PV báo Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với ĐBQH, Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn – người từng nhiều lần đề cập vấn đề y tế cơ sở ở nghị trường về vấn đề này.
PV: Ông có nói, vấn đề y tế cơ sở là vấn đề sống còn và ông sẽ quyết tâm thực hiện trong nhiệm kỳ Đại biểu Quốc hội của mình, vậy, nhìn từ những sự cố y khoa liên tiếp xảy ra gần đây tại tuyến y tế cơ sở, ông muốn nói gì lúc này?
Ông Nguyễn Quang Tuấn: Những tai biến y khoa xảy ra có thể bất khả kháng nhưng cũng có những tai biến là tắc trách, không thực hiện đúng các quy trình chuyên môn mà lẽ ra phải kiểm tra, đối chiếu trước khi thực hiện các thủ thuật. Tuy nhiên, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, với tư cách là người dạy học trong ngành y nhiều năm tôi thấy, chúng tôi là những người phải chịu trách nhiệm trong cả đào tạo cũng như việc thực hiện các quy trình chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt các quy trình an toàn cho người bệnh.
Tôi nghĩ rằng, việc phát triển y tế cơ sở chính là đào tạo, đào tạo lại đội ngũ y, bác sỹ để họ thực hiện chuyên môn được chuẩn hơn, tốt hơn và giảm thiểu các tai nạn y khoa đáng tiếc.
PV: Thưa ông, trong việc phát triển y tế cơ sở, vai trò của bộ Y tế là thế nào?
Ông Nguyễn Quang Tuấn: Với chủ trương của Chính phủ quan tâm tới y tế, đặc biệt Hội nghị Trung ương VI vừa qua, Bộ Chính trị đưa ra thông điệp rất rõ ràng là phải ưu tiên phát triển y tế cơ sở, đây là nền tảng để chúng tôi đẩy mạnh hơn nữa, tiếp cận sâu hơn nữa trong vấn đề đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao năng lực chuyên môn ở y tế cơ sở và đáp ứng nhu cầu người dân.
Tuy nhiên, để phát triển y tế cơ sở phải có sự vào cuộc của Chính phủ, bộ Y tế và các bộ ngành liên quan. Bản thân bộ Y tế không đủ sức để làm vì liên quan tới y tế cơ sở là liên quan tới rất nhiều địa phương.
PV: Nhiều giáo sư đầu ngành của ngành y tế cũng trao đổi, chúng ta đang đào tạo ào ào đội ngũ y, bác sỹ? Vậy theo ông, sự “ào ào” đó ở thời điểm hiện tại như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Tuấn: Đào tạo ào ào là việc, chúng ta mở ra một số trường đại học y hoặc khoa điều dưỡng nhưng chưa được chuẩn; đào tạo cơ sở thì thực sự chưa được đào tạo. Tuy nhiên, quan điểm của tôi, như vậy còn hơn không đào tạo. Có những đồng nghiệp của tôi ra trường 20 năm rồi còn chưa trải qua một lớp đào tạo lại bao giờ thì sao chuyên môn lên được.
Gắn bó với ngành y, chúng ta phải chấp nhận sự thật, phải học suốt đời vì có những kiến thức, chuyên môn ngày hôm nay đúng nhưng ngày mai không đúng nữa.
PV: Nhưng liệu chúng ta có cần xem xét lại quy trình đào tạo tại các trường đại học y?
Ông Nguyễn Quang Tuấn: Thực tế bộ Y tế đã làm rồi. Chúng ta phải tích cực hơn nữa trong vấn đề thay đổi quy trình đào tạo. Trước đây bác sỹ đa khoa đào tạo 6 năm ra trường về công tác tại các bệnh viện, các cơ sở. Như thế thực sự chưa ổn. Theo tôi, bác sỹ học 6 năm ra trường bắt buộc phải học thêm 3 năm bác sỹ nội trú để chuyên sâu hơn về thực hành, có thể tự đứng một mình trong khi khám chữa bệnh và theo dõi cho người bệnh.
PV: Sau các vụ việc vừa rồi, theo ông, y tế cơ sở phải làm gì để lấy lại niềm tin cho người dân và tránh tình trạng người dân không tin tưởng y tế cơ sở rồi đổ dồn lên tuyến Trung ương dẫn tới quá tải?
Ông Nguyễn Quang Tuấn: Đây chính là bài toán lòng tin. Lòng tin ở đây không phải là cái mà chúng ta cứ hô khẩu hiệu. Lòng tin là người thật, việc thật qua từng ca bệnh, xuất phát ngay từ chuyên môn của thầy thuốc, đội ngũ điều dưỡng. Vì vậy, bắt buộc chúng ta phải đào tạo. Có thể đào tạo theo chứng chỉ, danh mục, chuyên mục kỹ thuật để từng bước nâng cao trình độ của đội ngũ y, bác sỹ cơ sở. Phải đào tạo tại chỗ và đào tạo từng khóa ngắn hạn, đào tạo theo kiểu cầm tay chỉ việc, áp dụng các mô hình đào tạo sao phù hợp với từng địa phương, trình độ của các y, bác sỹ.
PV: Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện!
Nguyễn Huệ - Đỗ Thơm