Bệnh sữa bùng phát trên tôm hùm, người nuôi đứng ngồi không yên

Bệnh sữa bùng phát trên tôm hùm, người nuôi đứng ngồi không yên

Nguyễn Hưng

Nguyễn Hưng

Thứ 7, 01/04/2017 12:34

Người nuôi tôm hùm tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa như đang "ngồi trên đống lửa" khi tôm đồng loạt chết khiến người dân thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Những ánh mắt thờ thẫn trên “cánh đồng tôm”

Những ngày qua, người dân ở "thủ phủ" nuôi tôm thuộc thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) chỉ biết ngồi thẫn thờ nhìn tôm hùm "đua" nhau chết.

Trao đổi với PV, chị Huỳnh Thị Chung, một người nuôi tôm ở khu vực Bãi Đồng (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu) cho biết: “Khoảng 1 tháng trở lại đây, ngày nào cũng xảy ra tình trạng tôm chết, ít thì 7-8 con, có ngày chết hơn chục con".

"Một tháng qua, số tôm chết đã lên đến 200-300 con. Nhiều lồng tôm sắp đến ngày thu hoạch, tôm đột nhiên lăn ra chết. Hiện tại, giá tôm hùm bông là 1,6 triệu đồng/kg nhưng tôm chết không ai mua, nài nỉ lắm người ta mới đồng ý mua với giá 50.000 đồng/con. Bán được con tôm cho thương lái mà xót của, rớt hết nước mắt”, chị Chung chia sẻ.

Xã hội - Bệnh sữa bùng phát trên tôm hùm, người nuôi đứng ngồi không yên

 Ngày nào cũng có tôm chết trên các lồng bè nuôi tôm hùm ở hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa.

"Những ngày qua, chúng tôi phát hiện tôm chết rải rác từ 2-5 con/lồng. Mỗi hộ ở khu vực này đều nuôi từ 3-7 lồng, tính sơ cũng đủ biết số tôm chết nhiều đến mức nào. So với mọi nă, năm nay, tình trạng tôm chết diễn ra sớm hơn", ông Ngô Văn Ngọc (trú xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu) buồn bã chia sẻ.

Được biết, thời điểm cuối năm 2016, do mưa lũ, nước biển bị ngọt hóa cũng làm tôm chết hàng loạt. Toàn thị xã Sông Cầu có hơn 500.000 con tôm hùm bị chết. Khu vực đầm Cù Mông thuộc hai xã Xuân Cảnh và Xuân Thịnh có hơn 300.000 con tôm bị chết, thiệt hại gần 55 tỷ đồng. Mỗi hộ thua lỗ ít nhất từ 200 triệu đồng đến hơn 700 triệu đồng. Nhiều hộ rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Năm nay, người nuôi tôm mới gây dựng lại thì tôm tiếp tục bị chết và đang có chiều hướng tăng khiến nhiều hộ điêu đứng.

Tại tỉnh Khánh Hòa, từ sau tết, vùng nuôi tôm bị ảnh hưởng nặng nhất phải kể đến phường Cam Phúc Nam (TP.Cam Ranh). Khu vực này có 350 hộ nuôi tôm hùm với tổng số lồng, bè nuôi tôm lên đến 1800 lồng nhưng khoảng 15% số tôm hùm nuôi đã chết.

Ông Lê Văn Minh (45 tuổi, trú tổ dân phố Phúc Ninh, phường Cam Phúc Nam) cho biết: “Tôm hùm xanh lẫn tôm hùm bông đều có dấu hiệu bỏ ăn, các đốt ở phần bụng tôm chuyển từ màu trắng trong sang màu trắng đục. Sáng nào, tôi ra thăm bè cũng thấy xác vài chục con tôm hùm bông, tôm hùm xanh nổi lềnh bềnh trên mặt nước”.

