Ông Lee Byung Chul, nhà sáng lập của “đế chế” Samsung bây giờ trước kia chỉ khởi đầu từ một cửa hàng nhỏ với số vốn vỏn vẹn 25 USD (khoảng gần 600 nghìn đồng theo tỉ giá hiện tại), để rồi vươn lên thành tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc, vươn tầm thế giới.
Sau khi ông Lee Byung Chul qua đời năm 1987, con trai thứ 3 của ông –Lee Kun Hee trở thành người tiếp theo nắm trong tay quyền lực tối cao tại gia tộc họ Lee. Ông Lee Kun Hee đã đưa Samsung trở thành công ty toàn cầu trong lĩnh vực chip nhớ, điện thoại và TV.
Các thành viên còn lại trong gia đình cũng lần lượt đảm nhận vai trò quan trọng trong những tập đoàn về các lĩnh vực như truyền thông (CJ Entertainment), bán lẻ (Shinsegae) và xây dựng (Hansol).
Tới nay đã đi qua 3 thế hệ thế nhưng gia tộc họ Lee vẫn nắm giữ những vị trí quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh, có sức ảnh hưởng đặc biệt lớn đối với kinh tế Hàn Quốc.
Giàu sang và quyền lực bậc nhất xứ sở kim chi song nhiều thành viên trong gia tộc Samsung lại bị căn bệnh di truyền hiếm gặp đeo bám. Đó chính là Charcot-Marie-Tooth (CMT) hay còn gọi là teo cơ Mác.
Theo Korea Joongang Daily, cố Chủ tịch Tập đoàn Samsung, Lee Kun-Hee và Lee Jay-hyun, cháu nội của Lee Byung Chul đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn CJ, đều được chẩn đoán mắc Charcot-Marie-Tooth.
Ông Lee Kun-hee gặp nhiều vấn đề sức khỏe từ những năm 2000, vì vậy ông đã chuẩn bị từ lâu để nhường vị trí lãnh đạo cho con trai Lee Jae-yong.
Hồi năm 2020, ông Lee Kun Hee qua đời ở tuổi 78. Nguyên nhân cái chết không được gia đình tiết lộ, song dư luận lúc bấy giờ vẫn đồn đoán rằng có thể chứng teo cơ Mác đã khiến cựu Chủ tịch Samsung phải chịu đựng trong suốt thời gian dài. Được biết, ông Lee Kun Hee đã phẫu thuật vào năm 2014 sau cơn đau tim và được điều trị ung thư phổi từ cuối những năm 1990.
Trong khi đó, Hãng thông tấn Yonhap cho biết ông Jay-hyun còn mắc nhiều chứng bệnh như huyết áp cao, cholesterol cao và bệnh thận. Chính vì vậy, hồi tháng 7/2015, Tòa án Tối cao Hàn Quốc từng quyết định đình chỉ việc giam giữ ông Jay-hyun, người bị kết tội nhiều tội danh tham nhũng, với lý do sức khỏe.
Bệnh teo cơ Mác có khả năng di truyền ở nam giới cao hơn phụ nữ, tuy nhiên con gái nhà họ Lee cũng không thoát được "lời nguyền" này. Theo tờ Chosun, “công chúa Samsung” Lee Boo-jin từ khi còn nhỏ đã có cơ thể yếu ớt và gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Anh họ Jay-huyn và nhiều thành viên khác trong nhà đã bị teo cơ Mác nên tờ Chosun đưa phỏng đoán Lee Boo-jin cũng không thoát khỏi “lời nguyền” này.
Công chúng Hàn Quốc thậm chí cho rằng bố mẹ đã đổi tên cho bà từ Lee Yoo-jin thành Lee Boo-jin để cầu may mắn và sức khỏe. Từ “Boo” phát âm mạnh hơn “Yoo” và mang ý nghĩa của sự giàu có.
Bởi vì teo cơ Mác không thể chữa khỏi hoàn toàn, gia tộc Samsung đành chấp nhận "sống chung với lũ". Trong trường hợp này, quả thực có tiền cũng không thể mua được sức khỏe.
