NSƯT Ngọc Căn chia sẻ: "Tôi phát hiện bị ung thư thận từ năm 2017, đã cắt một bên thận, một phần của bàng quang, và đường tiết liệu. Sau một thời gian cầm cự được thì tới tháng 3/2018 lại tái phát, di căn sang bàng quang. Tôi đi tiểu lần nào cũng ra máu. Bác sĩ nói rằng tôi nên phẫu thuật thì sống thêm được từ 1 tới 1,5 năm nữa. Còn nếu không thì tôi chỉ sống được từ 3 tới 6 tháng. Nhưng nếu phẫu thuật phải đeo ống gì đó, điều này tôi không muốn".
Lý do ông Ngọc Căn từ chối bởi ông đặt 2 ống stent tim và hàng ngày vẫn uống thuốc chống đông máu. Nếu mổ, khả năng máu sẽ không đông, ông có thể chết trên bàn mổ.
Ung thư thận có thể chữa được nếu được phát hiện sớm nhưng hiện nay rất ít người biết về nguyên nhân, các triệu chứng của căn bệnh này.
Theo số liệu WHO năm 2018, Việt Nam có khoảng 2.400 ca mắc mới ung thư thận, trong đó có hơn 1.300 ca tử vong, chiếm trên 55%. Đây là loại ung thư xếp thứ 17 ở Việt Nam về tỉ lệ mắc và số ca mắc chiếm chưa tới 1,6% trong tổng số các loại ung thư.
Trong khi đó cả nước có tới 5 triệu bệnh nhân suy thận từ giai đoạn 1 đến 5. Trong đó có khoảng 26.000 người suy thận giai đoạn cuối. Hai loại phổ biến nhất của ung thư thận là ung thư biểu mô tế bào thận (RCC) và ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (TCC) của bể thận (chậu thận). Trong đó RCC chiếm khoảng 80%.
Nguyên nhân gây ung thư thận
Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư thận như: Hút thuốc lá (có thể tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh), thường xuyên sử dụng các thuốc chống viêm như ibuprofen và naproxen, béo phì, gene bị lỗi, tiền sử gia đình có người mắc ung thư thận, có bệnh thận cần phải lọc máu, nhiễm viêm gan siêu vi C, trước đó từng được điều trị bệnh ung thư tinh hoàn hoặc ung thư cổ tử cung.
Ngoài ra, còn có các yếu tố khác có thể gây nguy cơ mắc bệnh ung thư thận như sỏi thận và tăng huyết áp cũng đang được nghiên cứu.
Triệu chứng ung thư thận
Các biểu hiện lâm sàng của ung thư thận thay đổi theo từng giai đoạn, đôi khi không có triệu chứng gì, khối u đã phát triển rộng khắp trong cơ thể, thậm chí di căn đến phổi, xương và các cơ quan khác. Đi tiểu ra máu, đau lưng và xuất hiện khối u thường được xem là ba triệu chứng điển hình của bệnh ung thư thận.
Tiểu ra máu: Là dấu hiệu phổ biến nhất, thường có tính ngắt quãng, không đau, có thể quan sát thấy bằng mắt thường hoặc bằng máy soi.
Đau lưng dưới: Thường có biểu hiện như đau đớn dai dẳng và có tính liên tục. Khi khối u đã xâm nhập vào dây thần kinh hoặc cột sống vùng thắt lưng có thể gây ra đau dữ dội. Chứng tiểu máu hình thành từ đường ống tiết niệu bị vón cục tạo thành dải máu, đào thải ra ngoài cùng với nước tiểu, từ đó có thể gây đau thắt lưng.
Khối u ung thư: Người có khối u thận có thể sờ thấy khối u phía thắt lưng hoặc vùng bụng trên khoảng 10%. Các khối u hình thành trong thận giai đoạn đầu rất khó sờ thấy, chỉ nhìn thấy các dấu hiệu khi u phát triển đến đường kính từ 3-5 cm.
Khối u thông thường rất cứng, bề mặt nhấp nhô không bằng phẳng, hoặc có hình dạng cục/viên. Ở những bệnh nhân có thể trạng gầy thì khi khám có thể phát hiện khối u nằm ở cực dưới của thận, có thể sờ thấy khối u.
Số lượng bệnh nhân có dấu hiệu trên thường không nhiều, chiếm khoảng 10 - 15%, nếu xuất hiện cùng lúc thì thường là đã rơi vào giai đoạn muộn.
Do ung thư biểu mô tế bào thận là khối u ác tính nguy hiểm, nhiều bệnh nhân có triệu chứng xuất hiện rõ rệt như người sút cân, thiếu máu, sốt, ăn mất ngon và các dấu hiệu thay đổi về thể chất khác.
