồi phục của anh Thụy cũng ngoài sức tưởng tượng của tập thể y bác sỹ bệnh viện. Bệnh nhân bị dòng điện hạ thế 220V giật và bị ngã xuống nước, bị hôn mê sâu. Với tổn thương nặng như vậy khả năng hồi phục sẽ vô cùng khó khăn. Đây thực sự là một kỳ tích bởi những bệnh viện hàng đầu tuyến Trung ương đã kết luận không cứu chữa được, thậm chí khuyên người nhà đưa về vì bệnh nhân đã "chết não". Khi bệnh nhân đã ở một nửa bên kia thế giới mà vẫn trở về với cuộc sống, đó là một phép màu". |
Theo lời kể của bác sỹ trực tiếp khám chữa cho bệnh nhân Nguyễn Văn Thụy, bệnh nhân được người nhà đưa vào nhập viện lúc 10h ngày 21/6 sau 3 tuần xảy ra tai nạn. "Tôi vẫn còn nhớ, lúc nhập viện, bệnh nhân ở trong tình trạng lơ mơ, không nhận biết được những thứ xung quanh. Tuy mắt vẫn mở nhưng gọi hỏi không đáp ứng, bệnh nhân phải thở qua ống mở khí quản ở cổ. Dù đã qua giai đoạn nguy kịch nhưng tình trạng của bệnh nhân vẫn rất nan giải. Nhận thấy đây là ca vô cùng khó khăn, lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo phải tìm đủ mọi cách để cứu sống bệnh nhân", bác sỹ Nguyễn Thị Hương kể lại.
Cũng theo lời bác sỹ Hương, sau quá trình điều trị tích cực ban đầu, bệnh nhân đã hết sốt, trí nhớ dần hồi phục. Các bác sỹ đã kết hợp đông tây y, châm cứu, xoa bóp nên sau một thời gian bệnh nhân đã đi lại và tự ăn uống được. Quá trình hồi phục của bệnh nhân Thụy khá nhanh. Chỉ sau 2 tuần anh ấy đã mở mắt, tuần tiếp theo gọi hỏi đã có thể quay đầu lại, các chức năng cũng dần dần phục hồi.
Vẫn túc trực bên giường bệnh, chốc chốc, chị Chu Thị Nên lại ngước nhìn chồng và nở nụ cười hiền hậu. Lau vội giọt nước mắt lăn trên má, chị cho biết: "Nhà đông con, các cháu lại còn nhỏ, nếu có chuyện gì xảy ra với anh ấy chắc tôi không thể gắng gượng nổi. Cũng may nhờ ông Trời thương xót đã cho anh ấy trở về".
Nhờ sự tận tình cứu chữa, các bác sỹ đã đưa chồng chị Nên từ cái chết trở về, dòng máu đã lại chảy trong tim anh. Một ngày không xa anh sẽ được về với gia đình, tiếp tục trở lại công việc của một cán bộ tại UBND xã. Số phận tưởng kết thúc lại mở ra những hy vọng mới.
Anh Đức