Vào rừng để tìm đến cái chết
Rừng Aokigahara là một khu rừng hoang sơ, cây cối rậm rạp với thảm thực vật dày nằm bên dưới chân của núi Phú Sĩ, Nhật Bản. Nơi đây đã trở nên nổi tiếng không chỉ bởi vẻ đẹp của nó mà vì nó được chọn là một nơi lý tưởng của những người muốn tự tử. Nghe có vẻ hoang đường, nhưng thực chất hàng năm, người ta tìm thấy hơn 100 thi thể người tự tử trong rừng Aokigahara.
Năm 2004, người ta tìm thấy 108 người tự vẫn trong khu rừng này, phá vỡ kỷ lục của năm 2002 là 78 người. Chỉ mới đầu tháng 5/2006 đã xảy ra ít nhất 16 vụ tự tử và còn rất nhiều thi thể chưa tìm ra được. Theo hồ sơ lưu của của cảnh sát địa phương, 247 người đã cố tự tử trong rừng Aokigahara năm 2010, trong đó 54 người đã đạt được mục đích. Tuy nhiên, theo giới quan chức địa phương và người dân nơi đây thì con số thực tế còn cao hơn nhiều.
Câu chuyện về một người đàn ông trở về từ cõi chết luôn được người dân Nhật Bản nhắc đến như một lời khuyên cho những ai có ý định tự tử. Taro là một người đàn ông 50 tuổi đã từng hạnh phúc, có công việc và có nơi để ở. Thế nhưng, chuyện không may đã xảy ra khi ông bị sa thải khỏi nhà máy cán thép. Đối với Taro thì đó là điều khủng khiếp nhất, ông không còn cảm thấy khao khát sống nữa, ông sợ phải đối mặt với một đống nợ nần và việc sẽ bị đuổi khỏi căn hộ mà công ty cho thuê. Taro đã quyết định mua tấm vé một chiều tới khu rừng Aokigahara, phía Tây của Thủ đô Tokyo.
Khi tới đây, Taro bắt đầu cứa cổ tay. Tuy nhiên, vết cắt chưa đủ sâu để ông có thể chết ngay. Theo lời kể lại của Taro thì lúc đó, ông bắt đầu đi lang thang trong rừng. Sau nhiều ngày, ông bắt đầu cảm thấy kiệt sức và nằm trong những bụi cây, gần chết vì đói, khát và tê cóng. May thay, có một người đi bộ trong rừng đã vấp vào cơ thể bất động của ông và gọi người tới cứu. Một năm sau ý định tự sát không thành, Taro đã trở thành tình nguyện viên của trung tâm tư vấn giúp ông có thể đứng vững trên chính đôi chân của mình.
Câu chuyện của Taro chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn trường hợp tìm tới Aokigahara mỗi năm. Theo thống kê của cơ quan cảnh sát quốc gia (NPA) thì tỉ lệ tự tử ở Nhật Bản là 25,8/100.000 người cao nhất trong số các nước phát triển và gấp đôi ở Mỹ. Câu chuyện về những con số, những vụ tự tử trong khu rừng luôn là mối quan tâm và lo ngại của cảnh sát, của kiểm lâm cũng như những quan chức địa phương nơi đây.
Những tấm biển cảnh báo được chính quyền địa phương đặt khắp rừng
Bí mật ẩn chứa đằng sau khu rừng tự sát
Khu rừng còn có tên gọi khác là Jukai (hay Biển cây) là một trong số ít rừng nguyên sinh còn sót lại của Nhật Bản. Nền đất chủ yếu là núi lửa và nhiều hang hốc. Nhiều người cho rằng tất cả những vụ tự sát ở đây đều bắt đầu sau khi nhà văn Seicho Matsumoto cho xuất bản cuốn tiểu thuyết Black Sea Trees vào năm 1960.
