Mỗi ngày, khu xạ trị Kỹ thuật cao bệnh viện K cơ sở Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội tiến hành xạ trị cho hơn 1.000 bệnh nhân. Do không đủ máy móc nên việc điều trị phải chia làm 3 ca: Sáng, chiều và đêm.
Theo thống kê của bệnh viện K, những năm gần đây, số lượng người bệnh mắc ung thư đến bệnh viện điều trị ngày càng gia tăng. Năm 2015, bệnh viện tiếp nhận hơn 11.700 bệnh nhân, năm 2016 là hơn 12.000 người bệnh, song đến năm 2017 (tính đến 30/11/2017), bệnh viện đã điều trị cho hơn 15.000 người bệnh. Chính vì vậy, bệnh viện thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, các máy xạ trị của bệnh viện sử dụng liên tục suốt ngày đêm.
Trước tình trạng bệnh nhân phải chờ xếp hàng xạ trị lúc nửa đêm, trao đổi với PV, TS. Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng bộ Y tế thông tin: “Hiện nay, máy xạ trị rất đắt, ngân sách của bộ Y tế không đủ để đảm bảo cho việc đó, ngay cả dụng cụ thông thường còn thiếu. Việt Nam có được máy đó cũng là một thành tựu lớn. Máy ít mà nhu cầu người dùng rất nhiều nên bắt buộc phải chia ca. Một ngày phải 3 ca, thậm chí 4 ca mới hết được lượng bệnh nhân đăng kí trị xạ. Theo tôi, giai đoạn này chúng phải chấp nhận với điều đó để giải quyết tình huống”.
Cũng theo ông Trường thông tin: “Phương án của bộ Y tế chỉ đạo bệnh viện, trong lúc ngân sách còn hạn chế thì phải đảm bảo nhu cầu của người bệnh. Chúng tôi đang tính phương án xã hội hóa để kêu gọi các nhà đầu tư vào nhằm giải quyết vấn đề hiện nay về nhu cầu xạ trị của bệnh nhân ung thư. Hy vọng, thời gian ngắn tới, chúng ta thực hiện được điều đó chứ không thể gỡ ngay được”.
Nói về phương án khắc phục tình trạng quá tải tại bệnh viện, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K cho biết, trước năm 2017, bệnh viện có 7 máy xạ trị (6 máy xạ trị gia tốc và 1 máy xạ trị Cobalt). Năm 2017, bệnh viện được đầu tư hệ thống gia tốc xạ trị hiện đại đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân. “Các máy làm việc liên tục đến 23 giờ/ngày. Chỉ có một, hai tiếng máy sẽ nghỉ để bảo dưỡng, bảo trì”, ông Thuấn nói.
Chính vì vậy, bệnh viện đang nghiên cứu và thúc đẩy mọi mặt để ứng dụng phương pháp chữa trị xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư. Đây là phương pháp hiện đại và an toàn đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên ở khu vực Đông Nam Á, hiện chưa có nước nào được trang bị và áp dụng phương pháp chữa trị xạ trị tiên tiến này.
Nguyễn Huệ- Hương Lan