Mất mạng vì một mũi tiêm?
Nạn nhân là anh Đỗ Ngọc Tranh - Sinh năm 1969, hộ khẩu thường trú ở xã Thanh Tân (Kiến Xương, Thái Bình).
Bệnh nhân Tranh lúc nguy kịch tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 4/10.
Trao đổi với PV, chị Dương Thị Sen (SN 1972, vợ nạn nhân Đỗ Ngọc Tranh) cho biết: “Do chồng tôi bị viêm họng, đau cổ nên khoảng 15 giờ ngày 5/8 tôi đưa chồng đến khoa B7 Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương để khám bệnh. Khi vào bệnh viện chồng tôi được bác sĩ có tên là Hùng thăm khám, rồi vội vàng tiêm truyền ngay mà không đo huyết áp, không chờ lấy kết quả xét nghiệm, không thử thuốc phản ứng.
Trước khi tiêm thuốc tôi cũng đã nói rõ với bác sĩ là chồng tôi bị tiểu đường 2 năm nay và nhiễm virus viên gan B 5 năm rồi.
Ngay sau khi tiêm truyền xong, khoảng 15 phút thì chồng tôi lên cơn khó thở nặng, có lẽ do bị dị ứng thuốc. Sợ quá, tôi vội vàng gọi bác sĩ đến xử lý. Bác sĩ Hùng đã phải dùng biện pháp mở khí quản cho chồng tôi thở.
Khoảng 7 giờ ngày 5/8/2012, chồng tôi được chuyển sang bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng phế quản bị mở, không thể tự thở được. Sau đó, chồng tôi được lưu chữa, cấp cứu tại khoa cấp cứu bệnh viện Bạch Mai.
Đến 11 giờ ngày 6/8 chồng tôi được chuyển sang Khoa Ung bướu. Tại phòng cấp cứu khoa Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Hùng cũng theo sang xem xét hỗ trợ điều trị nhưng không thừa nhận chồng tôi bị dị ứng thuốc”.
Được biết, vì không hiểu nguyên nhân vì sao mà chồng mình lại bị được xếp vào khoa Ung bướu nên gia đình chị Sen đã đề nghị khoa Ung bướu cho đi xét nghiệm. Kết quả, anh Tranh không hề bị khối u trong thực quản (như dự đoán).
Đến ngày 14/9/2012 chồng chị được chuyển về điều trị tại khoa truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, sức khỏe của anh Tranh cứ nặng dần và sau đó qua đời vào ngày 7/10.
Bệnh viện thờ ơ?
"Trước ngày vào Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương để khám chữa bệnh, ngoài bị đau ở họng thì chồng tôi vẫn đi làm việc, ăn uống bình thường. Tuy nhiên, chỉ vì cách khám chữa bệnh vội vàng, chưa đúng quy trình… của các bác sĩ tại Khoa B7 đã khiến chồng tôi từ một người khỏe mạnh bỗng nhiên hứng chịu nhiều bệnh khác nhau và dẫn đến tử vong” - Chị Sen bức xúc kể lại.
Đơn kêu cứu của gia đình bệnh nhân.
Cũng theo chị Sen, thấy sức khỏe của chồng ngày một kiệt quệ, ngày 26/9, gia đình chị đã trực tiếp trình đơn kiến nghị lên trưởng khoa B7 yêu cầu bệnh viện xem xét, và phối hợp với gia đình để chữa trị cho anh Tranh nhưng phía bệnh viện thờ ơ không có phản hồi gì.
Sau khi anh Tranh qua đời, ngày 5/11, gia đình chị lại tiếp tục làm đơn gửi ông Võ Thanh Quang - giám đốc.
Chị Sen cho biết: “Tôi chờ ông Quang từ sáng sớm tới hơn 16 giờ mới gặp. Nhưng vị này lấy cớ “đi họp Bộ” đã không nhận đơn của gia đình mà lên xe đi về nhà riêng khi chưa hết giờ hành chính. Tôi tiếp tục bắt xe ôm bám theo ông Quang về nhà riêng thì bị ông dùng những lời lẽ gay gắt mắng mỏ và dọa gọi công an tới bắt.
Trước tình hình đó, tôi trình bày, mình chỉ là người dân bình thường, vì bị đối xử bất công trong quá trình khám chữa bệnh nên muốn đến trình đơn lên Giám đốc chứ không có ý định gây rối và không có hành vi vi phạm pháp luật nào.
Sau khi chồng qua đời, tôi và con cái vô cùng đau khổ, con tôi khóc suốt ngày vì mất cha. Lúc đó ông mới dịu giọng và nhận đơn kiến nghị của tôi”.
Cũng theo chị Sen, sau cả hai lần gửi đơn trình, bệnh viện không hề có hồi âm hay một lời hỏi thăm gia đình.
Trước đó, sau khi nhận được phản ánh từ phía gia đình, ngày 4/10, phóng viên đã đến Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương để tìm hiểu rõ về quá trình anh Đỗ Ngọc Tranh đang điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, dù đã đặt giấy giới thiệu và lịch hẹn, được phía Phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện này hứa sẽ có thông tin trả lời nhưng đến nay đã hơn một tháng chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía bệnh viện.
Theo người nhà bệnh nhân, nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Đỗ Ngọc Tranh là do các bác sĩ Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương tắc trách trong quá trình tiêm truyền dẫn đến sốc phản vệ.
Trước đó, ngày 16/8, khi đi làm thủ tục bảo hiểm cho chồng, chị Dương Thị Sen còn thấy trong bệnh án tờ giấy có tên “Bảng theo dõi điều trị” do bác sĩ Nguyễn Văn Đĩnh (Trung âm Dị ứng MDLS, Bệnh viện Bạch Mai) ghi rõ: “Bệnh nhân bị nuốt đau, vào khám tai mũi họng, truyền perfalgan, metronidazole, sau khi tiêm fortum 15 phút xuất hiện co thắt thanh quản khó thở, được mở khí quản, chẩn đoán là SPV…”
Trao đổi với phóng viên, người nhà nạn nhân mong muốn bệnh viện phải thừa nhận trách nhiệm và có câu trả lời thỏa đáng với gia đình, để từ đó rút kinh nghiệm không gây ra những cái chết oan cho người khác.
Hồng Dương