Theo Dân trí, đầu năm học 2016-2017, trường tiểu học xã Cẩm Thăng đã thu các khoản tiền bắt buộc là 1.543.000 đồng/em, trong số đó có tiền thu xây dựng, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị là 700.000 đồng. Nhưng học được hơn một tháng, phụ huynh học sinh nhận được thông báo của UBND xã phải đóng thêm số tiền xây dựng phòng đa chức năng là 631.000 đồng/em và phải đóng trong vòng 3 năm liên tiếp, từ năm 2016 đến năm 2018.
Mặc cho nhiều bậc phụ huynh phản ứng gay gắt với quyết định trên nhưng chính quyền xã Cẩm Thăng vẫn quyết tâm thu bằng được số tiền đó. Việc bêu tên học sinh trên loa phát thanh chỉ là một trong những “phương pháp cứng rắn” nhằm thực hiện mục đích này.
Từ trung tuần tháng 10, chính quyền xã đã cho cán bộ đến từng gia đình ở tất cả 7 thôn xóm vận động người dân đóng tiền. Gia đình nào không có điều kiện, họ sẽ cho vay tiền để nộp?!
Đến ngày 24/10, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thăng đã ký giấy mời phụ huynh 14h chiều 25/10 đến phòng họp của UBND xã với nội dung: Làm việc về việc nợ tiền đối ứng xây dựng nhà đa chức năng trường tiểu học. Mời đi họp, nhưng trong giấy mời, chính quyền xã không quên nhắc người dân: “Khi đi nhớ mang đủ số tiền để nộp”.
Và giọt nước tràn li khi liên tục trong vòng 1 tuần, từ 28/10 đến 2/11, chính quyền xã đã cho cán bộ ban văn hóa xã thông báo trên hệ thống loa truyền thanh toàn xã đích danh họ, tên lớp các học sinh, thôn xóm cụ thể chưa đóng tiền xây dựng nhà đa chức năng trường tiểu học những hai lần.
Để giải thích cho việc làm đó, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thăng – ông Nguyễn Văn Báu phân bua rằng việc đọc tên học sinh, phụ huynh trên loa truyền thanh cũng là để động viên những hộ đã có đóng góp cho xã và “nhắc nhở” những hộ còn lại phải thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Và chuyện “ép” dân phải đóng tiền như trên cũng bởi xã phải chịu áp lực nợ nần quá lớn (7 tỉ đồng nợ xây dựng nông thôn mới, hơn 1,5 tỉ xây dựng nhà học đa chức năng).
Đành rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng là việc làm cần thiết và đúng đắn trong công cuộc hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, cái gì cũng phải có thời gian điều kiện, những yếu tố cần và đủ.
Trong khi cuộc sống của người dân ở xã còn gặp nhiều khó khăn, nguồn thu kinh tế chưa được quan tâm và phát triển (xã chỉ độc canh cây lúa) thì việc xây dựng cơ sở vật chất quá nhanh sẽ tạo ra những hiệu ứng ngược.
Và một trong những hiệu ứng đó chính là áp lực nợ nần. Từ áp lực đó đã tạo nên vô số hệ quả khác như người dân và chính quyền không tìm được tiếng nói chung. Phụ huynh phải lao đao, khốn đốn vì vay nợ cho con em "bằng bạn bằng bè". Những em học sinh thì trở thành nạn nhân cho lối hành xử thiếu suy nghĩ của người lớn.
Không biết khi nhà học đa năng hoàn thiện và đưa vào sử dụng thì nó có mang lại những ích lợi như mong muốn hay không nhưng hiện tại thì chỉ vì cái nhà đó mà nhiều học sinh sớm phải chịu cảnh “phân hóa xã hội”, phải thấy xấu hổ vì sự nghèo khó của gia đình mình.
Sau câu chuyện này, tôi tự vấn, không biết việc “đầu tư” cho nhà học đa năng của xã Cẩm Thăng là “giáo dục” hay là “sỉ nhục” nữa? Giáo dục thì chưa thấy nhưng sỉ nhục thì nhãn tiền.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả