"Thần mộc"800 năm tuổi
Bao đời nay, hình ảnh cây sanh cổ thụ đầu làng (thôn) Suối Cốc (xã Hợp Hòa, Lương Sơn, Hòa Bình) đã trở nên quá quen thuộc với người dân nơi đây. Từng nhánh cây, kẽ lá vươn ra trở thành cái cổng tự nhiên cực kỳ độc đáo. Những rễ nhỏ mọc ra từ thân cây tựa như những tấm rèm mỏng manh đung đưa trước gió. Mỗi nhành cây mỗi vẻ nhưng chúng liên kết liền nhau như để hứng hết phong ba bão táp che chở cho dân làng.
Chúng tôi tìm về thôn Suối Cốc đúng vào dịp cuối tuần. Đứng phía dưới vòm cây, ngẩng nhìn lên chúng tôi có cảm giác như đang đứng dưới một khu rừng rậm xanh ngút ngàn với những thân, nhánh cây to bè chừng vài người ôm mới hết vươn lên, kết tụ lại thành một khối thống nhất hướng lên trời xanh. Theo các cụ cao niên tại Suối Cốc, đã từ lâu cây, được coi như "biểu tượng" chung của làng, luôn vươn mình chở che, tỏa bóng mát, ngăn bão giông tấn công vào làng.
Không chỉ trở thành biểu tượng mà cây sanh còn được xem như một vị "thần hộ mệnh" bảo vệ người dân nơi đây mỗi khi xảy ra thiên tai, địch họa. Đến tận bây giờ, người dân trong làng Suối Cốc vẫn thường kể lại rằng: Vào những năm tháng chiến tranh ác liệt, máy bay giặc đánh bom cày xới tan hoang khu vực, cây sanh trở thành chòi canh, chòi quan sát của lực lượng dân quân tự vệ địa phương. Cụ Nguyễn Thế Hùng (75 tuổi), một người dân ở đây cho biết, những năm tháng chiến tranh mỗi khi nghe thấy tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời, gốc cây lại trở thành chốn yên bình để cả làng chạy tới lánh nạn, chờ mọi thứ yên tĩnh trở lại rồi mọi người mới quay về nhà tiếp tục những công việc dang dở.
Nhìn từ xa, cây sanh Suối Cốc như một "ốc đảo" nổi lên giữa cánh đồng.
Biết bao thế hệ dân làng Suối Cốc đã ra đời và tồn tại nhờ sự che chở của cây sanh và nó như một "chứng nhân" chứng kiến biết bao cuộc tình đẹp của những đôi trai gái cùng tất cả những đổi thay của mảnh đất, con người nơi đây. Chính vì có ý nghĩa như vậy nên các cụ cao niên trong làng đều căn dặn con cháu, đây là báu vật mà trời ban tặng cho cả làng, không ai được đụng đến mà đời đời con cháu phải giữ gìn.
Theo kết quả khảo nghiệm, phân tích của viện Khoa học bảo vệ môi trường thiên nhiên Việt Nam thì cây sanh Suối Cốc với 54 nhánh hiện nay đã có tuổi thọ vào khoảng 800 năm. Đã gần một thiên niên kỷ trôi qua, ngần ấy thời gian đủ để chứng minh cho sự trường tồn của cây sanh cổ thụ này.
Báu vật của làng
Thoạt nhìn, rất khó để biết đâu là thân chính của cây bởi hàng loạt thân rễ to mấy người ôm cắm xuống đất khiến ta lầm tưởng nơi đây là một cánh rừng toàn cây sanh. Theo ông Đinh Văn Bình, trưởng thôn Suối Cốc thì những năm trước đây, cây có trên 100 nhánh tỏa ra cả một vùng rất rộng lớn. Nhưng theo thời gian, cây đã bị hư hại bởi gió bão và nhất là cách đây ít lâu, khi trào lưu chơi cây cổ thụ lan rộng, do sức hút của đồng tiền, không ít người đã lén lút chặt trộm sanh "cổ" để đem bán lấy tiền. Hiện giờ cây chỉ còn 54 nhánh.
"Thời gian gần đây, việc chặt hạ sanh đại thụ đem bán đã không còn diễn ra, một phần do người dân đã hiểu giá trị, một phần do cây sanh này đã nằm trong "sách đỏ" của huyện Lương Sơn và có trong hương ước của làng, xã nên việc bảo vệ, chăm sóc cây được làm tốt hơn", trưởng thôn Đinh Văn Bình cho biết.
Dù cây sanh ở Suối Cốc đã được bảo vệ bởi người dân thôn xã, nhưng theo ông Bình, vẫn có người từ nơi khác luôn nhăm nhe muốn "thôn tính" bằng nhiều cách. Để có thể góp phần bảo vệ cây sanh cổ thụ này tốt hơn, chính quyền địa phương nơi đây đã đề ra nhiều biện pháp chăm sóc và gìn giữ cây, đồng thời lập hồ sơ gửi lên các cấp để tìm hướng giải quyết. Sau nhiều lần khảo cứu và đánh giá, ngày 25/5/2012, hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã chính thức trao Quyết định và bằng Công nhận Cây Di sản Việt Nam cho đại diện chính quyền địa phương. Điều này khiến người dân nơi đây rất tự hào, hãnh diện vì cây sanh của làng mình đã được Nhà nước tôn vinh, bảo vệ.
Xung quanh "đại lão thần mộc" hơn 800 năm tuổi này còn có không ít những giai thoại ly kỳ mà các cao niên trong làng kể lại. Truyền rằng, ở ngay tại dưới gốc cây, trước đây thường xuất hiện một cụ già râu tóc bạc phơ, thần thái ung dung tự tại, tiên phong đạo cốt thường ra tay làm việc tốt giúp người. Nhiều người tin rằng đó là một cao nhân tu luyện đã đắc đạo, do thấy nơi đây phong thủy hữu tình nên quyết định dừng chân. Có một giai thoại khác còn truyền lại, nhiều người đến ngày sắp sinh nở thường đến dưới gốc cây dựng lều rồi thuê bà đỡ đẻ túc trực để đẻ ngay dưới gốc cây vì nơi đây có linh khí của trời đất, lại được sự che chở của "đại lão thần mộc" nên đứa bé sinh ra sẽ khỏe mạnh, bình an về sau.
Do gắn liền với lịch sử, văn hóa của vùng đất này, người dân nơi đây đã ưu ái đặt cho cây sanh làng mình thêm một biệt danh là "cây sanh ma làng". Lý giải điều này, nhiều người trong làng cho biết, nguyên nhân là do hình dáng đặc biệt cũng như sự trường tồn của cây. Ngoài ra điều thú vị nhất là cây sanh cổ thụ ở Suối Cốc đã được nhiều đạo diễn nổi tiếng chọn làm bối cảnh quay những bộ phim nổi tiếng về làng quê Việt Nam: "Ma làng", "Đàn trời",… những cảnh quay đó đã đưa người xem trở về với làng quê thanh bình của dân tộc.
Chứng nhân lịch sử Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Ánh Điện - chủ tịch UBND xã Hợp Hòa (huyện Lương Sơn - Hòa Bình) cho biết: "Cây sanh ở Suối Cốc không chỉ là chứng nhân của lịch sử, điểm tựa tinh thần mà nó còn có ý nghĩa nhắc nhở mọi người phát huy truyền thống đoàn kết, thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, trân trọng tình làng nghĩa xóm. Việc cây sanh cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam thể hiện quyết tâm của cộng đồng trong việc bảo vệ những di sản của cha ông để lại. |
An Huy