Ngồi chết lặng trên bờ biển, đôi mắt trũng sâu, anh Trần Thành Hải (31 tuổi, trú phường Cam Linh, TP.Cam Ranh) cho biết: “Từ hồi biết nuôi tôm đến giờ, đợt này tôm chết nhiều nhất. Giá tôm hùm hơn 1 triệu đồng/kg nhưng tôm chết bị thương lái ép giá chỉ còn từ 100.000 - 400.000 đồng/kg. Giá dao động tùy thuộc vào loại tôm hùm, kích cỡ và độ tươi của tôm, nhưng cũng rất ít người mua”.

Dịch bệnh sữa trên tôm bùng phát ở diện rộng

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho biết: “Ít nhất 16.590 trong số 20.980 lồng nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu bị bệnh với tỉ lệ tôm chết trong mỗi lồng nuôi từ 10% đến 30%. Cá biệt, một số lồng nuôi tỉ lệ tôm hùm chết từ 50% đến 70%. Tôm bị bệnh hoặc chết có trọng lượng từ 0,2 kg đến 0,7 kg/con. Phân tích nhanh của viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III trên 9 mẫu tôm hùm ở thị xã Sông Cầu cho thấy, 100% mẫu bị nhiễm vi khuẩn Rickettsia-like là tác nhân gây bệnh sữa trên tôm hùm”.

Xã hội - Bệnh sữa bùng phát trên tôm hùm, người nuôi đứng ngồi không yên (Hình 2).

 Đoàn cán bộ đang lấy mẫu tôm bị bệnh tại Vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Trao đổi với PV, bà Trần Thanh Thúy, Phó chi cục trưởng chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Cán bộ chi cục đã lấy 3 mẫu tôm ở hộ ông Nguyễn Xuân Thuận (TP.Cam Ranh). Trong đó, 2 mẫu có dấu hiệu đặc trưng của bệnh sữa, còn 1 mẫu chưa có dấu hiệu của bệnh sữa. Kết quả giải phẫu cho thấy khối gan tụy của 2 con tôm có dấu hiệu bệnh sữa bị nát, không còn nguyên vẹn, không thể làm mẫu mô học được; 1 con tôm không có dấu hiệu sữa, gan tụy nhợt nhạt và cũng bị nát vữa. Những thông tin dịch tễ tại vùng nuôi kết hợp với dấu hiệu đặc trưng của bệnh sữa cho thấy đàn tôm hùm nuôi tại Cam Ranh đã bị nhiễm bệnh sữa”.

Theo bà Thúy, hình thức nuôi hiện tại tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát bệnh trên tôm hùm, nhất là hình thức nuôi lồng chìm. Chế độ vệ sinh lồng lưới không đảm bảo, vùng nuôi có nhiều dấu hiệu về hiện tượng ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, người nuôi tôm chưa có ý thức trong việc phát hiện bệnh sớm, cũng như nâng cao tính liên kết cộng đồng trong vùng nuôi để ngăn chặn các hiện tượng bùng phát bệnh gây chết hàng loạt.

Các cơ quan chức năng cho rằng, nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ việc mật độ tôm thả nuôi quá dày, thời tiết diễn biến bất lợi. Thêm vào đó, người dân tùy tiện trộn thuốc tây vào thức ăn cho tôm… khiến dịch bệnh sữa tái bùng phát.

Người dân đang dùng thuốc tây chữa bệnh cho tôm một cách bừa bãi

Trao đổi với PV, bà Trần Thanh Thúy, Phó chi cục trưởng chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Người nuôi tôm có thói quen sử dụng thuốc kháng sinh (thuốc tây) để trộn vào thức ăn cho tôm ăn định kỳ hoặc khi tôm có hiện tượng chết rải rác. Vùng nuôi vẫn đang sử dụng loại thuốc Enro 20+20 (nằm trong danh mục cấm) để phòng và trị bệnh khi tôm có dấu hiệu bệnh sữa. Khi cho ăn, tôm cũng có hiện tượng ngừng chế. Thế nhưng, sau 2-3 ngày, tôm lại chết, có khi chết nhiều hơn”.

Bạch Hưng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.