Có thể thấy, bộ “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội” được ban hành nhằm mục đích xây dựng những chuẩn mực văn hóa để người dân thành phố trở nên văn minh hơn.
Tuy nhiên, trong bộ quy tắc đó, chi tiết nhắc nhở, phê bình công khai những người vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng đang bị lạm dụng quá đà. Và sự lạm dụng đó dường như đã khiến bộ quy tắc ứng xử bị phản tác dụng.
Bởi không phải cứ xử phạt, không phải cứ bị “tủi hổ” trước đám đông thì con người ta sẽ rút ra được kinh nghiệm. Việc xử phạt chỉ có tác dụng tích cực khi nó “đúng” và “đủ”. Cũng tương tự việc gãi ngứa vậy. Người ta chỉ hết ngứa khi gãi đúng chỗ, đủ mức. Nếu gãi nhẹ sẽ chẳng “xi nhê” còn gãi mạnh tay quá lại khiến vùng da từ ngứa thành đau, thậm chí chảy máu.
Ngày xưa, người ta chọn cách "đóng dấu" bằng những nhát kéo cay nghiệt lên đầu tóc, quần áo của những kẻ vi phạm lệ làng, bằng những lời dè bỉu, xì xầm của dân làng, sự giáo dục, uốn nắn công khai của tổ dân phố.Có thể thấy, việc bêu tên ở thời hiện đại với những hình thức xử phạt từ thuở mông muội như cạo đầu, bôi vôi, đi diễu, để mõ rao làng tuy là hai hình thức xử phạt khác nhau, có tác dụng răn đe khác nhau nhưng chúng ta dễ dàng nhận ra sự giống nhau của chúng: Đều tận dụng đám đông để “đánh dấu” vào danh dự của một con người.
Thì nay, những người “chưa được văn minh cho lắm” lại bị đám đông đóng dấu danh dự vào tên, họ của mình.
Đáng sợ hơn, nếu như ngày trước chỉ có người ở làng hay ở tổ dân phố, khu phố có quyền được biết, có quyền tự biến mình thành những quan toà để phán xét những kẻ phạm tội, thiếu văn hoá thì ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện để những đối tượng đó được phát triển và mở rộng quy mô gấp nhiều lần.
Không những vậy, việc lạm dụng danh dự của người khác để răn đe đôi khi đẩy người phạm sai lầm vào trạng thái tiêu cực. Họ sẽ dễ nghĩ rằng "mình là người xấu" thay vì nghĩ "mình có hành vi xấu" vì chúng ta "bêu tên" chính họ chứ không phải bêu hành vi xấu của họ.
Tuy nhiên, suy cho cùng, việc “đánh vào danh dự” chỉ thực sự có hiệu quả khi người vi phạm “có danh dự”. Còn với những người không có danh dự, những người biết sai nhưng vẫn cố tình làm chỉ bởi vấn đề kinh tế thì có lẽ hình phạt như trên chẳng khác gì “muỗi đốt inox”.
Bởi chỉ văn minh mới tạo nên văn minh chứ dã man chưa bao giờ có tác dụng.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả