Những ngày qua, Hà Nội tiếp tục chìm trong bụi mịn, ô nhiễm không khí ở mức cao, gây nguy hại đến sức khỏe người dân.
Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí liên tục trong tuần từ 17-23/2, chất lượng không khí tại các tỉnh phía Bắc xấu, có những thời gian kéo dài cả ngày, đặc biệt là ở Hà Nội.
Theo Tổng cục Môi trường (bộ Tài nguyên và Môi trường), thành phố Hà Nội cũng như miền Bắc đang trong mùa Đông, thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có bụi mịn PM2.5 thường cao nhất trong năm.
Theo Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, các nguồn gây ô nhiễm không khí từ giao thông, xây dựng, khói bụi từ hoạt động sản xuất, tình trạng đun than tổ ong còn tiếp diễn… vẫn gây ô nhiễm nhiều. Hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra kéo theo tích tụ ô nhiễm ở tầng sát mặt đất.
Hiên ngang đốt than tổ ong
Bếp than tổ ong thường là công cụ nấu ăn không chỉ được dùng nhiều trong các hộ gia đình nghèo mà còn được các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ "ưu ái".
Theo số liệu điều tra, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 528 tấn than. Như vậy, việc phát thải ra môi trường 1870 tấn khí CO2. Minh chứng cụ thể cho thấy, bếp than tổ ong là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ở một số quận huyện của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là phố cổ, mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai truyền thông, vận động người dân nhưng tỷ lệ sử dụng vẫn còn cao.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Người Đưa Tin, dọc đường các con phố Hoàng Cầu, Trần Qúy Kiên, Chả Cá, Chợ Đồng Xuân,… việc sử dụng bếp than tổ ong rất hiên ngang, thậm chí nhiều người còn mang tận ra gần ngoài mặt đường để đun nấu. Điều này không chỉ nguy hiểm cho người đi đường mà còn gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Các hàng bán rong, trà đá, hoặc bán đồ ăn sẵn thường là những chủ sở hữu của việc sử dụng bếp than này.
Để chấm dứt việc sử dụng bếp than tổ ong vào ngày 31/12/2020 theo kế hoạch, Hà Nội dự kiến sẽ phê duyệt cơ chế ưu đãi cho việc chuyển đổi bếp than tổ ong trước ngày 30/6/2020. Ngoài việc tuyên truyền và triển khai thí điểm thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp khác, thân thiện với môi trường, Hà Nội cũng đang tiếp tục nghiên cứu loại bếp phù hợp thay thế cho bếp than tổ ong đang gây ô nhiễm này.
Tuy nhiên, để xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong gây ô nhiễm không khí vẫn là thách thức. Bởi không những đây là thói quen mà bếp than tổ ong rất tiện lại còn rẻ.
Theo chị Hoàng Thị Thúy (chủ quán cơm trên đường Hoàng Cầu), từ trước đến giờ việc sử dụng bếp than tổ ong gần như truyền thống từ rất lâu đời của nhà chị, đặc biệt công việc bán hàng quán ăn thì việc dùng than tổ ong rất tiện lợi, mang vác rẻ. Ngoài ra, chi phí rất rẻ, chỉ 5000 đồng/1 viên, có thể đun được 4-5 tiếng đồng hồ.
Tác hại khói bụi từ than tổ ong
Phân tích tác hại từ than tổ ong đến môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, việc sử dụng than tổ ong rõ ràng vẫn là dựa trên bài toán kinh tế, nhất là đối với các hộ kinh doanh, tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với dùng điện hay gas. Bên cạnh đó, nó cũng do nếp sống, văn hóa, nhiều người vẫn chưa quen việc dùng bếp gas.
Đánh giá về tác hại, GS. Cơ cho biết, khí thải do sử dụng than tổ ong thì ai cũng rõ, nhưng chưa có đơn vị khoa học nào tính toán cụ thể, đánh giá tác động lên môi trường, sức khỏe con người một cách chi tiết. Ngoài khí thải như CO2 gây hiệu ứng nhà kính, còn có CO, SO2 và bụi mịn PM2.5.
"Bắc Kinh (Trung Quốc) từng đối mặt với vấn nạn ô nhiễm do sử dụng than trong sinh hoạt, vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều. Họ cũng có các nghiên cứu cụ thể về tác động của nó, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, nhất là trẻ em", ông Cơ cho hay.
Ngoài ra, theo ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, chất lượng không khí tại Hà Nội sau Tết ngày càng ô nhiễm nặng, bởi các tác nhân: Hoạt động sản xuất trở lại sau Tết Nguyên đán của các làng nghề, khu, cụm, điểm công nghiệp, các nhà máy sản xuất gạch, xi măng, đốt rác... từ khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận.
Thành phố Hà Nội hiện nay đã và đang phối hợp với các chuyên gia Pháp xây dựng phương án cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn. Trong năm 2020, thành phố sẽ hoàn thiện đồng bộ 81 trạm quan trắc không khí trên địa bàn nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Đồng thời, căn cứ vào luật Thủ đô, các sở, ngành tham mưu UBND thành phố tăng nặng xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, ông Hoàng Dương Tùng đề xuất, thành phố Hà Nội cần có lộ trình giảm sử dụng phương tiện cá nhân, tăng dần loại hình phương tiện công cộng nhằm góp phần giảm ô nhiễm không khí khu vực nội đô. Các cơ quan chức năng của Hà Nội cần tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các xe chở vật liệu, phế thải xây dựng không đúng quy chuẩn, không phủ bạt che chắn, chở quá tải, làm rơi vãi ra đường. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cần tiếp tục kiểm soát tận gốc nguồn gây ô nhiễm ở các làng nghề, cụm công nghiệp…
Một số hình ảnh PV ghi nhận tại các con phố quanh TP. Hà Nội: