Bí ẩn khu lăng mộ của các dũng sĩ săn voi huyền thoại

Bí ẩn khu lăng mộ của các dũng sĩ săn voi huyền thoại

Thứ 4, 14/08/2013 14:32

Khu lăng mộ của các Gru (dũng sĩ săn voi rừng) nằm tại xã Krông Ana (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) đến nay vẫn bí ẩn đối với nhiều người. Khu lăng mộ này được xem là một thế giới biệt lập với bên ngoài, với nhiều nét kỳ lạ mà chẳng nơi nào có được.

Nơi yên nghỉ dành cho các dũng sĩ săn voi

Trong một lần trò chuyện với già làng Y Dư Niê (78 tuổi, người Ê Đê, ngụ huyện Buôn Đôn), chúng tôi tình cờ được già tiết lộ về "vương quốc voi" nằm khuất trong rừng sâu tại địa bàn xã Krông Ana, nơi dành riêng cho các dũng sĩ săn voi rừng của khu vực Tây Nguyên yên nghỉ. Vì quá tò mò, chúng tôi hỏi thăm đường đi từ già làng Y Dư Niê và nhanh chóng lên đường. Tìm đến xã Krông Ana khi trời đã chạng vạng tối, chúng tôi khá vất vả khi hỏi thăm người dân về khu lăng mộ của các Gru. Khi thấy chúng tôi đang đứng lơ ngơ bên đường, nhiều người dân tộc Ê Đê khuyên chúng tôi tìm nhà trọ nghỉ qua đêm, đến sáng mai mới có thể đến khu lăng mộ của các Gru được. Bởi khu lăng mộ này nằm trong rừng sâu, đường đi khá cách trở.

Dừng chân tại một nhà trọ nằm ngay trung tâm xã Krông Ana, chúng tôi may mắn gặp già làng Y Thi Niê (59 tuổi, dân tộc Ê Đê), người hiểu khá rõ về khu mộ của các Gru. Trong ánh lửa bập bùng bên hông nhà trọ, già Y Thi Niê chia sẻ: "Khu lăng mộ của các Gru nằm ngay trong cánh rừng già của xã Krông Ana. Đây là một thế giới biệt lập với thế giới bên ngoài và cuộc sống thường nhật của người dân. Nhắc đến khu lăng mộ của các Gru là nhắc đến những tù trưởng các bộ tộc tại Tây Nguyên hùng mạnh, sự hiện diện của vua Xiêm La (vua Thái Lan), những dấu tích của vua Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn".

Xã hội - Bí ẩn khu lăng mộ của các dũng sĩ săn voi huyền thoại

Già làng Y Dư Niê    

Sau một đêm trò chuyện với già Y Thi Niê về khu lăng mộ của các Gru, sáng sớm, chúng tôi được già đồng ý dẫn đường vào khu lăng mộ. Theo sự chỉ dẫn của già Y Thi Niê, chúng tôi men theo triền con sông Sêrêpốk để đi, hai bên là bạt ngàn những cây rừng. Trên đường đi, già Y Thi Niê cho biết khu lăng mộ của Gru đã có cách đây từ rất lâu. Khu lăng mộ này đến cả vua Xiêm La và vua Bảo Đại biết rất rõ. Không biết nguồn gốc từ đâu nhưng rất nhiều già làng đều khuyên răn con cháu rằng, khu lăng mộ của các Gru là nơi yên nghỉ của những chiến binh anh dũng, những chiến binh săn voi rừng chỉ có ở Buôn Đôn, ở Tây Nguyên.

Sau khi băng qua một đoạn đường rừng dài, già Y Thi Niê vạch lá rừng, giơ tay chỉ cho chúng tôi: "Ở phía trước là lăng mộ của các Gru, ngôi mộ to nhất là mộ của Y Thu Knul, được vua Xiêm La gọi Khun Su Nốp, có nghĩa vua săn voi". Sợ chúng tôi không biết rõ Y Thu Knul là ai, anh Y Thi Niê cho hay: "Ông Y Thu Knul là ông tổ của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng tại khu vực Tây Nguyên. Con cháu của Y Thu Knul kể lại rằng, trong thời gian ông còn sống đã bắt hơn 500 con voi rừng. Với biệt tài bắt voi rừng của mình, ông Y Thu Knul được người dân xem là một tù trưởng có nhiều thế lực, uy tín, được các tộc trưởng các tộc người ở Tây Nguyên và vua Xiêm La, vua Bảo Đại tôn trọng".

Sau khi làm lễ vái lạy trước khu lăng mộ của các Gru theo sự chỉ dẫn của già Y Thi Niê, chúng tôi mới dám đặt chân vào khu lăng mộ. Già Y Thi Niê cho biết: "Theo phong tục của người đồng bào dân tộc, nơi an nghỉ của Gru là khu vực cấm. Nếu không có việc gì thì không ai được phép vào vì như vậy sẽ quấy nhiễu người chết, làm kinh động các hồn ma. Còn đối với khu lăng mộ của các Gru này, việc xâm phạm lại càng là điều vô cùng cấm kỵ. Việc chúng tôi được đặt chân vào khu lăng mộ là do các vị thần linh đã đồng ý và chứng giám".