Câu chuyện cùa nhà văn Seicho Matsumoto kết thúc với hai người yêu nhau tự tử trong rừng Aokigahara và do đó rất nhiều người tin đó là mở đầu cho phong trào tự sát ở đây. Tuy nhiên, theo một nguồn tin thì lịch sử tự sát ở đây còn diễn ra trước cả khi cuốn tiểu thuyết Black Sea Trees được xuất bản.
Một số người tin vào tâm linh, ma quỷ và cho rằng khu rừng Aokigahara có liên quan đến quỷ dữ. Nhiều câu chuyện đã được những người dân nơi đây thêu dệt lên, họ cho rằng khu rừng Aokigahara là nơi cư ngụ của những linh hồn người chết yểu hoặc bị đột tử. Mỗi gốc cây trong khu rừng đều ẩn chứa một nguồn năng lượng ma quái khiến cho bất kỳ ai tới đây cũng cảm thấy buồn chán và nghĩ đến chuyện gửi thân nơi này.
Còn chính quyền địa phương thì cho rằng rừng Aokigahara là nơi cực kỳ lý tưởng để giấu xác, vì thế những bộ xương được phát hiện trong khu rừng này có thể xuất phát từ một vụ mưu sát nào đó. Ngoài ra cũng không thể bỏ qua nguyên nhân về nền văn hóa Nhật Bản.
Ở một số nước, tự tử là một điều không thể chấp nhận được cả về mặt xã hội, tôn giáo hay đạo đức. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, điều này chưa bao giờ bị cấm mà ngược lại còn được tôn vinh, giống như việc một chiến binh Samurai sẽ tự mổ bụng tuẫn tiết khi bị thất thủ hoặc khi chủ bị giết để tránh bị rơi vào tay quân thù và bị làm nhục.
Để tìm lời giải đáp khoa học cho khu rừng bí ẩn Aokigahara, suốt 30 năm qua, người đàn ông có tên Azusa Hayano là một nhà địa chất học đã tình nguyện tham gia tìm kiếm những người tới Aokigahara tự tử và đôi khi, ông đã cứu sống được nhiều người. Ông đã dựng một cuốn phim tài liệu với tên gọi Jukai để chia sẻ những kinh nghiệm và những xúc cảm ông đã trải qua suốt 30 năm qua.
Trong bộ phim tài liệu đó, ông đã kể lại cách phát hiện ra những manh mối cũng như những tâm tư của một người vào những giây phút cuối cùng trước khi từ bỏ cuộc đời hoặc đôi khi là ngộ ra giá trị của cuộc sống hiện tại. Những thước phim như tái hiện lại sự tĩnh lặng đến ám ảnh xung quanh những thi thể tự tử được tìm thấy trong rừng, từ những di vật mà họ để lại.
Tất cả đều toát lên sự đau khổ và do dự trước khi quyết định quyên sinh. Mối quan tâm sâu sắc nhất của ông là đôi khi những cái chết lại xuất phát từ một niềm đam mê điên dại và ông muốn góp công sức nhỏ bé của mình nhằm ngăn chặn tình trạng này diễn ra.
Dù có khá nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng bí ẩn về khu rừng tự sát dưới chân núi Phú Sỹ vẫn bị bỏ ngỏ. Giờ đây, khu rừng trở nên lãnh đạm và là một địa điểm ám ảnh đáng sợ nhất đối với người dân Nhật Bản. Vì có quá nhiều vụ tự sát hàng năm tại nơi đây, nên chính quyền địa phương và kiểm lâm đã đặt những tấm biển báo trong khắp khu rừng nhằm kêu gọi những người có ý định tự tử hãy nghĩ về gia đình và về tương lai của họ.
"Cuộc sống của bạn là một món quà quý giá từ cha mẹ bạn. Xin hãy nghĩ tới cha mẹ, anh chị em và con cái. Đừng nghĩ riêng cho mình…" hay "Hãy suy nghĩ lại. Xin hãy tham khảo ý kiến của các nhà tư vấn trước khi bạn có ý định tìm đến cái chết". Ngoài ra, những chiếc camera an ninh cũng được lắp đặt ở cửa rừng để giảm bớt tỷ lệ tự sát.
Nguyễn Sen