Một số ít bệnh nhân có thể có triệu chứng liên quan đến sưng phù tĩnh mạch, hoặc phù chân.
Nếu bệnh nhân bị ung thư thận di căn lên phổi hoặc xương, cũng có thể xuất hiện những triệu chứng tương tự. Quan sát lâm sàng phát hiện ra rằng, một số bệnh nhân còn bị triệu chứng rối loạn nội tiết. Đây là do ung thư thận có thể phân giải ra nhiều chất, từ đó dẫn đến các triệu chứng tương ứng.
Đối với những người trên 50 tuổi và có một trong ba triệu chứng trên kèm theo sốt không rõ nguyên nhân, nên nâng cao cảnh giác, kiểm tra kịp thời để chẩn đoán hoặc loại trừ càng sớm càng tốt.
Cách phòng ngừa ung thư thận
TS.BS Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, ung thư thận ở giai đoạn sớm khi kích thước bướu còn dưới 7cm, thường không có triệu chứng điển hình. Ở giai đoạn muộn khoảng 30% người bệnh có các triệu chứng đau bụng, tiểu máu, thăm khám thấy có khối u bụng.
Do đó để phát hiện sớm ung thư thận, người dân nên kiểm tra định kỳ sức khoẻ hàng năm, ít nhất 6 tháng/lần, đặc biệt là những người trên 55 tuổi hoặc người có nguy cơ cao.
Đặc biệt, người dân nên bỏ hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với amiăng, ăn uống điều độ và tập thể dục đều đặn.
Thường những người béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Do vậy ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, giảm chất béo, thức ăn nhiều dầu mỡ, bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, đồng thời nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Ngày nay, với những máy móc hiện đại và kỹ năng chuyên môn của các bác sĩ thì khối u thận có thể được phát hiện khi còn rất nhỏ, dưới 4cm.
Hiện nay một số phương pháp điều trị ung thư được áp dụng phổ biến và có nhiều ưu điểm là điều trị bằng phẫu thuật, liệu pháp miễn dịch, phương pháp xạ trị, hóa trị, thuốc nhắm trúng đích...
Chế độ ăn uống cho người mắc ung thư thận
Ths. Bùi Xuân Nội cho biết, theo thống kê hàng năm nước ta có khoảng 150.000 bệnh nhân chết vì ung thư, khoảng 80% bị sụt cân và 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u. Tuy nhiên rất ít khi người bệnh được đề cập đến chế độ dinh dưỡng thế nào cho hợp lý.
Để đảm bảo các chất dinh dưỡng, người bệnh ung thư thận cần phải ăn uống đầy đủ các thực phẩm thuộc các nhóm chất đạm, bột, béo, vitamin, khoáng chất. Tuy nhiên, đối với mỗi bệnh sẽ được áp dụng một chế độ ăn uống riêng. Mặc dù chế độ ăn uống không có tác dụng điều trị bệnh nhưng nó lại đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phục hồi, tăng cường sức khoẻ, chống chọi với bệnh tật.
Bác sĩ Nội đưa ra một số lời khuyên về dinh dưỡng cho những bệnh nhân ung thư thận:
Đối với bệnh nhân ung thư thận cần tăng cường chất bột đường từ mật ong, khoai lang, bột sắn dây, miến dong…
Chất béo: Nên sử dụng 30-35g/ngày.
Chất đạm: Tuỳ thuộc vào cân nặng của người bệnh mà giảm chất đạm. Nên sử dụng đạm có nguồn gốc từ động vật như cá, trứng, sữa…
Các loại rau quả: Nên dùng các loại rau quả ít đạm, nên dùng các quả ngọt, hàm lượng kali thấp.
Người ung thư thận nên kiêng hẳn các loại dưa, cà, mắm tôm, cá mắm, rượu, bia… Trong quá trình chế biến đồ ăn cho bệnh nhân ung thư thận nên hạn chế muối, mì chính, nên dùng 1 thìa nước mắm mỗi ngày.
Về nước uống, bệnh nhân ung thư thận nên dùng nước đun sôi để nguội, nước rau luộc, nước hoa quả (cam, quýt). Lượng nước uống mỗi ngày bằng lượng nước tiểu cộng thêm 200-300ml.
Những thực phẩm nên hạn chế: Các phủ tạng động vật như tim, bầu dục, gan, óc…; Không nên sử dụng những loại chất béo từ động vật.
>>>Xem thêm: Đắk Lắk: Hơn 60 người đi cấp cứu sau khi ăn bánh mì tại quán quen ven đường
Phong Linh (tổng hợp)