Tuy nhiên không phải ai cũng biết rằng, để có được một lăng mộ bề thế và nguy nga như vậy, trước khi nhắm mắt, Tôn Trung Sơn cũng chính là người đi khảo sát phong thủy để tìm ra một chỗ an nghỉ ngàn thu cho mình.
Đệ nhất lăng mộ Trung Quốc cận đại
Nằm dựa vào ngọn núi Tử Kim tại cố đô Nam Kinh, từ dưới nhìn lên, cả cụm kiến trúc lăng mộ của Tôn Trung Sơn trông rất hùng vĩ và bề thế. Mặt bằng cả khu lăng mộ có dáng hình như một chiếc chuông khổng lồ, mà đỉnh chuông là quảng trường hình bán nguyệt dưới chân núi. Lăng mộ của Tôn Trung Sơn được xây theo trục nam bắc cao dần lên, lần lượt là quảng trường, cổng chào đá, đường mộ, cửa lăng, đình bia, tế đường và cuối cùng là mộ thất.
Được biết, cụm kiến trúc này được khởi công năm 1926 ở ngoại ô phía đông cố đô Nam Kinh. Công trình hoàn thành sau đó 3 năm và đến tháng 7/1929, linh cữu Tôn Trung Sơn được đưa về đây an nghỉ. Sở dĩ Nam Kinh được chọn làm nơi an nghỉ của Tôn Trung Sơn vì đây chính là nơi ông tạo nên nghiệp lớn, sáng lập ra nhà nước Trung Hoa mới và chấm dứt chế độ phong kiến kéo dài suốt mấy ngàn năm. Bản thân Tôn Trung Sơn lúc sinh thời cũng có tâm nguyện được an táng trên núi Tử Kim.
Nếu nhìn một cách toàn diện, Lăng Tôn Trung Sơn là một công trình kiến trúc khổng lồ được xây dọc theo sườn núi. Phần lăng mộ được xây dựng theo kiến trúc của các lăng mộ hoàng đế Trung Quốc có kết hợp các chi tiết kiến trúc hiện đại. Phong cách kiến trúc lăng Trung Sơn là sự kết hợp giữa truyền thống Trung Quốc với phương tây. Núi non hùng vĩ cùng với các kiến trúc của lăng Trung Sơn Nam Kinh đã được nối thành một chỉnh thể bởi những thảm cây xanh rộng lớn, rừng tùng bách lâu niên và hệ thống bậc thang cao ngút tầm mắt.
Theo đánh giá của các nhà phong thủy, địa thế lăng mộ của quốc phụ Tôn Trung Sơn quá đắc đạo, “phía trước nhìn ra vùng sông nước phẳng lặng mênh mang, phía sau dựa vào ngọn núi sừng sững, khí thế hùng vĩ và tráng lệ”. Có thể khẳng định rằng, nếu như chọn xây lăng mộ thì không có nơi nào có thể có địa thế đẹp hơn ngọn núi Tử Kim. Từ đó, có thể thấy rằng, vị “quốc phụ” của Trung Hoa không chỉ có một tầm viễn kiến chính trị và con mắt phong thủy cũng sâu sắc không kém bất cứ thầy phong thủy cao tay nào.
Thế phong thủy "đỉnh" tựa núi, nhìn sông
Thực chất, 12 năm trước khi qua đời, Tôn Trung Sơn trong một buổi viếng thăm Lăng Minh Hiếu của người khai sinh ra nhà Minh- Chu Nguyên Chương đã bất ngờ trước vị thế hùng vĩ và phong cảnh hữu tình tại nơi đây. Thực tế trong thời gian này, Tôn Trung Sơn đã nhìn ra địa thế phong thủy độc đáo của ngọn núi Tử Kim và chính cái địa thế phong thủy ấy mới chính là lý do ông nhất định yêu cầu được chôn tại nơi đây. Vì vậy, chỉ trong 3 tháng ngắn ngủi sống ở Nam Kinh, Tôn Trung Sơn đã nói với người thư ký của mình rằng: “Sau này hãy chôn tôi ở đây”.
