Bẫy chết người khổng lồ
Thung lũng Rift là một khu vực hoang vắng nằm ở phía Bắc đất nước Tanzania, gần biên giới với Kenya, châu Phi. Tại đây, có một hồ nước khá lớn tên là Natron, nơi mệnh danh là tử thần của bất kỳ sinh vật nào trừ những loài chim nước chân dài như cò và hạc. Natron là một trong những khu hồ yên ả nhất châu Phi, nhưng cũng là nơi xuất xứ những bức hình tưởng như chỉ là ảo ảnh từng được ống kính con người ghi lại.
Hồ Natron có độ sâu khoảng 3m, phạm vi chiều rộng thay đổi tùy thuộc vào mực nước dưới tác động của sự bốc hơi do ánh nắng mặt trời, để lại trên bề mặt một hỗn hợp đậm đặc gồm muối và khoáng chất, chủ yếu là carbon và sodium bicarbonate (NaHCO3). Đây chính là hai thành phần chính làm ra chất natri cacbonat (NaCO3), phổ biến qua tên gọi Tro soda dùng trong kỹ nghệ sản xuất xà phòng giặt, đồng thời cũng là nguyên nhân khiến sinh vật nhanh chóng lâm vào thế bất động rồi "hóa thạch".
Hình ảnh những con vật hóa đá ở hồ Natron trong sự sắp đặt của nhiếp ảnh gia
Mặt nước hồ Natro có màu đỏ tươi do một loại vi khuẩn phát triển mạnh, tạo nên khung cảnh rất ấn tượng. Bất cứ ai chứng kiến màu nước hồ đều phải thốt lên: "Trái đất có thể tồn tại một nơi tuyệt đẹp đến vậy sao?". Thế nhưng, sau đó, người ta sẽ phải rùng mình vì không khí lạnh lẽo, ma quái nơi đây khi chứng kiến những bức tượng động vật bằng đá nằm khắp nơi xung quanh và trên mặt hồ. Những bức tượng đó không phải do con người sắp đặt mà chính là xác các loài vật vô tình... chạm vào mặt hồ mà hóa thành đá.
Những loài chim nhỏ hay các loài vật một khi dính phải nước hồ đều có một kết cục khủng khiếp là hóa thành đá trong phút chốc. Những cái xác ngâm trong nước hồ không phân hủy mà dần dần bị vôi hóa như là một quá trình "hóa đá" thực thụ. Không ai giải thích được điều gì khiến cho những sinh vật này lao mình vào mặt hồ chết chóc. Có vẻ như việc mặt nước trong veo và yên tĩnh phản chiếu nguyên vẹn những hình ảnh trên bờ khiến cho chúng lẫn lộn rồi tự tìm cái chết do đâm sầm vào dòng nước tử thần.
Nhiếp ảnh gia Nick Brandt viết trong bộ tác phẩm ảnh Dọc theo vùng đất bị tàn phá: "Chẳng ai biết được lý do tại sao những con vật này lại thiệt mạng, nhưng có vẻ như sự phản chiếu quá sắc nét của mặt hồ đã khiến chúng bị mất phương hướng, làm chúng nhào xuống hồ rồi chết".
Nhiếp ảnh gia Brandt hết sức bất ngờ khi chứng kiến khung cảnh hồ tử thần trong một lần tham quan nơi đây, ông đã sử dụng những cái xác động vật bị vôi hóa bởi nước hồ để tạo nên những tác phẩm vô cùng ấn tượng và ám ảnh. Brandt đã bị thu hút bởi những cái xác được bảo quản hầu như nguyên vẹn và đang trong tình trạng dần "hóa đá", trong đó bao gồm rất nhiều loài động vật khác nhau như dơi, hồng hạc, đại bàng... Để có được những tác phẩm đặc sắc, ông đã lựa chọn những "xác ướp" nguyên vẹn và sinh động nhất, sau đó xếp đặt chúng theo những tư thế như khi còn sống, tạo nên những bức tượng kỳ lạ.
Một góc hồ Natron
Lý giải của khoa học
Ông cho hay, nước ở đây có độ mặn cực cao, có thể xóa mực khỏi các hộp phim Kodak của nhiếp ảnh gia này trong vòng vài giây. "Độ kiềm pH mạnh đến nỗi những tấm ảnh chụp bằng phim Kodak nhanh chóng phai màu trong khoảnh khắc", Brandt cho biết.
Brandt tiếp tục: "Chất soda và muối trong nước khiến các sinh vật trên bị hóa vôi và giữ nguyên hình dạng bất động sau khi nước bay hơi hết". Theo các nhà khoa học, thứ nước trong hồ Natron thực sự là một môi trường chết chóc bởi nhiệt độ và lượng kiềm quá cao của nó.
Nước ở đây luôn có nhiệt độ vào khoảng 60 độ C, trong khi pH có thể đạt từ 9-10.5, tương đương với độ kiềm của amoniac, có thể đốt cháy da và mắt của các sinh vật không thích ứng được với nó. Nước hóa kiềm là do lượng sodium carbonate và các khoáng chất khác đổ xuống hồ từ những đồi xung quanh. Và lượng trầm tích sodium carbonate, từng được dùng để ướp xác vào thời Ai Cập cổ, cũng biến thành hóa chất giữ xác hiệu quả cho những con vật thiệt mạng vì nhiễm nước hồ. Các nhà khoa học cho rằng thành phần của nước hồ cũng tương tự như thứ hợp chất mà những người Ai Cập cổ đại đã sử dụng để bảo quản xác ước.
Nước trong hồ có nhiệt độ và độ kiềm cao trở thành cái bẫy chết người đối với bất cứ sinh vật nào. Vậy vì sao loài hồng hạc vẫn có thể sinh sống và tập trung về đây rất đông? Loài hồng hạc nhờ đôi chân bọc sừng dày nên có thể kiếm ăn trong lòng hồ. Chúng tìm ăn các loại vi khuẩn trong lòng hồ nhờ đôi chân dài có vỏ sừng dày, thậm chí còn làm tổ ngay sát mép nước. Tuy nhiên, đó là một canh bạc hết sức mạo hiểm. Ngoài những vi khuẩn này ra, trong hồ chỉ có một vài loài cá rô châu Phi là có thể sinh sống trong môi trường vô cùng khắc nghiệt và độc hại này.
Tuy nhiên, trên thực tế, chất kiềm của hồ Natron hỗ trợ hệ sinh thái dồi dào của các đầm lầy muối, các sinh vật sinh sống tại đây như hồng hạc và chim đầm lầy. Trong mùa giao phối, hơn hai triệu con hồng hạc cỡ trung (tên khoa học là Phoenicopterus minor) sử dụng vùng hồ cạn này làm nơi sinh sản chính tại châu Âu. Tổ của hồng hạc được xây trên các hòn đảo nhỏ nổi lên giữa hồ trong mùa khô.
Natron là một trong hai hồ nhiễm kiềm ở Đông Phi, hồ còn lại là Bahi. Cả hai đều là hồ ở điểm cuối, tức không thoát nước ra sông hoặc biển, trong khi vẫn nhận nước từ các suối nước nóng và những con sông nhỏ. Đó là lý do nhiệt độ nước hồ đôi khi có thể đạt đến 60 độ C.
Ông Brandt cũng tỏ ý tiếc cho hệ thống sinh thái trong hồ này có thể không tồn tại bao lâu nữa vì đang có dự án khai thác xút ở khu vực này, khiến nước hồ không còn độ mặn như từ đó đến nay.
Minh Anh (Theo New Scientist)