Bí ẩn chuyện 'nấu cơm cho ma' ở thác Trám, Hà Giang

Bí ẩn chuyện 'nấu cơm cho ma' ở thác Trám, Hà Giang

Thứ 6, 15/11/2013 16:27

Nằm giữa hai xã Lao Chải và Xín Chải của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, thác Trám chẳng khác gì một vạch ranh giới của hai xã này. Thế nhưng xung quanh thác lại có những câu chuyện hết sức kỳ dị khiến cho không ít người phải dựng tóc gáy, lạnh sống lưng mỗi khi đi qua khu vực này, bất kể đêm hay ngày.

Cũng chính vì thế, để tránh rơi vào cảm giác rùng rợn, người dân địa phương và những thầy cô giáo cắm bản đành chọn một phương án đi cùng nhau, cùng hành trang là một củ tỏi để tránh gió "độc".

Địa danh... rùng rợn

Nằm cách cửa khẩu Thanh Thủy (Vị Xuyên) khoảng 10km thác Trám có phần khác lạ với nhiều thác nước khác mà chúng tôi đã từng đặt chân tới. Nó chính là sự khô kiệt - không có nước. Nhìn từ xa, thác Trám chỉ là một dải đá trắng bệch, dải từ trên xuống, hệt như một chiếc khăn trắng nổi bật giữa rừng xanh. Cũng lại vì địa hình và núi non hiểm trở với một bên là núi cao ngất ngưởng còn một bên là hun hút vực sâu khiến cho những người như chúng tôi cũng có một cảm giác rờn rợn, chông chênh.

Lạ & Cười - Bí ẩn chuyện 'nấu cơm cho ma' ở thác Trám, Hà Giang

Toàn cảnh Thác gọi hồn thác Trám.

Trước những sự bất thường từ thác Trám, người dân địa phương bảo rằng: "Gọi là thác cũng đúng mà không gọi là thác cũng phải bởi không phải lúc nào ở đây cũng có nước. Nước chỉ hiện hữu tại đây, mỗi khi xuất hiện những cơn mưa rừng thì nó mới "cựa mình" tung bọt rồi cũng rất nhanh sau đó nó lại trở lại trạng thái... tí tách từng giọt. Mà muốn biết được nó có chảy hay không thì chỉ còn cách duy nhất ra đứng dưới thác Trám thì mới có thể phát hiện được". Tuy nhiên, cũng theo người dân nơi đây, để làm được việc này không phải dễ vì một lẽ từ bấy lâu nay họ được nghe rất nhiều tin đồn ma mị rằng dòng nước tí tách kia chẳng khác gì giọt nước mắt của những linh hồn quá cố đang gắng kêu khóc, oán than điều gì?

Điều này đã được anh Vàng Seo Mử người dẫn đường cho chúng tôi nhắc đi, nhắc lại: "Chỉ hai khúc cua thôi nhưng chẳng mấy khi đến con thác này đâu, chỉ khi nào có việc cần kíp, đặng chẳng đừng thì dân bản mới đi qua thôi. Sợ lắm! Cũng vì thế mà từ lâu rồi chúng tôi đều gọi là thác gọi hồn thay vì thác Trám như thuở trước". Lời nói của người đàn ông năm nay đã ngoại tứ tuần, gầy đét như một cây mía lại càng làm cho con thác Trám trở nên đầy rẫy bí hiểm, liêu trai.

Anh Mử cũng bảo chúng tôi, nếu hôm nào trời trở gió thì toàn khu vực thác chẳng khác gì ngày linh hồn tụ họp. Tiếng gió, tiếng lá, tiếng nước cuộn vào nhau ù ù ghê sợ. Thậm chí nó còn rít lên đầy ai oán, bi ai. Lời của anh Mử cũng đúng như những lời của dân bản và những thầy cô giáo cắm bản nói trước khi chúng tôi lên đường tìm vào đây. Chị Đàm Thị D., một người dân xã Lao Chải cho hay: "Cứ thấy mây gió vần vũ, trời nửa mưa nửa nắng là dân bản không ai bảo ai, đóng cửa ngồi trong nhà chờ khi nào trời quang mây tạnh thì mới ra ngoài. Bởi theo quan niệm, đó là thời điểm các hồn ma hoạt động mạnh nhất. Nếu ai mà cố tình đi qua thác Trám, nhỡ không may bị hồn ma theo về thì chỉ còn cách mời thầy mo cao tay về để cúng thôi".

Nhằm lý giải cho lời nói của mình, chị D. khăng khăng khẳng định: "Trời không gió nhưng rừng cây rung lá ào ào. Những tiếng khóc nỉ non, cười ma mãnh rộ lên ở từng góc núi. Thậm chí có người còn gặp hiện tượng bị ma ném đá chứ chẳng chơi".

Chị Đàm Thị H., một giáo viên dạy học trên Lao Chải cho chúng tôi biết thêm, khi mới lên đây, người dân vùng này và những thầy cô giáo đi trước đều căn dặn: "Không được đi qua khu vực thác gọi hồn vào lúc chiều tà hay đêm tối. Cũng chính vì thế, tôi cũng thấy gai gai sống lưng mỗi khi đi qua vùng đất này. Nhưng có lẽ tôi là người cao vía nên chưa gặp bao giờ?".

Tuy nhiên, theo lời của chị H., một vài thầy cô giáo cùng chung điểm trường với chị đã từng gặp những chuyện mà mới nghe thôi cũng toát mồ hôi hột: "Mình có đứa bạn gái dạy học ở gần thác gọi hồn. Cô ấy bảo: "Mấy lần tận mắt nhìn thấy có người phụ nữ để xõa tóc cứ lướt trước xe. Không chỉ một lần mà 2, 3 lần, khiến em chết khiếp. Vì công việc nên mỗi khi tan trường, em chọn giải pháp đi thẳng xe máy về nhà để ở cùng bố mẹ chứ không dám ở lại".

