Bệnh viện Mắt Hà Nội thừa nhận tái sử dụng kim tiêm

Bệnh viện Mắt Hà Nội thừa nhận tái sử dụng kim tiêm

Thứ 5, 10/10/2013 17:37

"Chúng tôi đã tiến hành hấp và tái sử dụng kim", bà Hương - phó GĐ bệnh viện Mắt Hà Nội, nói.

Sáng 7/10, sở Y tế Hà Nội đã tổ chức cuộc họp báo về vụ đơn tố cáo "tráo thủy tinh thể" chấn động dư luận trong thời gian qua. Bà Nguyễn Thu Hương, phó Giám đốc bệnh viện Mắt, Hà Nội đại diện bệnh viện trả lời những thắc mắc của PV Người Đưa Tin cũng như các cơ quan báo chí. Tại cuộc họp, rất nhiều vấn đề được vị phó giám đốc bệnh viện làm sáng tỏ, nhưng cũng không ít những câu trả lời của bệnh viện Mắt Hà Nội khiến báo chí cảm thấy thất vọng.

Buổi họp báo còn có sự góp mặt của ông Nguyễn Khắc Hiền, (Giám đốc sở Y tế Hà Nội); ông Phan Đăng Long, (phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội)…

Xã hội - Bệnh viện Mắt Hà Nội thừa nhận tái sử dụng kim tiêm

Sản phẩm dịch nhầy Duovis của Mỹ và Ấn Độ được cho là bị đánh tráo khi phẫu thuật mắt.

Lỗi thuộc về bộ phận tài chính (?)

Nhiều ngày qua, dư luận cả nước phẫn nộ khi bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy (khoa Đáy mắt) "tố" về "việc tráo thủy tinh thể" ở bệnh viện Mắt Hà Nội. Bà có thể cho PV biết quy trình phẫu thuật cho một bệnh nhân muốn thay thủy tinh thể?

Tôi khẳng định, bệnh viện không hề có sự tráo đổi thủy tinh thể như đơn tố cáo của bác sĩ Thủy. Bởi trong quá trình phẫu thuật, nếu thủy tinh thể mà bệnh nhân đã chọn không phù hợp, phẫu thuật viên sẽ tư vấn để bệnh nhân đổi sang nhân thủy tinh thể của một hãng khác. Nếu thay loại thủy tinh thể đắt tiền hơn, bệnh nhân phải đóng thêm tiền, còn nếu thay loại ít tiền hơn, bệnh nhân sẽ được trả lại phần thừa. Điều này đều được thể hiện rõ ở hóa đơn thanh toán viện phí. Còn về quy trình, khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ điều trị sẽ khám rồi tư vấn về loại nhân thủy tinh thể phù hợp với bệnh nhân. Sau đó, các bác sĩ phẫu thuật sẽ khám lại và tiếp tục tư vấn cho bệnh nhân về nhân thủy tinh hợp nhất.

Sau khi hoàn thành ca phẫu thuật, các bác sĩ sẽ dán mác loại thủy tinh thể đã thay cho bệnh nhân lên hồ sơ. Theo tôi, để xảy ra vụ lùm xùm như hiện nay là do bộ phận hành chính sơ suất. Bởi khi bệnh nhân xuống đóng tiền mua thủy tinh thể, bộ phận này đã dùng con dấu của hãng thủy tinh thể IQ để đóng lên tất cả hồ sơ, dù bệnh nhân dùng loại thủy tinh thể hãng Focus, Hoya. Có ba loại thủy tinh thể ở bệnh viện mắt: Loại IQ có giá 3.243.000 đồng, loại Hoya giá 3.240.000 đồng, loại Focus có giá 3.220.000 đồng. Ngay sau khi phát hiện, bệnh viện đã thu hồi lại con dấu đó. Bên cạnh đó, đối với các bác sĩ phẫu thuật, chúng tôi cũng chấn chỉnh, khi tư vấn cho các bệnh nhân chọn thủy tinh thể cũng cần phải yêu cầu bệnh nhân ký xác nhận rồi mới tiến hành phẫu thuật.

