Vừa qua, sự việc một số bệnh nhân bị các bệnh viện (chủ yếu là bệnh viện tư nhân) từ chối cấp cứu và sau đó tử vong đã khiến dư luận xôn xao, bày tỏ đau lòng.
Đặc biệt, gần đây nhất là trường hợp một người đàn ông lâm bệnh nặng được đưa đến nhiều cơ sở y tế tại thành phố Dĩ An (tỉnh Bình Dương) để cấp cứu nhưng đều bị từ chối, sau khi về phòng trọ, bệnh nhân đã tử vong. Ngay sau đó, bộ Y tế và tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, để xử lý theo quy định.
Qua sự việc trên, nhiều ý kiến băn khoăn về câu chuyện “y đức” của một số cơ sở y tế và không khỏi lo lắng cho các trường hợp nếu phải cấp cứu trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Xung quanh vấn đề này, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để ghi nhận quan điểm.
PV: Thưa ĐBQH, qua một số sự việc bệnh nhân bị bệnh viện từ chối cấp cứu, ông nhìn nhận như thế nào?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Theo như các cơ quan thông tin đại chúng phản ánh thì những trường hợp đó chủ yếu là bệnh việfn tư nhân. Mà bệnh viện tư nhân thì tức là doanh nghiệp, cho nên đa số họ cũng sẽ đặt nặng lợi ích của doanh nghiệp. Vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, có thể họ sẽ đặt an toàn cho doanh nghiệp, cho cán bộ nhân viên của họ lên trên.
Trong điều kiện bình thường, nhiều bệnh viện tư nhân làm dịch vụ, thu tiền cao hơn bệnh viện công, phục vụ rất chu đáo, thậm chí là tốt hơn một số bệnh viện công về cơ sở vật chất và thái độ phục vụ. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số bệnh viện rất cảnh giác, có thể xuất hiện tâm lý sợ liên quan đến ca nhiễm Covid, dẫn đến tình trạng từ chối bệnh nhân đến khám, thậm chí là từ chối cấp cứu bệnh nhân. Tôi nghĩ rằng, đây là hành vi trái với quy định, trái với y đức của người thầy thuốc.
Trường hợp bệnh nhân nam ở Bình Dương khi được đưa đi cấp cứu nhiều nơi nhưng bị từ chối và sau đó tử vong, thật sự là điều đáng tiếc.
PV: Một số bệnh viện đã giải thích rằng, y bác sĩ tham gia phòng chống dịch nên số còn lại ít, quá tải tại cùng một thời điểm và cơ sở vật chất chưa đảm bảo… Theo ông, những lý do đó có chính đáng không, khi mà bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Đó là những lời giải thích để biện minh cho việc hành xử của họ. Nếu như anh nói, không có đủ y bác sĩ hoặc cơ sở vật chất chưa đảm bảo thì anh có thể tạm đóng cửa, không hoạt động, không điều trị bệnh nhân… anh có thể báo cáo cấp có thẩm quyền để tạm ngừng hoạt động. Nếu như vậy thì lại là chuyện khác, còn đằng này, bệnh viện của anh vẫn hoạt động bình thường, vẫn tiếp nhận bệnh nhân nhưng tại sao anh lại từ chối tiếp nhận mốt số trường hợp. Hay là anh phân biệt đối xử giữa các bệnh nhân, anh lo sợ người ta liên quan đến Covid sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện mình? Nếu như vậy thì không thể chấp nhận được. “Lương y như từ mẫu” mà hành xử như vậy thì không đúng với y đức. Dù là lý do gì thì các bệnh viện cũng không thể từ chối cấp cứu bệnh nhân.
PV: Quan điểm của ông về việc xử lý đối với một số tập thể và cá nhân liên quan trong các trường hợp mà dư luận phản ánh?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Các cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ tất cả những trường hợp mà báo chí, dư luận phản ánh. Nếu có sai phạm thì phải xem xét xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan. Thậm chí là tạm đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động, giấy phép hành nghề của những trường hợp liên quan.
PV: Trong vụ nam bệnh nhân ở Bình Dương bị nhiều bệnh viện từ chối cấp cứu và sau đó tử vong. Ông đánh giá như thế nào về sự vào cuộc xử lý của các cơ quan chức năng?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Một lần nữa phải nói rằng đây là sự việc rất đau lòng và đáng tiếc. Tuy nhiên, ngay sau khi sự việc xảy ra, bộ Y tế và UBND tỉnh Bình Dương đã có những chỉ đạo rất kịp thời. Các cơ quan liên quan khẩn trương vào cuộc xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định. Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã ra quyết định tạm đình chỉ, dừng hoạt động khám, chữa bệnh của 2 cơ sở y tế. Đồng thời, yêu cầu tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh không được từ chối bệnh nhân cấp cứu…
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo cho mọi người dân đều được đến bệnh viện, được trị bệnh theo nhu cầu.
Tôi cho rằng, sự vào cuộc đó rất đáng hoan nghênh, xử lý nghiêm những trường hợp vị phạm để làm gương cho các bệnh viện khác.
Dù là doanh nghiệp tư nhân nhưng doanh nghiệp hoạt động, phục vụ trong lĩnh vực khám chữa bệnh thì vấn đề y đức vô cùng quan trọng, luôn phải được đặt lên hàng đầu. Các bệnh viện phải làm sao để cho người dân tin tưởng mình. Đã là thầy thuốc, dù công hay tư cũng phải có y đức.
PV: Theo ĐBQH, qua những sự việc như trên, các bệnh viện cần chấn chỉnh và rút ra bài học gì?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, khi người bệnh nguy kịch thì phải được cứu chữa kịp thời. Qua một số sự việc bệnh nhân bị từ chối cấp cứu và sau đó tử vong, đề nghị các cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở y tế tư nhân cần rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay.
Không thể phủ nhận công lao, những đóng góp của ngành y trong thời gian qua, tuy nhiên, vẫn còn một số sự việc đáng tiếc như trên xảy ra, mong rằng cơ quan chức năng sẽ kịp thời chấn chỉnh.
Tôi nghĩ rằng, đây là bài học cho tất cả các bệnh viện, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngoại trừ các bệnh viện dã chiến chỉ tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 thì các bệnh viện, trung tâm y tế, bệnh viện tư nhân phải tiếp nhận các bệnh nhân, đặc biệt là trường hợp cấp cứu.
PV: Trân trọng cảm ơn ĐBQH về trao đổi trên!