Theo những tư liệu mà người con trai cả của vị quốc phụ này có ghi chép lại thì trong một lần đến thăm Hiếu lăng của Chu Nguyên Chương tại chân núi Tử Kim, khi đến một nơi gọi là chùa Bán Sơn, lưng tựa vào núi, trước mặt là sông, phong cảnh vô cùng hùng vĩ, Tôn Trung Sơn cảm khái nói: “Địa thế nơi này còn tốt hơn cả thế Độc long phụ của Hiếu lăng, phía trước có sông, phía sau lại dựa núi, địa thế thực là hùng vĩ. Nếu nói theo phong thủy, đây gọi là trước có gương chiếu, sau có chỗ dựa, hai bên trái phải có cát vây quanh, lại thêm sông Tần Hoài uốn lượn ở xung quanh, thực sự là một nơi đặt mộ hoàn hảo. Tại sao với vị thế đẹp như thế này mà Chu Nguyên Chương lại không chọn nơi này để xây dựng Hiếu lăng cho mình?”. Vì thế trước khi rời núi Tử Kim ra về, Tôn Trung Sơn đã ngụ ý rằng, ông muốn thi hài của mình sẽ được chôn cất tại ngọn núi này.
12 năm sau khi vị Quốc phụ này qua đời, vợ ông là Tống Khánh Linh thể theo nguyện vọng của chồng đã cùng một số người thân cận lên núi Tử Kim để tìm chỗ xây dựng lăng mộ. Tuy nhiên, núi Tử Kim là một ngọn núi khá lớn, địa điểm mà Tôn Trung Sơn lựa chọn lại không đánh dấu lại, cũng không ai nhớ được một cách chính xác. Vì thế phải mất một thời gian khá dài, bà Tống và con trai cả của Tôn Trung Sơn và Tôn Khoa mới có thể tìm được địa điểm thích hợp nhất để tiến hành xây dựng lăng mộ.
Trong đoàn đi tìm nơi chôn cất của phu nhân Tôn Trung Sơn có nhiều ý kiến cho rằng, phải đặt mộ Tôn Trung Sơn cao hơn so với mộ của Chu Nguyên Chương, ngụ ý, công trạng của Tôn Trung Sơn to lớn hơn, vĩ đại hơn nhiều so với ông vua khai quốc triều Minh. Tuy nhiên, vì biết rõ người chồng của mình rất sùng bái ông vua khai quốc triều Minh này, nên việc xây dựng lăng mộ như vậy chắc chắn không phải là nguyện vọng của vị “quốc phụ” họ Tôn.
Phải mất 1 tuần “quần thảo” những ngọn núi trên dãy Tử Kim, mọi người trong đoàn tìm kiếm mới phát hiện ra một khu vực có cảnh sắc khác thường- đó là núi Tử Mao nằm trong dãy núi Tử Kim. Tống Khánh Linh cảm thấy địa thế khu vực này rất tốt, chính vì vậy đã quyết định lựa chọn nơi đây để đặt mộ cho Tôn Trung Sơn.
Vì sao Tống Khánh Linh lại chọn núi Tiểu Mao làm nơi đặt lăng mộ Tôn Trung Sơn? Các chuyên gia phong thủy cho rằng, vào thời nhà Minh, nơi có địa thế phong thủy tốt nhất của núi Tử Kim chính là nơi xây dựng Hiếu lăng của Chu Nguyên Chương với địa thế “Độc long phụ”. Tuy nhiên, cho tới thời điểm đầu thế kỷ 20, “vương khí” của địa thế Độc long phụ này đã suy yếu, núi Tiểu Mao trở thành nơi tụ khí long mạch của dãy Tử Kim.
