Tăng đột biến
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin ngày 28/9, đại diện trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, kết quả thống kê mới nhất cho thấy, từ tuần thứ 38 (từ 14 đến 20/9), số ca mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tại các bệnh viện tại TP.HCM đã ở mức cao nhất trong cả năm là 286 ca, tăng 47% so với thời điểm tháng trước. Tuy nhiên, tổng số ca nhập viện tích lũy trong năm 2018 vẫn thấp hơn 20% so với năm 2017, là 3.195 ca, so với 3.974 ca của năm 2017. Điều đáng nói, 80% người lớn mắc tay chân miệng không có biểu hiện lâm sàng.
Theo ghi nhận của PV tại các bệnh viện nhi ở TP.HCM, chỉ trong 3 tuần trở lại đây, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng đột biến. Tại bệnh viện Nhi đồng 1, số ca mắc tay chân miệng tăng gấp 5 lần so với trước đây.
Bác sĩ Trương Vũ Khanh (bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết: “Bệnh nhi tay chân miệng mới chỉ tăng đột biến khoảng 3 tuần nay. Đỉnh điểm là ngày 24/9, khoa Nhiễm của bệnh viện điều trị cho 222 bé. Ngay trong ngày 26/9, tại khoa đang có 179 ca, trong đó có 25 – 30 ca nặng phải theo dõi rất sát. Lượng bệnh nhân nhập viện, nhất là các ca nặng vẫn đang tiếp tục tăng. Đã có 10 trẻ phải thở máy và 4-5 trẻ phải lọc máu”.
Trong khi đó, tại bệnh viện Nhi đồng 2, PV ghi nhận thấy trong sáng 28/9, nhiều ca mắc tay chân miệng nặng (độ 4) hôn mê phải thở máy và lọc máu. Đại diện bệnh viện cho biết, tháng 8/2019, số ca nhập viện điều trị tại bệnh viện về bệnh tay chân miệng tăng gấp đôi so với tháng trước đó. Theo đó, con số là 4.511 trẻ, tăng hơn 100% so với tháng trước đó.
Bên cạnh đó, đại diện bệnh viện Nhi đồng 2 khẳng định, bệnh sốt xuất huyết cũng đang gia tăng nhanh. Trong tháng 8, số ca đến khám liên quan đến bệnh sốt xuất huyết là 1.010 ca, tăng 41,46% so với tháng 7. Số ca nhập viện điều trị sốt xuất huyết là 492 ca, tăng trên 48% so với tháng 7. Trong tháng 9, số ca sốt xuất huyết cũng đang tiếp tục tăng. Trung bình mỗi tuần, bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận khoảng 300 ca đến khám và hơn 100 ca nhập viện điều trị.
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị M. (ngụ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết, con gái chị mới 3 tuổi, bị sốt xuất huyết, gia đình cho uống thuốc nhưng không bớt. Chỉ sau một đêm đưa tới bệnh viện thì bệnh của bé diễn tiến rất nhanh. Sau đó, bé đã co giật, hôn mê, phải thở máy và lọc máu trong 2 ngày. Do nhiều bệnh nhi nhập viện điều trị, nên bệnh viện quá tải, gia đình chị thay nhau mua ghế, nằm chờ ngoài hành lang để theo dõi, chăm sóc con.
Xuất hiện virus lây lan nhanh
Theo bác sĩ Khanh, những năm trước, điều tra dịch tễ cho thấy, số trẻ mắc tay chân miệng do vi rút Ev71 rất thấp. Thế nhưng gần đây, hơn 50% trẻ mắc vi rút Ev71. Đặc tính của loại virus này là lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao, vì thế số bệnh nhân nhập viện ngày càng tăng. Trẻ mắc tay chân miệng do vi rút Ev71 có thể bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. Tại bệnh viện Nhi đồng 1 đã có 1 ca tử vong do bệnh tay chân miệng.
Cũng theo bác sĩ Khanh, bệnh tay chân miệng đã được cảnh báo rất nhiều tới cộng đồng và nhận thức của người dân về căn bệnh này cũng đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, năm nay do số ca mắc nhiều, nhiều ca nặng nên các bậc phụ huynh phải đặc biệt lưu ý, nhất là với trẻ dưới 3 tuổi. Nếu trẻ có các triệu chứng như sốt cao, khó hạ, kéo dài hơn 2 ngày, nôn ói nhiều thì phải đưa trẻ đi khám.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo, nếu thấy trẻ giật mình trên 2 lần trong 30 phút kèm sốt cao, khó hạ trên 2 ngày thì phải lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế. Đồng thời, các bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện địa phương đã có phác đồ, có đủ nhân lực cũng như thiết bị để điều trị bệnh này nên bệnh nhân không cần phải chuyển hết về bệnh viện tuyến cuối.
"Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là phải rửa tay thường xuyên cho trẻ trước và sau khi đến trường. Người lớn cũng phải rửa tay thường xuyên trước khi bước vào nhà hoặc trước khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ. Bệnh tay chân miệng có 2 mùa dịch. Đợt 1 vào tháng 4, 5, 6 và đợt 2 vào tháng 9, 10, kéo dài tới đỉnh dịch là tháng 11, tháng 12", bác sĩ Khanh thông tin.