Ngày 25/5, Zing đưa tin, sau 17 năm ở trong lòng đất, hàng triệu con ve sầu sẽ trồi lên khỏi mặt đất ở nhiều phần phía nam nước Mỹ, với khoảng 1,5 triệu con trên 0,4 hecta.
Những khu vực mà ve sầu hay xuất hiện bao gồm tây nam Virginia, một số vùng ở bắc Carolina và tây Virginia sẽ được chứng kiến hiện tượng độc đáo này.
Rất may là ve sầu không gây hại cho con người dù âm thanh chúng phát ra có thể khiến không ít người cảm thấy phiền phức.
"Các cộng đồng và nông trại có số ve sầu lớn xuất hiện cùng một lúc có thể gặp phải vấn đề tiếng ồn đáng kể”, Eric Day - nhà côn trùng học tại Khoa Côn trùng học của Virginia Tech cho biết.
“Hy vọng bất cứ sự phiền toái nào do ồn ào (của ve sầu) có thể được xoa dịu vì tính chất hiếm thấy và thú vị từ sự xuất hiện của chúng”, ông Day hào hứng.
Theo Vietnamnet, tuy không gây hại cho con người nhưng ve sầu là mối nguy hiểm với hoa lan, cây nho cũng như nhiều loại cây khác do thói quen đẻ trứng của nó.
Ve sầu sẽ hiện diện từ 4-6 tuần, chúng giao phối, tạo ra thế hệ mới theo chu kỳ rồi chết dần.
Theo Vnexpress, Ve sầu định kỳ (Magicicada) là một trong những loài côn trùng có vòng đời dài nhất trong tự nhiên, được phân loại thành hai nhóm chính là ve sầu định kỳ 13 năm và 17 năm. Brood IX là một giống có vòng đời 17 năm, có nghĩa lần cuối cùng những con trưởng thành bay lượn trên bầu trời đã là vào năm 2003 - 2004.
Giai đoạn ấu trùng chiếm gần như toàn bộ vòng đời của Magicicada. Trong suốt 17 năm sống dưới lòng đất, chúng không hề ngủ đông mà trải qua nhiều giai đoạn tăng trưởng. Chúng lột xác tổng cộng 4 lần và sau mỗi lần, ấu trùng phát triển lớn hơn 0,5 inch (1,27 cm).
Các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải tại sao loài ve sầu này lại dành nhiều thời gian sống dưới lòng đất như vậy. Một giả thuyết cho rằng đó là một chiến thuật để tránh những kẻ săn mồi.
Quốc Tiệp (t/h)