Hoảng hồn gặp… “quái vật”
Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến địa phận xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam - nơi có dòng sông Cổ Chiên chảy qua, nối hai bờ tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Ngày nay, cầu dây văng Cổ Chiên bắc nhịp qua con sông như sợi dây kết nối mang tính liên vùng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giúp trục Quốc lộ 60 xuyên suốt.
Dòng sông Cổ Chiên hiền hòa trôi chảy. Hai bên bờ là những rặng dừa nước, cây bần, cây đước… phủ bạt ngàn, bao la. Chúng tôi dừng chân trên Cồn Chen (nằm trong cụm cồn Thành Long khá nổi tiếng), đoạn gần chân cầu Cổ Chiên với không gian thoáng mát, bình yên và phong cảnh đẹp đến nao lòng.
Chúng tôi được cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mỏ Cày Nam dẫn đi tham quan nhiều nơi. Cùng đi với đoàn còn có ông Lê Quanh Hoành - “thổ địa” am hiểu vùng đất này. Ngồi trên thuyền, men theo dòng sông Cổ Chiên, ông Hoành kể cho mọi người nghe nhiều câu chuyện lý thú.
Nơi đặc biệt ấn tượng với chúng tôi chính là Lăng Ông Thủy tướng ngự Nam hải (ấp Thành Long, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre). Đây là nơi đang thờ “Ông” - cách người dân gọi về loài cá voi nói chung và ở đây là bộ xương con cá voi xanh quý hiếm, được trưng bày trên gác, trong một tủ kính. Theo thông tin tại Lăng Ông Thủy tướng Ngự Nam Hải, “Ông” có tên khoa học là Balaenoptera musculus, thân dài 6,9m, vòng tròn 2,6m, đuôi 1,9m, miệng 1,5m, nặng tới 2.230kg. Ông tử khoảng 11h ngày 18/6/2006, nhằm ngày 23/5 năm Bính Tuất.
Điều khiến chúng tôi chú ý và ngạc nhiên chính là vì sao “Ông” lại luỵ nơi đây? Bởi, từ vị trí “Ông” luỵ, ra đến cửa biển cũng phải khoảng 10km, trong khi đó, người dân địa phương ở đây làm nghề đánh bắt trên biển hầu như rất ít.
Về việc phát hiện ra cá voi, ông Hoành cho biết: “Có vợ chồng nhà nọ đi ghe, chở mụn dừa (phế phẩm từ dừa) về phát hiện ra có vật thể gì lạ đang quẫy giữa sông. Lúc lại gần, họ hoảng hồn khi thấy con vật lớn nhất trong đời đang quẫy giữa sông, như một con quái vật. Khi ấy, ‘Ông’ quẫy mạnh đến mức sóng đánh muốn chìm ghe. Hai vợ chồng này về được đến nhà, chạy vào chỉ biết khóc, vì hoảng sợ.
Khi ‘Ông’ vượt được lên đoạn sông này cũng đuối sức, vào đến bụi cây, nằm trên lá và giãy chết (vị trí gần sát Lăng bây giờ). Lúc đó, cây lá đều bật gốc, cành gãy ngổn ngang, còn ‘Ông’ thì giãy đành đạch, cách đó mấy chục mét cũng nghe được tiếng động”.
Cũng theo ông Hoành: “Không ai biết cá gì, song mọi người hiếu kỳ kéo đến xem rất đông. Chúng tôi gọi điện báo lên, cán bộ huyện xuống kiểm tra và phát hiện đây là cá Ông, rồi đề nghị người dân chôn cất.
Được ông Mười hiến đất, mọi người tiến hành chôn cất ‘Ông’ và làm lăng thờ. Tuy nhiên, do hạn chế kinh phí nên chỉ làm tạm. Một lần, có vị doanh nhân xuống cúng ông, gặp mưa gió bị ướt nên ông tài trợ thêm kinh phí để xây được như ngày nay”.
“Ông” mang đến may mắn…
Cũng theo ông Hoành, con sông Cổ Chiên hoàn toàn không có cá voi, do “Ông” ở biển trôi dạt vào, khả năng là ‘Ông’ bị thương. Lúc người dân đem “Ông” lên thì thấy có 3 lỗ bị hoại tử trên lưng.
“Hồi đó (năm 2006), 'Ông' vô giữa dòng, rồi trượt lên bãi và giãy chết ở đó luôn. Lúc đó khoảng 11h ngày 23/5 (Âm lịch). Cũng không rõ thời tiết hay là tâm linh mà trời lúc đó mưa gió, bão bùng dữ dội lắm.
