Ngày 22/3, South China Morning Post đưa tin về việc hàng chục xác lợn vừa được tìm thấy dọc bờ sông Hoàng Hà ở khu Nội Mông, trong đó một số xác heo đang phân huỷ trong nước. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng ô nhiễm môi trường hoặc lây lan bệnh tật.
Người dân địa phương không biết số lợn phân hủy này đến từ đâu. Một giả thuyết cho rằng những người chăn nuôi đã chuyển xác lợn từ các khu vực lân cận đến đây vứt.
Trong một thông báo, giới chức trách nói rằng các công nhân đã thu gom và xử lý các xác lợn, cũng như khử trùng khu vực này. Các nhân viên kiểm soát dịch bệnh thu thập mẫu từ những con lợn chết và đang điều tra dịch tễ.
Theo quy định, vật nuôi chết vì bệnh hoặc không rõ lý do phải được tiêu hủy, chôn sâu; phân hủy trong axit sulfuric hoặc theo các phương pháp đảm bảo vệ sinh khác. Tuy nhiên, việc vứt xác động vật bừa bãi vẫn phổ biến ở Trung Quốc.
Vào năm 2013, hàng ngàn xác heo nổi lềnh bềnh trên sông Hoàng Phố, đoạn qua TP Thượng Hải. Các công nhân đã vớt được hơn 10.000 cái xác, sau khi người dân nhìn thấy xác lợn ở đoạn sông thuộc quận Tùng Giang, Thượng Hải.
Kết quả điều tra cho thấy chủ các trang trại lợn ở thượng nguồn ở Gia Hưng, phía đông tỉnh Chiết Giang đã vứt bỏ xác lợn. Vụ việc dẫn tới một cuộc xử phạt lớn đối với hoạt động xử lý gia súc bị bệnh và xác động vật sai cách. Sau đó nhiều trang trại chăn nuôi nhỏ đã bị đóng cửa.
Phát hiện mới nhất này diễn ra sau khi ngành chăn nuôi heo của đất nước tỷ dân đang hồi phục vì ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi. Dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc vào năm 2018 và gây thiệt hại gần một nửa số heo của quốc gia được đánh giá là nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới. Những lo ngại về an toàn thực phẩm và chi phí sản xuất tăng cao đã thúc đẩy Trung Quốc đóng cửa các trang trại chăn nuôi heo quy mô nhỏ để chuyển sang các cơ sở lớn và hiệu quả hơn.
Minh Hoa (t/h)