Từng mong dựng lăng mộ giống Napoelon
Sau 6 tháng phát động, cuối cùng kiến trúc sư trẻ tuổi Lã Ngạn Trực đã giành giải nhất với mẫu thiết kế Lăng Trung Sơn độc đáo. Tác phẩm hội tụ những đặc trưng kiến trúc Đông Tây, phản ánh cuộc đời cách mạng vinh quang của Tôn Trung Sơn và qua đó thể hiện sâu sắc lòng tôn kính của nhân dân Trung Quốc dành cho bậc lãnh tụ này. Được biết, có phương án để xây dựng lăng mộ phải đáp ứng đầy đủ được 4 yêu cầu sau: Thứ nhất, có tính cổ xưa độc đáo; thứ hai là mang nghĩa tưởng nhớ; thứ ba là có tinh thần kiến trúc mang phong cách của Trung Quốc; thứ tư là phải dùng cẩm thạch để xây dựng.
Ban đầu, ý tưởng thiết kế ban đầu về lăng mộ Tôn Trung Sơn của kiến trúc sư Lữ Ngạn Trực là xây dựng theo kiểu Napoleon. Tuy nhiên, với ngân khố của một đất nước còn loạn lạc như Trung Quốc bấy giờ, nếu để xây dựng theo đúng mô hình lăng mộ theo kiến trúc của hoàng đế nước Pháp thì không khả thi vì quá tốn kém. Được biết, mộ của Napoleon chia làm hai tầng. Tầng dưới là một vòng mộ xây dựng bằng đá cẩm thạch, sâu 8m, quan tài bằng đá của Napoleon được đặt ở giữa. Bao quanh quan tài có 6 lớp, các đồ vật quý báu được để trong cùng. Với một số tiền có hạn nên kiến trúc sư Lữ Ngạn Trực đã từ bỏ ý định táo bạo này của mình.
Thay vì kiến trúc lăng mộ tốn kém của Napoleon, Lữ Ngạn Trực đã tiến hành xây dựng lăng mộ cho vị quốc phụ Trung Hoa theo hình một “chiếc chuông”. Nhìn từ trên xuống, bản thiết kế của Lã Ngạn Trực có hình dáng tựa như một quả chuông vĩ đại, ngụ ý ca ngợi tiên sinh Tôn Trung Sơn đã “thức tỉnh dân chúng”. Đây là một thiết kế vô cùng độc đáo với kiến trúc hết sức kiên cố, vững chắc, phù hợp với quan niệm truyền thống của Trung Quốc cũng như tinh thần và khí khái của Tôn Trung Sơn.
Theo thiết kế, cổng chính của Lăng Tôn Trung Sơn nằm ở chân núi trong một quảng trường hình bán nguyệt. Phía Nam quảng trường là một chiếc đỉnh, biểu tượng quyền lực và sự thống nhất của Trung Quốc. Từ cổng chính tới nhà mộ có một hệ thống bậc thang cực lớn với 392 bậc rộng 50 mét, chiều dài tổng cộng 480 mét, hai bên có trồng nhiều loại cây cảnh.
Ở trên cùng của hệ thống bậc thang là một cổng cao 16 mét, rộng 27 mét, phía trên có khắc bốn chữ theo đúng bút tích của Tôn Trung Sơn "Thiên hạ vi công" (Của cải trong thiên hạ đều là của chung). Phía sau cổng là nhà mộ nơi quàn thi hài của Tôn Trung Sơn, đây là một điện dài 30 mét, rộng 25 mét và cao 29 mét. Trung tâm của điện là bức tượng Tôn Trung Sơn cao 4,6 mét.
Công trình được khởi công vào mùa hè năm 1926, nhưng vì chính cục rối ren nên mãi tới 3 năm sau, vào mùa xuân năm 1929 việc xây dựng mới hoàn tất. Có một điều đáng tiếc là kiến trúc sư Lã Ngạn Trực đã không có dịp tận mắt nhìn ngắm tác phẩm của mình, ông mất vì bệnh ung thư gan trước đó ít lâu ở tuổi 36!
Hải Hiền (theo wenhua)