Cho đến bây giờ, người dân vẫn chưa hiểu vì sao, với quãng đường (từ cửa biển vào xã Thành Thới A) xa như thế, mà 'Ông' có thể vào luỵ tại khu vực này. Đây là điều rất hiếm hoi”, ông Hoành kể.
Theo người dân địa phương tìm hiểu, cá voi xanh xuất hiện nhiều ở Nhật Bản, nhưng không hiểu vì sao lại xuất hiện tại khu vực này. Cũng theo ông Hoành, con cá này không có răng, chỉ có hàm nướu mềm nên nó không ăn các loài cá hay loài bự được. Khi đưa lên, để 3 ngày sau, nướu rụng hết.
“Hồi đó, dân ở đây nghèo lắm, khu vực này lầy lội, cây cối um tùm, thế nhưng, khi ‘Ông’ luỵ ở đây rồi được đem chôn cất, lên thờ cúng, cũng là lúc cầu Cổ Chiên được bắc qua sông và dân ở đây giàu lên trông thấy. Người ta cho rằng, ‘Ông’ lụy cũng mang đến may mắn cho khu vực này”, ông Hoành cho biết.
Cứ vào ngày 23/5 (Âm lịch), người dân tại khu vực này đều làm lễ cúng “Ông”. Tùy vào từng năm, có khi làm heo, có khi làm bò và nhiều món ăn khác… Người làm nghề biển ở đây rất ít, nên lễ Nghinh Ông làm quy mô nhỏ, chứ nếu có nghề biển giống như ở các khu vực khác thì lễ hội này dự là sẽ rất lớn.
“Ca sĩ lãng du” trong lòng đại dương
Trước thế kỷ XX, cá voi xanh tồn tại với cá thể lớn ở hầu hết các đại dương trên thế giới nhưng hơn 100 năm qua, chúng bị săn bắt đến mức gần như tuyệt chủng.
Cá voi xanh có tên khoa học là Balaenoptera musculus, còn gọi là cá Ông - một loại cá voi thuộc về phân bộ Mysticeti (cá voi tấm sừng hàm). Khi đạt đến độ trưởng thành, cá voi xanh có thể dài lên đến 30m, nặng tới 180 tấn hay thậm chí còn nặng hơn. Nó là loài động vật lớn nhất và nặng nhất từng tồn tại cho đến ngày nay.
Cá voi xanh dài và thon, cơ thể có màu hơi xanh xám ở mặt lưng và sáng màu hơn ở bụng.
Có ít nhất 3 phân loại cá voi xanh: loài B. M. Musculus, sống ở vùng Bắc miền Bắc Đại Tây Dương và Bắc Thái Bình Dương; loài B. M. Intermedia sống ở Nam Băng Dương và loài B. M. Brevicauda (cá voi xanh lùn) sống ở Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương. Thức ăn của loài này chủ yếu là sinh vật phù du và giáp xác nhỏ.
Chính vì thế, cá voi xanh được phân vào nhóm cá voi không răng, có nghĩa là thay vì dùng răng, chúng có khoảng 395 tấm sừng mọc ở hàm trên (gọi là cá voi tấm sừng hàm) được dùng để lọc thức ăn từ nước. Cá voi xanh cũng có lỗ trên lưng, dùng để đẩy không khí cũ và nước biển ra khỏi phổi, khi chúng trồi lên để hô hấp.
Như vậy, thông tin về những những chiếc nướu ở hàm mà ông Hoành cho biết, đó thực chất là những tấm sừng mọc ở hàm trên. Còn “3 lỗ trên lưng bị hoại tử” là lỗ dùng để đẩy không khí cũ và nước biển ra khỏi phổi khi chúng trồi lên mặt nước.
Cơ thể khổng lồ nên cá voi xanh tiêu thụ thức ăn rất lớn, có thể lên đến 40 tấn con mồi/ngày. Vào mùa đông giá lạnh, chúng di chuyển đến vùng nước ấm, trên đường di chuyển, hầu như không ăn gì.
Một thông tin khá thú vị, cá voi xanh được mệnh danh là những “ca sĩ lãng du” trong lòng đại dương, vì chúng có thể phát ra âm thanh siêu trầm ở tần số 14Hz. Đây cũng là loài phát ra thứ âm thanh lớn nhất trên thế giới, lớn hơn các tiếng kêu rít của máy bay phản lực, với cường độ 200decibel.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu mục đích của những tiếng kêu này, nhiều giả thuyết đã được đưa ra. Có thể, đó là cách để chúng giữ khoảng cách giữa các cá nhân hay là dùng để nhận biết loài và cá nhân trong cộng đồng.
Cũng có thể đó là cách truyền đạt thông tin, như: kiếm ăn, báo động, đánh dấu vị trí nguồn thức ăn, tán tỉnh hoặc là cách để giữ tổ chức xã hội.