Rất ít nhân vật chinh phạt nào trong lịch sử có được những chiến công hiển hách như Thành Cát Tư Hãn. Đại hãn của Đế quốc Mông Cổ đã chinh phục khắp các đế chế kéo dài từ Biển Đen đến Bắc Kinh, Nga và Tây Tạng khi ông 44 tuổi.
Ông sinh ra ở Mông Cổ vào khoảng năm 1162 và mất năm 1227. Là con trai thứ ba của Dã Tốc Cai, lãnh đạo của gia tộc Bột Nhi Chỉ Cân, Thành Cát Tư Hãn sinh ra đã được sắp đặt để làm những điều vĩ đại.
Cái chết của người cha do bộ tộc kẻ thù sát hại lúc Thành Cát Tư Hãn chỉ mới 9 tuổi đã có ảnh hưởng sâu sắc đến ông. Đau đớn và phẫn nộ, Thành Cát Tư Hãn thề sẽ trở thành một người đàn ông hùng mạnh, khiến tất cả đều phải sợ hãi và ngưỡng mộ.
Mặc dù là một nhân vật nổi tiếng, nhiều chi tiết về cuộc đời ông đã không được ghi chép lại. Dưới đây là 5 sự thật về Thành Cát Tư Hãn mà nhiều người chưa biết đến.
Tên thật của Thành Cát Tư Hãn
Công chúng biết đến tên ông là Thành Cát Tư Hãn. Nhưng Thành Cát Tư Hãn không phải là tên thật. Tên khai sinh của ông là Thiết Mộc Chân, có nghĩa là người thợ rèn sắt.
Ông được biết đến với cái tên Thành Cát Tư Hãn sau khi trở thành thủ lĩnh của người Mông Cổ tại một cuộc họp bộ lạc vào năm 1206. Từ Tư Hãn chỉ đơn giản có nghĩa là người cai trị hoặc người lãnh đạo.
Các nhà sử học vẫn không chắc chắn về ý nghĩa của cái tên Thành Cát, nhưng theo ngữ cảnh, nó thường được dịch là “Người thống trị toàn bộ”.
Ngoại hình bất ngờ
Mặc dù là một nhân vật có ảnh hưởng và sức hấp dẫn lớn trong lịch sử, nhưng thông tin về cuộc sống cá nhân và ngoại hình của Thành Cát Tư Hãn lại rất khan hiếm.
Không có bức chân dung hoặc tác phẩm điêu khắc nào còn tồn tại để công chúng thấy được thực sự ngoại hình vị chiến tướng này trông như thế nào. Trong khi những mô tả của các nhà sử học về Thành Cát Tư Hãn lại rất mâu thuẫn.
Hầu hết các cuốn sách lịch sử mô tả Thành Cát Tư Hãn là người đàn ông cao to vạm vỡ, với bờm tóc bồng bềnh và bộ râu dài rậm rạp. Nhưng một trong những mô tả đáng ngạc nhiên nhất đến từ Rashid Al-Din, nhà sử học Ba Tư thế kỷ 14. Ông tuyên bố Thành Cát Tư Hãn có mái tóc đỏ và mắt xanh.
Vì Rashid Al-Din chưa bao giờ gặp Thành Cát Tư Hãn nên những quan điểm của ông không khiến nhiều người đồng tình. Nhưng không thể phủ nhận rằng những đặc điểm này không phải là chưa từng thấy trong số những người Mông Cổ đa dạng về sắc tộc.
Nguyên nhân tử vong
Mặc dù người ta biết rằng ông đã chết vào năm 1227, nhưng sự thật về nguyên nhân cái chết chính xác của Thành Cát Tư Hãn vẫn còn là một bí ẩn.
Một số ý kiến nói rằng ông ngã ngựa khi đi săn và bị thương nặng cho đến lúc qua đời. Marco Polo viết rằng nhà lãnh đạo Mông Cổ chết vì vết thương mũi tên bị nhiễm trùng mà ông bị bắn vào đầu gối trong trận chiến cuối cùng.
Một số người khác nói rằng ông chết vì bệnh đường hô hấp. Một quan điểm khó tin khác thì nói rằng Thành Cát Tư Hãn đã bị bắt và bị sát hại.
Nơi chôn cất linh thiêng
Trong tất cả bí ẩn về Thành Cát Tư Hãn, có lẽ nơi chôn cất của ông là điều lôi cuốn nhất. Trong nhiều thế kỷ, các cuộc tìm mộ của nhân vật này đều không thành.
Thành Cát Tư Hãn đã yêu cầu giấu lăng mộ của mình vào một nơi hoàn toàn bí mật để đảm bảo sự bình yên ở nơi an nghỉ cuối cùng mà không bị bất kỳ kẻ nào quấy rầy.
Theo truyền thuyết, khi quan tài đưa đến khu mộ, 800 binh sĩ đi cùng đã tàn sát tất cả những người mà họ tiếp xúc dọc đường. Sau đó, họ liên tục cưỡi ngựa qua mộ để che lấp mọi dấu vết. Ngoài ra, một dòng sông cũng được chuyển qua khu mộ của Thành Cát Tư Hãn để địa điểm này không thể tìm thấy. Cho đến ngày nay, nơi chôn cất của Thành Cát Tư Hãn vẫn còn là một bí ẩn.
Ẩn số cuối cùng
Sự thật cuối cùng về Thành Cát Tư Hãn có thể khiến nhiều người bất ngờ nhất. Thành Cát Tư Hãn được cho là người hướng tới hòa bình và có khả năng hòa hợp.
Trong thời kỳ đỉnh cao của Đế quốc Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn kiểm soát toàn bộ Con đường tơ lụa. Ông đã thành lập một đội quân khổng lồ gồm những người đàn ông (và một số phụ nữ) đến từ tất cả các khu vực trị vì.
Ngoài ra, ông cũng thiết lập một số thành trì chiến lược để đảm bảo sức mạnh của đế chế. Thương nhân của nhiều quốc gia, nền văn hóa và tôn giáo đều sử dụng Con đường tơ lụa. Để đảm bảo được sự thịnh vượng, điều quan trọng là phải duy trì hòa bình dọc theo tuyến đường.
Do đó, trong một thời gian kéo dài các cuộc chiến tranh tôn giáo và thập tự chinh ở phía Tây, Thành Cát Tư Hãn đã thúc đẩy sự hòa hợp đối với các quan điểm và văn hóa khác nhau.