Năm 2007, sau khi bộ phim truyền hình Trung Quốc dài 50 tập Việt Vương Câu Tiễn, lên sóng VTV3 đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán gải.
Câu chuyện bắt đầu khi hai người nước Sở là Phạm Lãi và Văn Trọng quyết định gia nhập nước Việt để giúp cho Câu Tiễn. Đó có thể gọi là một thời kỳ loạn thế, chư hầu tranh bá, kẻ mạnh nuốt kẻ yếu, ở phương Nam, nước Ngô đem quân đi chinh phạt khắp nơi và nước Việt nhỏ bé nằm phía sau nước Ngô không tránh khỏi là mục tiêu của nước này. Giữa lúc nước Việt đang bị đại quân của nước Ngô bao vây, tình thế vô cùng nguy cấp, Phạm Lãi khuyên Câu Tiễn tạm thời xin hòa, chờ ngày khôi phục cơ đồ. Câu Tiễn bị bắt sang nước Ngô làm nô lệ có Phạm Lãi cùng đi. Suốt thời kỳ gian khó đó, Phạm Lãi vẫn một lòng trung thành với Câu Tiễn. Sau 3 năm, trải qua rất nhiều gian khó, nguy hiểm và bằng một ý chí phi thường, cuối cùng hai người đã thoát nạn chạy về nước Việt...
Câu Tiễn đứng trước một nước Việt thời hậu chiến vô cùng suy sụp không khỏi cảm thấy nản lòng, nhưng đã đứng vững nhờ sự phò tá hết lòng của hai vị trung thần Phạm Lãi và Văn Trọng. Phạm Lãi đã hiến kế “nằm gai nếm mật” để tăng cường ý chí phục quốc cho Câu Tiễn. Ông cùng hai trọng thần đã ban bố nhiều pháp lệnh có lợi cho dân, trị nước yêu dân, trọng dụng nhân tài, đem châu báu đổi lấy lương thực, đối với cường địch thì dùng mọi kế sách có thể kể cả việc đem tặng người mỹ nữ Tây Thi, tri kỷ của Phạm Lãi, cho Ngô vương...
Sau quá trình nằm gai nếm mật gian khổ, Việt Vương Câu Tiễn và đội quân của ông đã phục thù thành công, đánh bại nước Ngô.
Việt Vương Câu Tiễn còn nổi tiếng với thúc đẩy chế tạo ra loại vũ khí có độ bền, uy lực và khả năng sát thương rất cao. Nổi tiếng nhất có thể kể đến thánh kiếm của ông dù đã trải qua hơn 2000 năm vẫn còn sắc bén lạ thường.
Thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn khiến giới khoa học hết sức kinh ngạc, bởi khả năng thách thức thời gian của thanh kiếm cổ nghìn năm này thực sự là hiếm thấy so với những cổ vật từng được phát hiện trước đó.
Theo đó, vào năm 1965, khi tiến hành một cuộc khảo sát ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), cách khu tàn tích thành cổ Tế Nam (kinh đô trước kia của nhà Chu) chỉ 7km, các nhà khảo cổ đã phát hiện thấy 50 ngôi mộ thuộc thời kỳ Xuân Thu.
Trong quá trình khai quật, các nhà nghiên cứu phát hiện thanh kiếm Câu Tiễn trong một chiếc hộp gỗ kín được đặt bên cạnh bộ hài cốt và hàng nghìn hiện vật khác.
Phân tích các nét chữ khắc và biểu tượng trên thanh kiếm, các nhà nghiên cứu kết luận đây là cổ kiếm của Việt Vương Câu Tiễn (496-465 TCN), một vị vua nổi tiếng thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc.
Dài khoảng 55,7 cm, nặng 875 gram, lưỡi kiếm rộng 4,6 cm, chuôi kiếm dài 8,4 cm và trải qua hàng ngàn năm dưới lòng đất trong môi trường ẩm thấp, nhưng thanh kiếm Câu Tiễn dường như là "báu vật" thách thức thời gian.
Thanh kiếm cổ đại này kỳ thực không hề giống với những bảo kiếm mà các chuyên gia từng thấy. Không hề có dấu vết gỉ sét và điều này khiến các chuyên gia cảm thấy kinh ngạc.
Trong quá trình khai quật, một nhà khảo cổ đã vô cùng kinh ngạc khi trông thấy thanh kiếm này trong hầm mộ hơn 2.000 năm tuổi. Ông đã nảy ra ý định là thử độ sắc bén của thanh kiếm và trong lúc loay hoay đã bị đứt tay, chảy máu.
Ngoài ra, một thử nghiệm được các nhà khảo cổ học tiến hành, cho thấy thanh kiếm sắc bén này có thể dễ dàng cắt xuyên qua một chồng gồm 20 mảnh giấy.
Độ tinh xảo của thanh kiếm cũng là một điều ngạc nhiên với kỹ thuật chế tác thời bấy giờ. Thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn là kiểu kiếm thẳng đầu tiên được biết đến với hai lưỡi sắc bén.
Phần chuôi kiếm được quấn lụa, trong khi núm kiếm được tạo thành từ 11 hình tròn đồng tâm xếp chồng lên nhau.
Các nhà nghiên cứu xác định thanh kiếm hoàn toàn không bị rỉ sét nhờ sunfat hóa trên bề mặt. Thanh kiếm báu được cất giữ trong vỏ bao yếm khí nên vẫn giữ nguyên được đặc tính và tình trạng hoàn hảo sau hàng ngàn năm.
Cổ kiếm còn có hàm lượng đồng cao, giúp tăng độ bền dẻo và khó gãy hơn. Lưỡi kiếm được làm bằng thiếc khiến cho kiếm cứng hơn, đồng thời vẫn duy trì được độ sắc bén.
Hiện tại, thanh bảo kiếm của Việt Vương Câu Tiễn được đặt trong một hộp gỗ sơn mài và được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Quốc Tiệp (t/h)