Mua máy để nằm chơi
Gần đây, nhiều khoa, phòng của Bệnh viện (BV) Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM (đơn vị trực thuộc Bộ Y tế) bất ngờ khi được trang bị nhiều loại máy móc khoa không có nhu cầu, không đề xuất.
Các nhân viên của Khoa Chẩn đoán hình ảnh - xét nghiệm cho biết, ngày 30/8/2013, Khoa X quang - xét nghiệm nhận được quyết định phân bổ trang thiết bị gồm có: 5 máy X-quang kỹ thuật số, máy rửa phim X-quang tự động, máy phân tích nước tiểu tự động 10 thông số, kính hiển vi 2 mắt, hệ thống xét nghiệm Elisa, tủ ấm 37-50°C, máy phân tích khí máu.
Theo các bác sĩ (BS), các trang thiết bị trên, khoa không hề đề nghị mua (thông thường trưởng, phó các khoa đề xuất cho nhu cầu của khoa, lãnh đạo BV xem xét, nếu thấy cần thiết thì duyệt mua - PV). Hiện những máy móc này được... để đó chơi, nhưng vẫn phải tốn tiền bảo trì!
Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết thêm, BV dù không có Khoa Vi sinh nhưng lại cho mua tủ giữ ấm (loại tủ dùng để nuôi cấy vi khuẩn).
Nhiều máy móc mua về để đó ở Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương.
Ngày 23/9, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế đã vào BV Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM công bố 2 quyết định: Quyết định thôi chức giám đốc BV Lâm Hoài Phương, chuyển bà Phương sang công tác tại Trường đại học Y Dược TP.HCM; và Quyết định bổ nhiệm Phó giám đốc Lê Trung Chánh làm Phó giám đốc phụ trách điều hành BV. Gói thầu mua sắm trang thiết bị máy móc 32 tỷ đồng nói trên thuộc thời gian BS Lâm Hoài Phương làm Giám đốc BV Răng hàm mặt Trung ương. |
Hay việc mua máy phân tích khí trong máu cũng rất lãng phí và không thực tế - bởi gần một năm đưa máy về, chưa hề phân tích một ca nào, trong khi hóa chất dùng để cho máy hoạt động (không sử dụng cũng phải cho máy chạy với hóa chất để bảo dưỡng) là khoảng 20 triệu đồng/3 tháng; và máy phải được cắm điện quanh năm! Như vậy, dù không sử dụng, nhưng BV vẫn phải tiêu tốn tiền hóa chất và tiền điện cho riêng chiếc máy này lên đến gần cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Chưa hết, sau 6 tháng, chiếc máy này phải thay điện cực (với giá lên đến cả trăm triệu đồng). Một nhân viên của khoa bức xúc: “Trước khi bán máy cho BV, nhân viên của công ty cũng đã thông báo về những chi phí bảo trì, bảo hành cho máy, nhưng không hiểu sao BV vẫn cứ mua trong khi không hề có nhu cầu. Thiệt là lãng phí!”.
Hàng loạt các trang thiết bị khác mà BV cung cấp cho Khoa Chẩn đoán hình ảnh - xét nghiệm, theo các BS, là quá lãng phí, quá thừa, như: kính hiển vi 2 mắt, máy ly tâm đa năng, hệ thống xét nghiệm Elisa, máy đo độ đông máu, máy phân tích huyết học tự động. Bởi vì, theo nhân viên của khoa này, hệ thống máy hiện có tại khoa đang hoạt động bình thường, và đáp ứng rất tốt nhu cầu của BV hiện nay; hơn nữa BV cũng chưa có Khoa Huyết học.
Chuyên khoa răng hàm mặt lại mua máy hút mỡ bụng
Do Khoa Chẩn đoán hình ảnh chụp-chiếu của BV không tiếp nhận, thế là các máy X-quang nói trên được đem rải xuống nhiều khoa lâm sàng khác. Việc phân bổ "bất đắc dĩ" này dẫn đến tình trạng nguy hiểm cho bệnh nhân, và nhân viên BV, bởi vì những khoa bị BV “ấn” máy X-quang xuống trong khi không có phòng chì (để chống tia phóng xạ). Các khoa không có phòng chì nhưng được "rải" máy X-quang gồm: Khoa Nha khoa tổng quát (2 máy), Khoa Lão nha (1 máy), Khoa Cấy ghép răng (1 máy), Trung tâm kỹ thuật cao (1 máy).
Nhưng điều lạ nhất là, trong số hàng loạt máy móc trang thiết bị được lãnh đạo BV ký cho mua, có cả máy hút mỡ, trong khi đây là BV chuyên ngành răng hàm mặt, đâu có chức năng về hút mỡ (thuộc chuyên ngành thẩm mỹ). Vậy mua chiếc máy này để làm gì, phục vụ cho ai?
Được biết, tòa nhà mới của BV Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM có tổng chi phí đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, trong đó Bộ Y tế hỗ trợ khoảng 60 tỉ đồng, số còn lại BV vay từ vốn kích cầu. Phần mua trang thiết bị nói trên nằm trong gói thầu mua sắm trang thiết bị lên đến 32 tỉ đồng, có nhiều điều khuất tất, khiến BS của BV rất bức xúc (Báo Thanh Niên đã từng đề cập về việc gói thầu này trong loạt bài giám đốc BV lộng quyền, tư lợi).
Cái cần không mua, mua cái không cần Điều rất nghịch lý là, trong khi một số khoa lâm sàng thiếu các trang thiết bị, dụng cụ gây khó khăn trong điều trị cho bệnh nhân, các khoa đề xuất nhưng không được mua, mà BV lại đi mua những máy móc mà các khoa chưa cần! Chẳng hạn như ở Khoa Nhổ răng tiểu phẫu, các tay khoan bị hư không được thay thế hơn cả năm nay, khiến bệnh nhân phải chờ đợi từ 1-2 tháng mới được phẫu thuật. Giá mỗi tay khoan này chỉ độ 5 triệu đồng. Các BS bức xúc: “Chỉ cần bớt đi 1 monitor hay tủ giữ ấm vô dụng đắp mền (nói ở trên) là có thể trang bị hàng chục tay khoan hữu ích giúp bệnh nhân không phải chờ đợi. BS của Khoa Chữa răng nội nha thì nói: “Trong khi các ghế máy ở khoa có tuổi đời gần 20 năm và đang trong tình trạng hư hỏng nặng không thể sửa chữa vẫn chưa được thay thế, thì BV lại đi mua nhiều máy móc chỉ để trùm mền, gây lãng phí tài sản khủng khiếp. Mà tiền phải đi vay”. Ở Khoa Phục hình, ghế máy đã sử dụng cũng mấy chục năm, hư hỏng liên tục gây nguy hiểm cho bệnh nhân trong lúc điều trị; các trang thiết bị dụng cụ tối thiểu cần cho nhu cầu điều trị hằng ngày như bảng so màu, tay khoan dù có kế hoạch mua cả vài năm nay vẫn chưa được đáp ứng... |
Theo Thanh niên