Trường hợp của bạn Mai Hương, nhân viên ngân hàng, thấy khó chịu khi đi vệ sinh, cô đi khám và sững sờ khi bác sĩ kết luận cô bị bệnh trĩ với búi trĩ đã bị thò ra ngoài. Rất may là tình trạng của cô chưa cần phải phẫu thuật, và chưa có biến chứng nguy hiểm xảy ra. Hương cho biết, cô thường ngồi máy tính 8 tiếng mỗi ngày và rất ít khi uống nước.
Theo GS. Nguyễn Mạnh Nhâm - bệnh viện đa khoa Tràng An, Hà Nội, số bệnh nhân như Hương khá phổ biến hiện nay, đa số các trường hợp đến chữa bệnh đều trong tình trạng khá muộn, khi biện pháp can thiệp đã ở mức tiêm hoặc phẫu thuật.
Bệnh trĩ, hay còn gọi là bệnh lòi dom theo dân gian, là bệnh được tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn. Có hai loại trĩ là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội chịu lực nén bên trong nên có chiều hướng sung huyết, chảy máu và đôi khi bị sa. Trĩ ngoại có thể có huyết khối phát triển rất đau. Là bệnh rất phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn đến nhập viện.
Bệnh rất phổ biến, không phân biệt lứa tuổi. Hiện nay, hơn 50% số người mắc bệnh có độ tuổi từ 50 trở lên. Tuy nhiên, bệnh trĩ đang ngày càng trẻ hóa do ảnh hưởng của việc ngồi nhiều bên máy tính của giới trẻ, đặc biệt là dân văn phòng. Vì xấu hổ nên rất ít người chịu đi khám, chỉ đến khi xuất hiện biến chứng gây đau đớn, khó chịu cho sinh hoạt thì mới đến bệnh viện.
GS.Nhâm cho biết, có nhiều nguyên nhân gây bệnh trĩ như táo bón kinh niên, béo phì, hay mang vác nặng, mang thai và sinh con… Tỷ lệ mắc trĩ ở Việt Nam hiện nay lên tới 35-50%. Một nghiên cứu mới đây ở các tỉnh phía Bắc, có tới 55% dân số mắc trĩ. Trong đó, dân văn phòng là đối tượng hay bị bệnh trĩ tấn công nhất. Bệnh trĩ tuy ít gây tử vong ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Chị Thương, 23 tuổi ở Hà Đông – Hà Nội. Ban đầu chị chỉ bị táo bón và đi ngoài ra máu. Đi khám, bác sĩ kết luận chị bị trĩ độ nhẹ và cho thuốc về nhà uống. Chị vừa uống thuốc, vừa điều chỉnh ăn uống và sinh hoạt, bệnh có đỡ. Nhưng chỉ một thời gian sau, bệnh nặng hơn, búi trĩ lòi cả ra ngoài, gây đau đớn, khổ sở. Khổ nhất là cả khi ăn, ngủ và ngồi làm việc chị luôn cảm thấy đau khiến chị trở nên hay cáu bẳn, mệt mỏi. Ngay cả trong quan hệ vợ chồng chị cũng mất hết cảm hứng nên toàn tìm cách thoái thác vì mùi hôi khó chịu từ nơi những búi trĩ xa xuống to tướng, mủ, nước nhè nhẹt…
Để phòng tránh bệnh, mỗi người, đặc biệt là những người phải làm việc văn phòng cần tránh đứng hoặc ngồi trong một thời gian dài, chịu khó đi lại. Nếu công việc đòi hỏi phải ngồi trong thời gian dài thì nên đứng lên 5 đến 10 phút sau khoảng một tiếng ngồi làm việc.
Tập thói quen uống nước nhiều vì nước việc tiêu hóa tốt hơn (nên uống 1,5 lít nước/ngày). Ăn nhiều rau xanh, trái cây cũng giúp cho phân mềm, khối phân tăng thêm nhờ đó mà chúng ta sẽ gián tiếp tránh được bệnh trĩ. Tránh dùng các thức ăn cay, nóng vì khó tiêu hóa và gây táo bón.
Chú trọng dùng đồ ăn thức uống có tính thanh nhiệt nhuận tràng như cháo đậu xanh, chuối tiêu, đu đủ, rau mồng tơi, rau lang, thanh long, nước cam, nước ép mã thầy, bột sắn dây,… Thường xuyên, tăng cường luyện tập thể dục thể thao.
Duyên Trần