Theo ghi nhận của PV, tại khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương ngoài những bệnh nhi nhỏ tuổi còn có những bệnh nhân 10 – 15 tuổi nằm điều trị vì mắc bệnh viêm não Nhật Bản.
Nguyễn Viết C. (15 tuổi, quê ở Uông Bí, Quảng Ninh) đã nằm đây hơn 1 tháng. Thời điểm hiện tại em bị liệt tứ chi, ăn bằng xông, vẫn tỉnh táo và nhận thức được mọi việc xung quanh nhưng chỉ mấp máy môi.
Theo các điều dưỡng khoa Truyền nhiễm, lúc lên cơn co giật, chân tay C. cào cấu, giật bỏ dây chuyền, có thể làm tổn thương cơ thể, vì thế, họ phải buộc tay cháu cố định vào giường.
Một trường hợp khác là bệnh nhi Nguyễn Thị Ý N. (11 tuổi, đến từ TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Chia sẻ về bệnh tình của con, chị Hoàng Thị Thu Thương nghẹn ngào: “Hôm nay (ngày 3/7 – PV) là sinh nhật con tôi nhưng cháu phải đón sinh nhật trong viện. Trước đây cháu khỏe mạnh và chưa một lần ốm đau nhưng ít ngày trước cháu bỗng nhiên bị sốt. Ban đầu, mọi người chỉ nghĩ cháu bị say nắng. Nhưng khi ở nhà, đang dọn cơm ăn thì thấy cháu vật ra, co giật. Chúng tôi sợ quá đưa cháu đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng sau đó các bác sĩ chuyển cháu xuống bệnh viện Nhi Trung ương luôn”.
Cũng theo chị Hương, bé N. chưa tiêm vắc – xin viêm não Nhật Bản.
Trao đổi với PV, TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm thông tin, hiện thời tiết đang nắng nóng đỉnh điểm, trong khoa có khoảng gần chục ca viêm não Nhật Bản, hầu hết là những ca nặng.
Tính từ đầu mùa đến giờ có khoảng 37 ca mắc viêm não Nhật Bản. So với mọi năm thì số lượng không tăng nhưng lứa tuổi mắc lại cao hơn. Thông thường, bệnh xảy ở độ tuổi 2 - 8 tuổi, nhưng năm nay, lứa tuổi nhập viện cao hơn, khoảng 8-12 tuổi. Cháu lớn nhất mắc bệnh này tới thời điểm hiện tại ở độ tuổi 15.
“Khi được hỏi, các bậc phụ huynh không nhớ tiền sử tiêm chủng của con, có cháu không tiêm mũi nhắc lại”, TS.BS Lâm nói.
Theo BS Lâm, có nhiều di chứng do bệnh viêm não Nhật Bản gây nên. "Hiện các ca chúng tôi gặp có trẻ liệt tứ chi, nhiều cháu không tự thở được, phải mở khí quản để thở máy kéo dài. Di chứng để lại rất nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này của các cháu", BS. Lâm chia sẻ.
BS.Lâm khuyến cáo các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho con mình đầy đủ và tiêm nhắc lại 3 năm 1 lần đến năm 15 tuổi.
Nguyễn Huệ