Tháp Bà Ponagar là một trong những quần thể kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm Pa có quy mô vào loại lớn nhất còn lại ở miền Trung Việt Nam, được xây dựng từ khoảng thế kỉ thứ VIII đến thế kỷ XIII, thời kỳ đạo Hinđu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh tại vương quốc Chăm cổ.
Tháp Bà Ponagar là ngôi đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50m so với mực nước biển. Ngôi tháp toạ lạc ở cửa sông Cái, cách trung tâm TP. Nha Trang khoảng 2km về phía Bắc. Toạ lạc trên đồi Cù Lao, hướng ra biển Đông, từ dưới chân núi ngay sát quốc lộ, theo những bậc đá in hằn dấu ấn thời gian, du khách sẽ gặp một khu đất bằng phẳng khoảng hơn 200m2, có 10 trụ gạch lớn cao trên 5m xếp thành bốn hàng trên nền gạch rộng.
Theo các bậc đá lên cao mãi tới đỉnh núi, chúng ta sẽ được chìm vào một không gian văn hoá Chăm với nghệ thuật kiến trúc, tôn giáo mang nhiều nét độc đáo riêng. Xưa kia, nơi đây là một trong các trung tâm tôn giáo của vương quốc Chăm Pa. Nơi này hiện có 4 ngôi tháp, 2 miếu thờ và một nhà nghỉ. Trong khuôn viên khoảng 50.000m2, quần thể di tích được chia làm 3 lớp. Lớp dưới cùng bao gồm tháp cổng chính, tường rào bảo vệ, cổng phụ.
Lớp giữa đối diện khu tháp chính là khu kiến trúc Tiền đinh Mandapa, gồm 22 trụ hình bát giác có triều cao khác nhau. Ở tầng giữa gọi là Mandapa (tức là nhà khách, nhà tĩnh tâm) dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật. Mandapa dài 20m, rộng 15m, gồm 4 hàng cột hình bát giác (bao gồm 10 cột lớn và 12 cột nhỏ). Trên thân các cột lớn có các lỗ mộng, khoét sâu vào thân cột, đối xứng ngang bằng với đỉnh của các cột nhỏ. Theo lịch sử văn hoá Chăm, đây là khu vực chuẩn bị hành lễ của cộng đồng người Chăm trước khi vào các tháp cầu cúng.
Quần thể di tích tháp Bà Ponagar có lịch sử hơn 1.000 năm
Lớp trên cùng gồm 4 tháp, tháp chính (còn gọi là dinh Bà, thờ nữ thần Ponagar), tháp giữa (dinh Ông), tháp đông nam (dinh Cố), tháp tây bắc (dinh Cô, Cậu). Đây là không gian chính để tổ chức các hoạt động văn hoá, lễ hội. Những ngôi tháp được xây dựng theo kiểu Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Ngôi tháp lớn nhất thờ nữ thần Ponagar (tiếng Chăm có nghĩa là Mẹ Xứ Sở). Tháp cao khoảng 23 mét, có 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá. Bên trong là tượng nữ thần (cao 2,6m) tạc bằng đá hoa cương màu đen (trước đó là gỗ trầm hương, và xa hơn nữa là bằng vàng) ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chămpa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi.
Trong lòng tháp, mỗi bề mặt của viên gạch đều được "sơn" một màu đen tuyền. Theo như lý giải của nhân viên ban quản lý di tích thì đó là "dấu ấn" của việc thắp hương trong ban thờ đức thánh Bà. Lớp "sơn" là một minh chứng cho dấu tích thời gian và sự tôn kính của người dân với các vị thần linh được thờ nơi đây.
Trải qua hơn 10 thế kỷ, trước sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian và chiến tranh, quần thể công trình tháp Bà Ponagar vẫn sừng sững tồn tại cùng thời gian như một minh chứng cho trí tuệ sự khéo léo của người Chăm. Ngày nay, dù đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về chất kết dính các viên gạch được sử dụng trong quá trình xây dựng tháp nhưng kết quả vẫn là một ẩn số.
Hằng năm, từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 (âm lịch) là thời điểm diễn ra lễ hội Tháp Bà với lễ hội múa bóng dâng hoa cùng với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm giới thiệu, tôn vinh những nét đẹp của văn hoá Chăm. Quần thể di tích tháp Bà Ponagar được xếp hạng là một trong 16 lễ hội quốc gia.
Tháp Bà Ponagar không chỉ được người dân địa phương chọn làm nơi gửi gắm những ước vọng cầu an cho sức khoẻ, sự bình an, cầu con cái mà nơi đây còn là một điểm đến của nhiều nhà khoa học. Câu hỏi "Với nguyên liệu xây dựng chủ yếu là gạch nung, những người thợ, nghệ nhân Chăm đã dùng chất kết dính gì để gắn kết một quần thể đồ sộ vậy?", dù đã có nhiều nhà khoa học, nhà khảo cổ đã cất công nghiên cứu nhưng đó vẫn là một bí ẩn chưa lời giải đáp.
Hoàng Mai