Bhutan nằm giữa căng thẳng và ván cờ Trung - Ấn

Bhutan nằm giữa căng thẳng và ván cờ Trung - Ấn

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 6, 01/09/2017 07:00

Bất đồng giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ ở dãy Himalaya đã chấm dứt, thế nhưng nó vẫn chưa kết thúc với quốc gia nhỏ bé Bhutan vốn nằm kẹp giữa hai cường quốc lớn nhất ở châu Á khi giờ đây họ sẽ phải lựa chọn hướng đi đối ngoại của riêng mình.

Trong một tuyên bố chính thức đầu tiên kể từ khi lực lượng của Trung Quốc và Ấn Độ đối đầu nhau hôm 29/6 ở cao nguyên Doklam, Bhutan cho biết, nước này hoan nghênh quyết định “từ bỏ” của cả hai bên.

“Chúng tôi hy vọng điều này góp phần vào việc duy trì hòa bình và hiện trạng dọc theo biên giới của Bhutan, Trung Quốc và Ấn Độ phù hợp với các thỏa thuận hiện có giữa các quốc gia tương ứng”, tuyên bố nêu rõ.

Căng thẳng vùng biên giới trong những tháng qua khởi nguồn từ việc Trung Quốc triển khai kế hoạch xây dựng một tuyến đường ở cao nguyên Doklam, nơi cả Bắc Kinh và Bhutan cùng tuyên bố chủ quyền.

Tuy nhiên, tuyến đường mà Trung Quốc xây dựng lại gây tổn hại đến lợi ích của Ấn Độ.

Tiêu điểm - Bhutan nằm giữa căng thẳng và ván cờ Trung - Ấn

Căng thẳng Ấn Độ-Trung Quốc đã kết thúc.

Vương quốc nhỏ bé trên dãy Himalaya đã có ràng buộc với New Delhi bởi một hiệp ước từ năm 1949 và được làm mới vào năm 2007, trong đó Bhutan sẽ tham vấn New Delhi định hướng về chính sách đối ngoại.

Bhutan không có quan hệ ngoại giao với bất kỳ nước nào trong số năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có cả Trung Quốc - người hàng xóm ngay sát bên. Về phía ngược lại, đây cũng là quốc gia hàng xóm duy nhất mà Trung Quốc không có quan hệ ngoại giao chính thức.

Jagannath Panda, Giám đốc trung tâm Đông Á tại viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng ở New Delhi cho biết, Ấn Độ tin rằng Hiệp ước Hữu nghị với Bhutan là lý do “bắt buộc khiến Bhutan phải tham vấn ý kiến của Ấn Độ trước khi có bất kỳ thỏa thuận đàm phán biên giới nào với Trung Quốc”.

Đây cũng là lý do Ấn Độ mang quân tới cản lại hoạt động xây dựng của Trung Quốc như một động thái bảo vệ cho đồng minh.

Theo các chuyên gia phân tích, dù chịu nhiều ảnh hưởng từ New Delhi, Bhutan vẫn nhìn thấy ở Ấn Độ hình ảnh tích cực hơn so với Trung Quốc – quốc gia vốn bị coi là thường xuyên bắt nạt các nước bé.

Tờ Indian Express mới đây tiết lộ, Bhutan cách đây không lâu đã từ chối “lời đề nghị hào phóng” của Trung Quốc “để bảo vệ lợi ích an ninh của Ấn Độ ở khu vực phía tây”.

Trong đó Bắc Kinh đã sẵn sàng nhường lại hai khu vực tranh chấp khác với diện tích 495km2 ở Jakarlung và Pasamlung để đổi lấy 269 km2 thổ ở Doklam, nhưng Bhutan vẫn quyết định lắc đầu.

Tuy nhiên, có những quan điểm nói rằng sự thất vọng về hỗ trợ kinh tế của Ấn Độ đang khiến lập trường của Bhutan trở nên lung lay hơn.

Thủy điện là “hạt nhân” của mối quan hệ kinh tế giữa Bhutan và Ấn Độ... Có thể nói toàn bộ hy vọng kinh tế của Bhutan được ghim vào việc bán thủy điện cho Ấn Độ.

Dựa trên một thỏa thuận với Ấn Độ, Bhutan đang lên kế hoạch xây dựng một loạt dự án thủy điện mới để tăng lượng điện sản xuất lên 10.000 megawatts trong lộ trình đến năm 2020.

Tuy nhiên, với việc nguồn năng lượng của Ấn Độ chứng kiến sự thừa thãi vào năm ngoái, giá điện giảm xuống khiến việc xuất khẩu của Bhutan có thể bị giảm sút và kế hoạch xây mới có thể sẽ phá sản.

Tiêu điểm - Bhutan nằm giữa căng thẳng và ván cờ Trung - Ấn (Hình 2).

Thủy điện là rường cột kinh tế của Bhutan.

Trong khi đó, dù thương mại song phương giữa Bhutan và Ấn Độ ghi nhận con số 516 triệu USD trong năm 2015, nhưng thâm hụt của Bhutan lại lên tới 150 triệu USD.

Điều này càng khiến cho Bhutan có động lực tìm kiếm các lựa chọn mới để duy trì nền kinh tế vốn nhiều hạn chế của mình trong tương lai.

Một trong những lựa chọn hợp lý nhất không phải ai khác chính là người hàng xóm Trung Quốc.

 Thương mại song phương của Bhutan với Trung Quốc mới chỉ đạt con số khiêm tốn 10 triệu USD. Tuy nhiên, giá trị này sẽ còn gia tăng một khi hai nước bắt tay vào kế hoạch hợp tác mới trên nhiều lĩnh vực.

Kể từ sau năm 2008, làn sóng khách du lịch tìm đến Bhutan của Trung Quốc cũng tăng mạnh về số lượng với 30.000 lượt khách mỗi năm, chỉ đứng sau Ấn Độ.

“Đối với các quốc gia nhỏ bé, một cách khôn ngoan để tồn tại là cố gắng giữ sự cân bằng giữa các cường quốc, nhưng đối với Bhutan, họ khó có thể làm điều đó. Sự trợ giúp không ổn định của Ấn Độ khiến họ sẽ phải đưa ra lựa chọn”, Sun Shihai, một chuyên gia về Nam Á tại viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết.

Nhà phân tích đến từ Bắc Kinh, Rupak Sapkota cũng cho rằng dường như Bhutan đang ủng hộ mối quan hệ gần gũi và tăng cường hợp tác hơn với Trung Quốc.

“Bhutan sẽ cố gắng để có nhiều sự gắn kết ngoại giao trong tương lai, kể từ khi Trung Quốc cho thấy nước này có thể cung cấp cho Bhutan sự hỗ trợ kinh tế và khách du lịch hơn Ấn Độ”, ông nói.

Song điều này sẽ còn phụ thuộc vào Trung Quốc có muốn gần gũi hơn với Bhutan hay không. “Bắc Kinh sẽ tiến hành hết sức thận trọng”, Sun cho rằng nước này không muốn xúc phạm đến Ấn Độ. “Trung Quốc không muốn thách thức vị thế của Ấn Độ ở Nam Á”, ông nói.              

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.