Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM vài ngày trước đây, nhiều người nhà bệnh nhân đã bật khóc khi đọc thông báo về việc tạm thời không thanh toán các thuốc Mycophenolate mofetil và Tacrolimus. Đây là những loại thuốc từng được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán 80%.
Sau đó, để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT, nhất là các đối tượng người nghèo, người có công, học sinh, sinh viên, trẻ em dưới 6 tuổi như phản ánh của báo chí thời gian qua, phía BHXH Việt Nam đã đề nghị BHXH TP.HCM thống nhất với các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) tạm thời thanh toán chi phí thuốc Mycophenolate (uống) và Tacrolimus (tiêm, uống) trong các trường hợp cụ thể, cần thiết phải điều trị mà không có thuốc khác thay thế trong Thông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của bộ Y tế. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn đặt ra những nghi ngại.
Trước thực tế đó, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Khảm – Phó Vụ trưởng vụ BHYT (bộ Y tế) để có cái nhìn khách quan nhất.
Phóng viên: Thưa ông, quan điểm của phía bộ Y tế về vấn đề này như thế nào khi BHXH Việt Nam cho rằng, những thông tin đó cũng xuất phát từ chính sách của bộ Y tế?
Ông Lê Văn Khảm: Theo quy định của luật Bảo hiểm Y tế, danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm thanh toán được thực hiện theo Thông tư 40/2014/BYT do bộ Y tế ban hành.
Suốt từ tháng 11/2014 tới nay, các cơ sở KCB vẫn thực hiện các quy định này về việc mua sắm, quản lý sử dụng.
Cơ quan BHXH thanh toán chi phí thuốc cho bệnh viện để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân. Còn việc sử dụng thuốc như thế nào là căn cứ vào tình trạng bệnh lý, các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hay gọi là phác đồ cũng như phạm vi chỉ định của thuốc mà nhà sản xuất đưa ra. Mục đích để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất cũng như an toàn cho người bệnh và đảm bảo về mặt chi phí, khả năng chi trả của quỹ.
Phóng viên: Nhiều người thắc mắc, Thông tư 40/2014/BYT do bộ Y tế ban hành, phác đồ điều trị cũng là của bộ Y tế, từ những phân tích trên, theo ông, điều này có mâu thuẫn gì không?
Ông Lê Văn Khảm: Trong Thông tư 40/2014/BYT của bộ Y tế có chi tiết quy định quỹ BHYT sẽ không thanh toán đối với trường hợp sử dụng thuốc không phù hợp với chỉ định đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc. Tức là mỗi loại thuốc khi được cấp phép lưu hành đều có hồ sơ đăng ký nêu rõ thuốc được sử dụng trong trường hợp nào.
Thực tế có khi các thuốc, trong chuyên môn gọi là có cùng hoạt chất nhưng mỗi nhà sản xuất khác nhau lại đưa ra một chỉ định hơi khác biệt nhau một chút. Khi sử dụng thuốc với chỉ định không có trong hồ sơ đăng ký thuốc, có tai biến, điều trị không đạt hiệu quả thì nhà sản xuất sẽ không chịu trách nhiệm.
Quay trở lại việc các tài liệu chẩn đoán điều trị, phác đồ điều trị do bộ Y tế ban hành cũng là tài liệu khoa học, căn cứ chuyên môn để hướng dẫn thực hành cho các bệnh viện, đồng thời cũng là tài liệu giúp cơ quan BHXH thực hiện công tác giám định trước khi chi trả.
Trong hầu hết phác đồ điều trị, tên thuốc cũng được ghi theo tên hoạt chất chứ không phải ghi theo tên thuốc của nhà sản xuất. Như vậy sẽ không có sự mâu thuẫn giữa danh mục thuốc với phác đồ điều trị do bộ Y tế ban hành.
Ở đây có một điều quan trọng tôi phải lưu ý là, cũng có trường hợp thuốc, kỹ thuật có trong hướng dẫn chẩn đoán điều trị nhưng khả năng của quỹ BHYT có hạn nên sẽ không chi trả được, khả năng cân đối, mức đóng của mình còn thấp nên không thể đáp ứng được hết các yêu cầu điều trị. Có những thuốc trong danh mục điều trị được hưởng một phần theo tỉ lệ phần trăm nhất định.
Tôi nhấn mạnh lại, quỹ của chúng ta còn hạn chế và chúng ta phải ngăn chặn tình trạng sử dụng quá mức cần thiết nên phải có quy định như thế.
Phóng viên: Thực tế, trong thời gian qua có rất nhiều thay đổi liên quan tới việc chi trả BHYT khiến người dân cũng như nhiều cơ sở KCB hoang mang, phía bộ Y tế có những kiến nghị gì với bên bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh cũng như các cơ sở KCB?
Ông Lê Văn Khảm: Câu chuyện ở bệnh viện Nhi đồng 1 được nhắc tới trong thời gian qua, trong đó có hai loại thuốc trên đã được BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH TP.HCM tiếp tục giải quyết để đáp ứng yêu cầu điều trị của người dân.
Chúng tôi cũng có họp với BHXH Việt Nam cũng như một số cơ sở KCB để thống nhất giải quyết hai loại thuốc mà bệnh viện Nhi đồng 1 đang sử dụng điều trị cho bệnh nhân.
Bộ Y tế và BHXH khi phát hiện ra những bất cập trong thực hiện chính sách đều phải họp bàn để thống nhất giải quyết. Nhưng phát sinh cũng nhiều, chưa xử lý hết được nên luôn phải nắm bắt tình hình và giải quyết những trường hợp cụ thể trước khi có những thay đổi lớn về mặt chính sách. Cũng như vấn đề thuốc, chúng tôi vẫn đang tiếp tục họp bàn thêm để có những giải pháp đầy đủ và căn cơ hơn.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!
Nguyễn Huệ