Càn Long là ông vua tài giỏi bậc nhất song cũng phong lưu đa tình không ai sánh bằng. Trong suốt cuộc đời trị vì của mình, Càn Long từng có 6 lần vi hành, xoay quanh câu chuyện ấy quả thực có quá nhiều điều kỳ lạ, trong đó có một câu chuyện liên quan đến việc thoái vị của Càn Long sau này.
Từ cổ chí kim, cổ nhân thường nói "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" để ám chỉ có những việc "nhân bất do kỷ", đặc biệt các bậc đế vương rất coi trọng và tôn thờ điều ấy, Càn Long không phải là người nằm ngoài thời cuộc.
Có giai thoại từng truyền lại rằng, năm xưa trong một lần cải trang thành thường dân đi vi hành ở Tô Châu, Càn Long được một vị thánh tiên đưa ra lời sấm truyền về tương lai.
Và cũng chính câu nói ấy, sau chuyến vi hành, Càn Long vội vã nhường ngôi cho con trai thứ 15 là Hoàng tử Vĩnh Diễm, tức Gia Khánh đế sau này thậm chí còn muốn đại khai sát giới.
Tô Châu vốn là mảnh đất phù hoa, Càn Long thường chọn Tô Châu là nơi "nghỉ dưỡng". Trong 1 lần tản bộ, Càn Long chợt dừng lại ở một bàn cờ tướng, bên cạnh là một vị cao nhân có dáng vẻ đạo mạo tiên cách. Lúc này, Càn Long nổi nhã hứng muốn thử 1 lần gieo quẻ ở nhân gian.
Khi Càn Long bước vào, vị đạo sĩ liền phán ngay mà không cần hỏi bát tự, ông nói: "Nhân duyên hữu ý, cao cao tại thượng mệnh bất cửu hĩ, cấp lưu dũng thối hoán đắc tam tái" ngụ ý chỉ nhân duyên giữa ta và người đã đến, thế nhưng còn tại vị ngai vàng thì số mạng không dài, biết rút lui đúng lúc sẽ đổi lại thêm 3 năm tuổi thọ.
Càn Long hết mức ngạc nhiên và không khỏi suy nghĩ, tuy nhiên vừa đi một đoạn đã sai thuộc hạ quay lại ám sát người này để diệt khẩu. Đoán được điều đó, khi thuộc hạ của Càn Long đến nơi thì vị đạo sĩ ấy đã đi tự lúc nào, trên bàn cờ còn để lại mảnh giấy có viết: "Trong nhân gian này, lão phu chỉ xem cho mình người". Sau khi xem xong tờ giấy ấy, Càn Long Hoàng đế chỉ còn có thể âm thầm cảm khái trong lòng đang dậy sóng.
Sau tuần trăng, Càn Long trở về Tử Cấm Thành, cuối năm đó, Càn Long vội vàng thoái vị, truyền ngôi cho hoàng tử thứ 15 là Vĩnh Diễm, niên hiệu Gia Khánh, bản thân mình trở thành Thái thượng hoàng.
Liệu câu chuyện thoái vị của Càn Long còn ẩn chứa huyền cơ gì khác?
Nhân gian lại truyền câu truyện khác, Càn Long thoái vị đúng bằng số tuổi Khang Hy truyền ngôi cho vua Ung Chính. Giữa Càn Long và ông nội Khang Hy có bí mật gì?
Theo đó, Càn Long lúc sinh thời đã thề rằng sẽ không ở ngôi lâu hơn ông nội của mình. Và sự thật là ông đã nhường ngôi sau khi tại vị được 60 năm, còn Khang Hy đã ở trên ngai vàng tới năm thứ 61. Nhiều người cho rằng việc chủ động nhường ngôi này là vì Càn Long không muốn bất kính với tổ phụ (ông nội).
Thế nhưng, Càn Long tại vị còn dài hơn so với Ung Chính, có thể thấy, tình cảm của vị hoàng đế này đối với Khang Hy còn khăng khít hơn với phụ thân của mình. Trong khoảng thời gian nắm quyền kéo dài tới 6 thập kỷ, Càn Long đã tận dụng những nền tảng vững chắc từ thời cha ông là Khang Hy và Ung Chính để đưa Thanh triều lên tới đỉnh cao cực thịnh.
Và Càn Long cũng là vị vua sống thọ nhất trong lịch sử triều đại 12 đời vua nhà Thanh. Từ sau khi thoái vị, Càn Long đã ở ngôi Thái thượng hoàng được gần 3 năm cho tới lúc qua đời ở tuổi 88. Thế nhưng, cho đến bây giờ, giai thoại về việc Càn Long truyền ngôi vội vã vẫn còn là bí ẩn với hậu thế!
Nguyên Anh (Tổng hợp)