Theo đơn tố cáo, bệnh nhân bỏ tiền ra đặt mua dịch nhầy Douvis của Mỹ nhưng bị các bác sĩ tráo sang dịch nhầy Ấn Độ rẻ tiền. Một ống dịch nhầy Ấn Độ lại được dùng chung cho 4-5 bệnh nhân. Đây có phải hành vi lừa dối trắng trợn?

Dịch nhầy chỉ là vật tư tiêu hao trong phẫu thuật. Chúng tôi có ba loại của Mỹ, Đức và Ấn Độ. Ba loại này giá thành có khác nhau một chút, chất lượng khác nhau nhưng không hề ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật… Có bệnh nhân khi phẫu thuật chỉ sử dụng ½ ống, tuy nhiên có người phải dùng đến 2-3 ống. Trong gói 6,5 triệu đồng, bệnh nhân chỉ được 1 ống dịch nhầy. Chính vì thế, ca này dùng ít sẽ bù trừ cho ca dùng nhiều. Bệnh viện không hề có tiền chênh lệch từ khoản này.

Chất lượng dịch nhầy không làm thay đổi đến kết quả phẫu thuật, sao các bác sĩ lại không khuyên bệnh nhân sử dụng hãng của Ấn Độ cho rẻ?

Nếu bác sĩ phẫu thuật tốt có khi không cần phải sử dụng đến dịch nhầy. Tuy nhiên, có những bác sĩ phẫu thuật chưa quen sẽ yêu cầu bệnh nhân dùng loại dịch nhầy của Mỹ để có độ quánh và chất lượng cao hơn loại dịch nhầy khác.

Xã hội - Bệnh viện Mắt Hà Nội thừa nhận tái sử dụng kim tiêm (Hình 2).

Bà Nguyễn Thu Hương (Phó Giám đốc bệnh viện Mắt Hà Nội).

Tái sử dụng kim tiêm!

Việc dùng cho 4-5 người sử dụng chung nhau một chiếc kim liệu có dẫn đến lây lan bệnh HIV và viêm gan B không, thưa bà?

Tất cả các ca phẫu thuật, chúng tôi đều thực hiện trong môi trường vô khuẩn. Bên cạnh đó, không hề có chuyện mấy người dùng chung một chiếc kim để lấy dịch nhầy.

Chúng tôi được biết, mỗi ống dịch nhầy chỉ đi kèm với một chiếc kim. Bà khẳng định không có chuyện mấy người dùng chung kim thì số kim còn lại lấy ở đâu?

Chúng tôi đã tiến hành hấp và tái sử dụng kim. (Rõ ràng có sự mâu thuẫn trong câu trả lời của bà Hương. Trước đó bà này trả lời không có chuyện dùng chung kim cho các bệnh nhân-PV).

Trên tay chúng tôi là phiếu phẫu thuật miễn phí của bệnh viện Mắt Hà Nội cho các đối tượng người mù có chữ ký của bà Vũ Thị Thanh, (Giám đốc bệnh viện). Tuy nhiên, với một ống dịch nhầy của Ấn Độ sử dụng cho 7 người. Vậy, phải chăng khi phẫu thuật miễn phí cho những người mù, các bác sĩ làm cho có mà không cần quan tâm đến chất lượng?

Thú thực tôi không biết phiếu phẫu thuật ấy từ đâu ra (!?)

Xin cảm ơn bà!                                  

Bệnh viện phải kê khai cụ thể gói 6,5 triệu đồng

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Cường, (chánh thanh tra sở Y tế Hà Nội) cho rằng: "Trong gói thay thủy tinh thể trị giá 6,5 triệu đồng, bệnh viện Mắt Hà Nội phải kê khai cụ thể các thành phần, trong đó có giá bao nhiêu để cho các cơ quan báo chí và người dân được biết. Bên cạnh đó, khi sử dụng loại thủy tinh thể hãng nào, các bác sĩ cần phải ghi rõ vào bệnh án. Nếu có sự thay đổi, người phẫu thuật bắt buộc phải thông báo cho bệnh nhân được rõ. Qua quá trình thanh tra, chúng tôi thấy, sự việc này bắt nguồn từ sơ suất bộ phận tài chính của bệnh viện". 

Vương Chân (ghi)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.