Không chỉ riêng chị H., nhiều thầy, cô giáo, cũng kể lại, thời tiết đổi mùa từ xuân sang hạ hay thu sang đông, hoặc mỗi khi trời sập sùi thì hay gặp người âm nhất. Có những lúc đi qua, thấy người mặc áo ngắn tay, trắng toát ngồi, nằm sát vệ đường. Nếu gặp cảnh đấy, tốt nhất cứ về số xe máy và kéo mạnh tay ga để vọt về dưới chỗ ánh sáng điện của nhà dân....

Lạ & Cười - Bí ẩn chuyện 'nấu cơm cho ma' ở thác Trám, Hà Giang (Hình 2).

Ngôi nhà duy nhất còn lại trên Thác gọi hồn.

Thực hư chuyện "nấu cơm cho ma"

Nay dân không còn tin vào mấy câu chuyện mê tín, dị đoan nữa

Ông Lương Văn Đoàn, chủ tịch huyện Vị Xuyên cũng cho biết: "Trước đây, chúng tôi có nghe người dân bàn tán quanh thác Trám. Trước tình hình đó, địa phương đã cử đoàn công tác vào tìm hiểu và vận động quần chúng nhân dân. Nhờ đó đến thời điểm này, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường và người dân không còn tin vào mấy chuyện mê tín, dị đoan nữa".  

Không biết chuyện đó đúng hay sai như thế nào nhưng qua lời kể của những khách bộ hành thì có một thực tế là những người dân nơi đây đều duy trì một tập tục khá lạ là nấu cơm cho ma trong ngày. Theo đó, những hộ người Tày và người Dao ở các xóm xung quanh thác Trám - thác gọi hồn tự đặt cho mình một cái lệ. Đó chính là, cứ đến bữa ăn là họ lại xới thêm một bát cơm, gắp ít thức ăn rồi đem ra chái nhà hay vệ đường. Đặt bát cơm ở nơi cao ráo, họ lên tiếng mời rồi mới vào nhà ăn cơm. Theo giải thích của những người dân vùng này thì nếu làm được như thế, họ sẽ tránh được cảnh quấy quả của cánh "oan hồn, âm binh?”.

Bà Lý Thị R., người dân tộc Dao, nhà gần thác Trám cho hay, ngày xưa người dân cũng dựng nhà dựng cửa gần thác nhiều lắm bởi vì nơi đây ở ngay gần đường, tiện cho sinh hoạt, mua bán, trao đổi vật dụng sản phẩm... Thế rồi, bỗng nhiên hàng loạt những hiện tượng lạ xảy ra, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh điêu đứng. Dần dà những hộ dân đành phải rút khỏi khu vực này và lên trên núi cao dựng nhà. Trước đây, một nhà gần Thác hay gặp hiện tượng có hồn ma về xin cơm nên họ đã nghĩ cách nấu cơm cho hồn để hồn đỡ đói và đỡ quấy quả. "Đến ngay cả cánh thợ xẻ (lâm tặc) hay tìm đến khu vực này để khai thác gỗ nghiến thời ngày rừng còn chưa bị cấm cũng phải theo tập tục này. Cũng chỉ bởi có quá nhiều hiện tượng lạ bắt người ta phải tin. Mỗi khi sơ suất thì y như rằng gặp những chuyện không lành xảy ra...".

Giải mã những lời đồn thổi

Giờ thác Trám đã khác rất nhiều so với ngày trước, con đường lên đây được gia cố, rải đá và đổ nhựa, nhưng có cái lạ là khu vực này lại không có nhà dân. Những nền đất cũ nát, những hàng cột bị mối đục còn lại gốc, thậm chí cả những nhà xây nơi đây cũng bị bỏ không. Hiện trên cung đường đi qua Thác gọi hồn này chỉ còn duy nhất một hộ dân sinh sống.

Qua tìm hiểu được biết thác gọi hồn còn có cái tên thác Trám được đặt vì ở đây có một cây trám rất to, ngon quả. Nhưng sau đó, vào những năm đầu 80 của thế kỷ 20, không hiểu sao có một bà cụ dân tộc đói rách ở nơi xa tìm đến. Già cả, cao tuổi là thế nhưng bà ta lại chân trần và không cần ai hỗ trợ đã leo lên được chạc ba của cây trám. Bà vặt quả ăn rồi chết trên đó. Không người thân quen, dân trong vùng ai cũng sợ và cũng không biết làm cách nào để đưa thi thể bà già ấy xuống. Thi thể của bà cứ heo hắt dần cùng nắng gió. Từ ngày bà cụ chết rồi tan vào cây trám, người dân nơi đây thi thoảng lại mơ thấy bà cụ về xin ăn. Nhiều người mơ và mơ thấy nhiều quá nên họ đã nghĩ đến chuyện chết đói của bà và sự phó mặc của họ rồi tập tục nấu cơm cho ma bắt đầu từ đấy.

Từ những câu chuyện rùng rợn trên, chúng tôi đã đến gặp ông Bùi Văn Thu, Phó chủ tịch xã Thanh Thủy. Ông Thu cho hay: "Tôi cũng nghe người dân bàn tán với nhau về thác Trám có ma. Tuy nhiên, khi hỏi, đã có ai tận mắt nhìn thấy các oan hồn ấy như thế nào chưa thì chẳng ai dám chắc. Thêm nữa nơi này là nơi hoang vắng, chính vì nguyên do đó mà mỗi khi qua khu vực này nên mọi người mới có cảm giác lạnh lẽo sợ sệt thôi".          

Nguyễn Bắc - Phạm Dương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.