Trong chuyến khảo sát vào tháng 6 vừa qua, các chuyên gia khảo cổ đã thu về hàng nghìn bức ảnh, bao gồm hơn 3.000 ảnh chụp nhiều thân cây lớn của một khu rừng cổ đại.
Các nhà nghiên cứu Ba Lan và Lithuania cho biết khu rừng này có ít nhất 10.000 năm tuổi, chúng đang bị chìm dưới nước ở làng Juodkrante gần thành phố Klaipėda ven biển phía tây Lithuania.
Các dấu tích còn sót lại cho biết, đây là khu rừng tồn tại cuối thời Canh Tân trong kỷ Băng Hà. Khi băng tan chảy, nước biển Baltic dâng lên, khiến khu rừng bị ngập chìm trong nước.
Các nhà nghiên cứu hi vọng, khu vực có thể từng là nơi ở của con người và chắc chắn họ sẽ tìm thấy bằng chứng về quá trình định cư của người nguyên thủy.
Trước đó không lâu, thợ lặn Dawn Watson, 45 tuổi, đã phát hiện khu rừng rộng lớn hàng ngàn mẫu Anh có niên đại 10.000 năm ở dưới đáy Biển Bắc tồn tại ngoài khơi Norfolk từ thời kỳ đồ đá, rất có thể khu rừng bị biến mất này có thể trải dài đến châu Âu.
Tại đáy biển, Watson đã phát hiện những cây sồi cao 8m ở dưới đáy biển. Một số người cho rằng khu rừng cổ này đã bị nước biển nhấn chìm khi băng tan khiến mực nước biển tăng lên 120m.
Các chuyên gia dự định sử dụng phương pháp carbon phóng xạ để kiểm tra niên đại những cây cổ xưa dưới đáy Biển Bắc này.
Cuối tháng 5 vừa qua, khu rừng từ thời tiền sử 5.000 tuổi đã xuất hiện trên bãi biển gần làng Borth, Ceredigion sau khi cơn bão Hannah ở Wales càn quét qua.
Được biết, khu rừng từng trải dài hơn 4,8 km dọc theo bờ biển từ Ynys-las và Borth nhưng cuối cùng bị chôn vùi dưới nhiều lớp than bùn, cát và nước biển.
Theo các chuyên gia, khu rừng chìm dưới nước gồm nhiều loại cây như thông, tống quán sủ, sồi, thuỷ tùng và cáng lò. Những cây trong rừng ngừng phát triển cách đây 4.500 - 6.000 năm, khi nước biển dâng lên và lớp than bùn dày hình thành.
Không chỉ vậy, tại bãi biển, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện một bức tranh gốm mô tả lại thảm họa năm xưa.
Minh Anh (Nguồn BBC, The NYT, Pinterest)