Thông tin mới nhất cho biết nước ta hiện có khoảng 4,5 triệu người bệnh tiểu đường, nhưng 65% trong số này không biết mình bị mắc bệnh. Chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như mù lòa, suy thận, hoại tử chi.
Lấy mẫu máu để xét nghiệm tiểu đường
Việt Nam không phải là quốc gia có tỷ lệ tiểu đường lớn nhất thế giới nhưng bệnh tiểu đường ở Việt Nam phát triển nhanh nhất thế giới. Bệnh gia tăng cả về tỷ lệ, biến chứng và đối tượng mắc bệnh. Điều tra toàn quốc năm 2002, tỷ lệ bệnh lứa tuổi 30-64 của Việt Nam là 2,7%, riêng khu vực thành thị và khu công nghiệp tỷ lệ bệnh tiểu đường là 4,4%.
Tiểu đường, đặc biệt là type 2, phát sinh do cơ thể mất khả năng sử dụng tốt insulin để duy trì đường huyết ở trong mức bình thường. Do đó, ở bệnh nhân tiểu đường, lượng đường trong máu thường xuyên cao hơn mức bình thường.
Bệnh xảy ra trên toàn thế giới, nhưng phổ biến hơn ở các nước đang phát triển. Sự gia tăng này tăng theo xu hướng đô thị hóa, sự thay đổi lối sống và chế độ ăn uống "kiểu phương Tây".
Năm 2000, theo Tổ chức Y tế Thế giới có ít nhất 171 triệu người trên toàn thế giới bị bệnh tiểu đường (chiếm 2,8% dân số). Tỷ lệ đó đang gia tăng nhanh, ước tính vào năm 2030, con số này gần như sẽ tăng gấp đôi (366 triệu người).
Nhật Vương