Ca ghép gan thành công thứ 15
Từ năm 2005 đến nay bệnh viện Nhi Đồng 2 đã thực hiện thành công 15 ca ghép gan. Ca ghép gan thành công thứ 15 được thực hiện cho bệnh nhi H.G.H (7 tuổi, Nhà Bè) chẩn đoán teo đường mật bẩm sinh, xơ gan và có chỉ định ghép gan.
Các bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “Ghép gan là ca ghép khó nhất trong các tạng được ghép đặc biệt là đối với trẻ em. Lấy một miếng gan nhỏ của người cho sống thường 2 phân thì mới vừa với ổ bụng của em bé. Và khi ghép một cơ quan, điều kiện tiên quyết để thành công là mạch máu phải thông. Mạch máu của em bé rất nhỏ, chỉ như cái tăm, khi nối mạch máu nhỏ như vậy rất dễ bị tắc.”
Bệnh nhi H. được tiến hành ghép gan vào ngày 1/12/2021, người cho gan là cha ruột của bệnh nhi. Ca ghép gan được thực hiện phối hợp với với các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược. Ca ghép gan được thực hiện trong 12 tiếng từ 9h đến 21h ngày 1/12.
Diễn biến ca ghép gan rất thuận lợi, bệnh nhi được rút nội khí quản và đã tỉnh táo hoàn toàn sau ca ghép. Ngày thứ 2 sau ca ghép, bệnh nhi đã có thể ngồi dậy và bước xuống giường. Đến ngày thứ 3, bệnh nhi đã bắt đầu ăn uống hoàn toàn bằng đường miệng.
Hai tuần sau ghép, bệnh nhi đã có thể đi lại thoải mái trong phòng. Người cho gan là cha ruột của bệnh nhi cũng đã được xuất viện vào 1 tuần sau ca ghép. Hiện tại chức năng gan của người cha hoàn toàn bình thường, đi lại sinh hoạt bình thường.
Mẹ của bệnh nhi H, chị Nguyễn Thị Lộc chia sẻ tâm trạng khi chờ đợi chồng và con mình trong phòng mổ: “Mình rất lo lắng, tâm trạng lúc đó không biết phải nói như thế nào. Tới khi ca ghép thành công mình thấy rất là vui. Cũng xin gửi lời cảm ơn tới y bác sĩ đã tận tình chăm sóc và giúp đỡ gia đình mình”.
Khó khăn trong vấn đề ghép tạng
TS.BS Phạm Ngọc Thạch – phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết ca ghép gan thứ 15 được thực hiện trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của dịch covid 19. Bệnh viện Nhi Đồng 2 là trung tâm duy nhất ghép tạng cho trẻ em ở phía Nam. Tới thời điểm hiện tại, bệnh viện đã tiến hành ghép tạng thành công 20 ca ghép thận (ca đầu tiên vào năm 2004) và 15 ca ghép gan (ca đầu tiên và năm 2005).
“Số ca ghép hạn chế như vậy vì nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân hàng đầu là việc khó khăn của người cho tạng. Việc cho tạng của người cho sống từ người thân trong gia đình, người cùng huyết thống có rất nhiều hạn chế. Việc cho tạng từ người cho chết não nhiều, khả quan nhưng nhận tạng ở trẻ em cũng gặp nhiều khó khăn về sự hòa hợp mô tạng, kỹ thuật và kinh phí cao.” - TS.BS Phạm Ngọc Thạch chia sẻ.
Trong 2 năm vừa rồi, ảnh hưởng của dịch covid 19 đã khiến nhiều bệnh nhi chờ ghép tạng ra đi, đây là vấn đề bức bối cho bệnh viện. “Chúng tôi đã tìm kiếm và liên hệ nhiều đối tác nhưng dịch bệnh khó khăn. Chúng tôi đã quyết định hợp tác với Bệnh viện Đại học Y dược và đã thực hiện với ekip Bệnh viện Đại học Y dược 3 ca ghép tạng. Trong đó, có 2 ca thành công.
Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hoàn toàn tự chủ trong vấn đề ghép tạng, Bệnh viện Đại học Y dược hỗ trợ vấn đề pháp lý, lấy gan ở người cho. Tương lai, Bệnh viện Nhi Đồng 2 hướng tới lấy gan ở người lớn, lấy gan và tách gan ở người cho chết não. Mong muốn chương trình ghép tạng sẽ trở nên thường quy, đội ngũ y bác sĩ đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật này”, TS.BS Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh.
Khánh Ly