Các chính trị gia từ các đảng cầm quyền Đức cho rằng động thái của Tổng thống Ukraine có thể không có lợi cho Kiev.
Việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier không được hoan nghênh ở Kiev đã gây ra sự phẫn nộ trong giới chính trị gia Đức và dẫn tới các cảnh báo rằng động thái này có thể phản tác dụng.
Tổng thống Steinmeier, được coi là biểu tượng cho đường lối mềm mỏng của Đức đối với Moscow trước khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, đã lên kế hoạch thăm Kiev vào ngày 13/4 cùng với Tổng thống của Ba Lan và 3 nước Baltic (Lithuania, Latvia và Estonia).
Tuy nhiên, Tổng thống Đức đã phải hủy chuyến đi của mình vào phút chót sau khi Kiev tuyên bố rằng ông không được chào đón.
Việc ông Zelensky thông báo quyết định của mình chỉ vài giờ trước khi chuyến đi được lên kế hoạch của ông Steinmeier diễn ra, sau nhiều ngày được bí mật chuẩn bị giữa Berlin và Kiev (vì lý do an ninh), và việc các quan chức Ukraine tiết lộ quyết định này cho tờ Bild của Đức, càng làm sâu sắc thêm sự xúc phạm ngoại giao đối với Đức.
Động thái "không thân thiện"
Trong một tuyên bố chính thức, một phát ngôn viên của Chính phủ Đức đã lên tiếng phản ứng tỉnh táo, nói rằng Tổng thống Steinmeier “đã và đang có lập trường rất rõ ràng và không hề mơ hồ đối với phía Ukraine”, đồng thời nhấn mạnh rằng, ông Steinmeier cũng đã trực tiếp kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin tôn trọng chủ quyền của Ukraine.
Ngày càng có thêm nhiều tiếng nói ở Đức chỉ trích động thái này của Kiev.
“Tôi hiểu rõ mối đe dọa hiện hữu đối với Ukraine do sự gây hấn của Nga gây ra, (nhưng) tôi mong muốn các đại diện của Ukraine tuân thủ cách cư xử ngoại giao ở mức tối thiểu và không can thiệp quá mức vào chính trị nội bộ của đất nước chúng tôi”, ông Rolf Mützenich, lãnh đạo nhóm nghị sĩ của Đảng Dân chủ Xã hội trung tả, đảng của ông Steinmeier và Thủ tướng Olaf Scholz, cho biết.
Michael Roth, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức (Bundestag), nói với Politico rằng ông “thất vọng” trước quyết định của ông Zelensky.
“Ông ấy (Steinmeier) lẽ ra đã đến Kiev với tư cách là đại diện cao nhất của đất nước chúng tôi với một tín hiệu rõ ràng: Chúng tôi đứng về phía Ukraine - bằng lời nói và hành động. Thật đáng tiếc”, ông Roth, cũng là một đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội, cho biết.
Ông Roth đã đến thăm miền Tây Ukraine hôm 12/4 cùng với 2 nghị sĩ hàng đầu khác từ liên minh cầm quyền của Đức, gồm bà Marie-Agnes Strack-Zimmermann từ Đảng Dân chủ Tự do (FDP), Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Bundestag, và ông Anton Hofreiter của Đảng Greens, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề châu Âu.
3 nhà lập pháp Đức đã gặp các đồng nghiệp Ukraine, và ông Roth nhấn mạnh cuộc đối thoại như vậy rất có giá trị. “Chúng tôi đã được chào đón với vòng tay rộng mở ở Ukraine. Trong các cuộc nói chuyện của chúng tôi, chúng tôi đã có thể làm sáng tỏ nhiều điều”, ông cho biết.
Bà Strack-Zimmermann nói với kênh truyền hình ZDF rằng, quyết định của ông Zelensky là “không thân thiện”, đồng thời cho rằng vụ việc tốt nhất nên được xử lý ở “hậu trường” chứ không phải trước mặt công chúng.
Sẽ phản tác dụng?
Ông Oleksiy Arestovych, cố vấn của Tổng thống Ukraine, nói với đài truyền hình ARD rằng, ông Zelensky muốn Thủ tướng Scholz, thay vì ông Steinmeier, đến Kiev và thông báo về việc cung cấp thêm vũ khí.
“Tổng thống của chúng tôi đang đợi Thủ tướng Đức đưa ra các quyết định ngay lập tức, bao gồm cả việc giao vũ khí”, ông Arestovych cho biết.
Mặc dù ông Steinmeier là Nguyên thủ Quốc gia, vai trò của ông ấy khá mang tính biểu tượng. Quyền hành pháp thuộc về ông Olaf Scholz với tư cách là Thủ tướng.
Ông Scholz đã trì hoãn quyết định có nên cung cấp xe tăng và vũ khí hạng nặng của Đức cho Ukraine hay không, bất chấp sức ép từ các đối tác liên minh.
Ông Wolfgang Kubicki, một nghị sĩ của đảng FDP, cảnh báo rằng nếu mục đích của ông Zelensky thực sự là thúc đẩy Thủ tướng Scholz đến thăm Kiev và tuyên bố mức độ hỗ trợ quân sự mới, thì hành động của nhà lãnh đạo Ukraine có thể đã phản tác dụng.
“Tôi không thể tưởng tượng được tình huống Thủ tướng của chúng ta sẽ đến một quốc gia đã tuyên bố Nguyên thủ Quốc gia của chúng ta là một người không được hoan nghênh”, ông Kubicki nói với hãng thông tấn Đức DPA.
Jacques Schuster, nhà bình luận chính của nhật báo Đức Welt, lập luận rằng, "Ông Zelensky không nên vượt lằn ranh", lưu ý rằng Đức đã là "nhà tài trợ (tài chính) lớn nhất của Kiev kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine".
Động thái của ông Zelensky hôm 12/4 diễn ra cùng ngày khi Nội các an ninh của Đức họp để thảo luận về khả năng giao xe tăng Đức cho Ukraine. Tuy nhiên, không có dấu hiệu ngay lập tức nào cho thấy sự thay đổi về lập trường.
Một phát ngôn viên của Chính phủ Đức nói rằng “Thái độ của chúng tôi không thay đổi: Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí, nhưng sẽ không bàn đến các vấn đề chất lượng, số lượng hay thời hạn bàn giao”.
Minh Đức (Theo Politico)