Vị tù trưởng duy nhất bắt được con voi trắng quý hiếm

Khu lăng mộ từng bị xâm phạm

Nhiều già làng ở xã Krông Ana cho biết, cách đây nhiều năm, khu lăng mộ của các Gru này bị kẻ gian tìm đến khoét mộ lấy hết vàng bạc của các già làng, tù trưởng. Trong đó, phần mộ của vua săn voi Khun Su Nốp và vợ là bị đục khoét nhiều nhất. Bọn trộm đã lấy đi những của cải báu vật mà vua Xiêm La, vua Bảo Đại, các tù trưởng gửi tặng cho cụ tổ. Nhưng nhiều nhất vẫn là của cải từ tục chia của cho người chết của đồng bào Ê Đê.

Đứng bên ngôi mộ của vua săn voi Khun Su Nốp, dễ dàng nhận thấy đây là ngôi mộ của một bậc vương giả giữa chốn rừng sâu, các họa tiết, chạm khắc trên mộ đều vô cùng tinh xảo. Chỉ tay về ngôi mộ bên cạnh, già Y Thi Niê chia sẻ: "Đây là ngôi mộ của vợ vua săn voi Khun Su Nốp, người mà vua săn voi yêu quý nhất. Khi xây dựng ngôi mộ này, con cháu đã thiết kế một đường hầm bí mật để dẫn vào khu chính lăng mộ của vua săn voi Khun Su Nốp". Theo sự chỉ dẫn của anh Y Thi Niê, chúng tôi men theo bức tường rêu xanh đi xuống phía dưới. Chạm tay lên một bức tường, chúng tôi nhận ra có hàng loạt dòng chữ bằng tiếng Pháp và tiếng M'Nông".

Thấy chúng tôi dò đọc từng chữ, già Y Thi Niê bật mí: "Những dòng chữ trên là những chiến công trong việc săn bắt voi rừng của vua săn voi Khun Su Nốp. Trong đó, có chiến công vang danh nhất là việc vua săn voi Khun Su Nốp từng bắt được con voi trắng (bạch tượng) quý hiếm. Chính nhờ việc bắt được con voi này mà danh tiếng của vua săn voi Khun Su Nốp vang danh bốn phương. Vì tin rằng voi trắng là hiện thân của bậc vua chúa nên khi thuần dưỡng xong con voi này, Khun Su Nốp đã gửi tặng cho vua Xiêm La nên được ông vua này kết nghĩa tình thân. Vì mến mộ chiến công này, vua Bảo Đại nhiều lần đề nghị vua săn voi Khun Su Nốp tháp tùng trong những chuyến đi săn của mình. Khi vua săn voi Khun Su Nốp chết đi, chính vua Bảo Đại đích thân thiết kế lăng mộ cho ông".

Tiếp tục tìm hiểu về khu lăng mộ của các Gru, chúng tôi tìm đến ngôi mộ của già làng Y Dot Knul, nằm cách đấy không xa. Ngôi mộ của già Y Dot Knul tuy không bề thế như mộ ông tổ săn voi, nhưng không vì thế mà mộ của già Y Dot Knul kém phần đặc biệt. Mộ được xây kiên cố, chóp hình chữ V ngược, tường mộ được trang trí hoa văn bí hiểm, và được khắc hình 3 chú voi ngà dài đang trong thế ung dung rảo bước giữa rừng già. Dựa trên thông tin ở bia đá, cho thấy già làng Y Dot Knul mất năm 81 tuổi. Trên mộ ghi chiến công: "Bắt và thuần dưỡng 28 con voi rừng". Theo già Y Thi Niê, vào thời điểm già Y Dot Knul chết, con cháu, người dân trong làng tổ chức đám ma rất lớn. Trong đám ma, các già làng cho đẽo hình 4 con công ngồi trên ngà voi, là biểu trưng của người giàu có, uy tín, được dân làng nể trọng.

Rời khỏi nơi an nghỉ của già Y Dot Knul, chúng tôi ghé sang mộ phần của già làng Y Tép Bu Dăm (thọ 72 tuổi), mộ của già làng Y Wớt Knul (thọ 82 tuổi) và hàng chục ngôi mộ của các già làng khác. Những ngôi mộ này, cho thấy rõ những chiến công của các già làng trong việc thuần dưỡng voi rừng. Già Y Thi Niê tâm sự: "Khu lăng mộ của các Gru từ lâu được người dân khắp các tỉnh Tây Nguyên xem là vương quốc voi của các dũng sĩ săn voi rừng. Khu lăng mộ này ghi dấu những chiến công hào hùng, oanh liệt của bao thế hệ già làng của người dân Tây Nguyên".   

Ghi nhớ về cội nguồn cha ông

Ông Y Lươm Knul (phó chủ tịch UBND xã Krông Ana) cho biết: "Tại nơi an nghỉ của những Gru huyền thoại, những ngôi mộ bề thế với hình ảnh loài voi rừng hiện diện khắp nơi gắn liền với chiến tích của người nằm dưới mộ. Khu lăng mộ kỳ bí này đã góp phần nhắc nhở con cháu luôn nhớ về tổ tiên, nguồn cội cũng như tự hào về một thế hệ cha ông kiên cường, anh dũng".

Trần Nga

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.