Sự sống của con người bắt nguồn từ hô hấp, chính vì thế nhà họ Lee thường trang bị những chiếc máy lọc không khí hiện đại bậc nhất. Mục đích chính là để làm sạch môi trường sống: "Lúc nào cũng phải đảm bảo không khí có độ tinh khiết như đang hít thở ở Hawaii".
Không chỉ có thế, họ còn nghiên cứu, tìm cách chỉnh sửa gene để chữa trị căn bệnh di truyền này. Năm 2017, trung tâm y tế Samsung - một mạng lưới bệnh viện thuộc sở hữu của tập đoàn này đã ký kết với công ty ToolGen để cùng phát triển một công cụ chỉnh sửa gene cho bệnh teo cơ Mác.
Bệnh viện Samsung cũng rất nhiệt tình trong việc chữa trị cho các bệnh nhân mắc căn bệnh này. Nếu một người bị CMT mà tham gia điều trị ở cơ sở y tế do Samsung quản lý thì sẽ được hỗ trợ một số loại chi phí.
Theo Dịch vụ Y tế Công cộng Anh (NHS), bệnh Charcot-Marie-Tooth (CMT) là nhóm các tình trạng di truyền làm tổn thương các dây thần kinh ngoại biên. Nó còn được gọi là bệnh thần kinh cảm giác và vận động di truyền (HMSN) hoặc teo cơ Mác (PMA).
Các dây thần kinh ngoại biên được tìm thấy bên ngoài hệ thống thần kinh trung ương chính (não và tủy sống). Chúng kiểm soát các cơ và chuyển tiếp thông tin cảm giác, chẳng hạn xúc giác, từ tay chân đến não.
Các triệu chứng của bệnh xảy ra đầu tiên ở chân, sau đó là tay. Các tế bào thần kinh ở những người mắc teo cơ Mác không thể gửi tín hiệu đúng cách do bất thường trong sợi trục thần kinh hoặc lớp cách điện (myelin) xung quanh sợi trục.
Các dấu hiệu của bệnh thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên. Hầu hết người bệnh đều bị ảnh hưởng sợi thần kinh dài nhất đầu tiên. Theo thời gian, bệnh nhân có thể mất dần khả năng sử dụng bình thường bàn tay, bàn chân, chân, cánh tay. Họ sẽ bị nhạy cảm với nhiệt, đau, yếu cơ tay, bàn chân, cẳng chân, khó vận động, mất cơ ở cẳng chân (teo cơ), thường xuyên bị vấp hoặc ngã, bàn chân cao và bàn chân bẹt.
Ngoài ra, phản xạ co duỗi có thể bị mất. Căn bệnh này tiến triển chậm và có thể cải thiện. Người bệnh vẫn hoạt động được trong nhiều năm và sống bình thường. Ở những trường hợp nghiêm trọng nhất, bệnh nhân bị khó thở, cuối cùng là tử vong.
Teo cơ Mác là bệnh do lỗi di truyền ở nhiều gene chịu trách nhiệm cho sự phát triển của các dây thần kinh ngoại biên. Trẻ có thể mắc CMT do thừa hưởng gene lỗi từ mẹ hoặc bố hoặc cả hai. Hiện nay, hơn 100 gene được cho là thủ phạm gây ra các loại teo cơ Mác khác nhau. Trong đó, gene PMP22 chiếm tới 50% nguyên nhân. Trong khoảng 40% ca bệnh, giới khoa học không tìm được gene gây bệnh.
CMT không đe dọa tính mạng và hầu hết người mắc bệnh có tuổi thọ tương đương với người không mắc bệnh. Nhưng nó có thể gây trở ngại cho hoạt động sống hàng ngày, ảnh hưởng tinh thần.
Hiện không có cách chữa teo cơ Mác. Người bệnh có thể sử dụng vật lý trị liệu, liệu pháp vận động, dụng cụ hỗ trợ, phẫu thuật để giảm triệu chứng, hỗ trợ khả năng vận động và nâng cao chất lượng sống.
Minh Hoa (t/h)