Hang động Postojna nằm cách thủ đô Ljubljana (Slovenia) chừng 1 giờ lái xe về phía tây nam. Bên trong hang rất rộng lớn, thậm chí có cả đường sắt riêng, từ lâu đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn khách bậc nhất ở châu Âu nói chung và Slovenia nói riêng.
Người dân địa phương biết tới hang Postojna suốt nhiều thế kỷ, bắt đầu từ năm 1818 sau chuyến đi của Franz I - Hoàng đế La Mã cuối cùng của châu Âu. Kể từ đó, du khách tìm tới đây du lịch nhiều hơn.
Bên cạnh khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, điều khiến hang Postojna trở nên nổi tiếng chính là sinh vật kỳ lạ sống bên trong hang động. Theo đó, hang Postojna là nơi sinh sống của manh giông (Proteus anguinus), loài vật được ví như "rồng non" vì có ngoại hình giống với sinh vật được mô tả trong truyền thuyết với lớp da trắng hồng, không vảy, các chi có màng mỏng.
Trong quá khứ, cư dân địa phương tin rằng có rồng sống ở đây. Họ nghĩ làn sương mù ấm áp phun ra từ hang vào mùa đông là hơi thở của rồng dù thực chất đó là kết quả từ nhiệt độ ổn định bên trong hang. Khi dòng sông chảy ra hang bị ngập và cuốn theo những con manh giông chết đuối, người dân xem chúng như con non của loài rồng lớn hơn ẩn nấp ở hang.
Theo National Geographic, manh giông là động vật ăn thịt. Chúng có thể dài 30 cm, có khả năng tái tạo chi, sống tới 100 năm và nhịn ăn hàng chục năm. Các nhà khoa học đang giải mã ADN của chúng để tìm hiểu về khả năng tái tạo và thích nghi tuyệt vời này.
Hiện manh giông nằm trong nhóm động vật có nguy cơ tuyệt chủng do số lượng ít cùng với môi trường ô nhiễm dưới lòng đất. Ngày nay, chúng vẫn là loài bí ẩn, quý hiếm, nằm trong danh mục dễ tổn thương của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) do thiếu dữ liệu.
Một trong những nơi thích hợp nhất để nghiên cứu và tăng cường bảo tồn manh giông chính là Công viên hang động Postojna.
Gần đây nhất, Ban quản lý Postojna thông báo đã có 30 con manh giông non chào đời trong hang động, một kỷ lục về tỷ lệ sống sót. Trong tự nhiên, ước tính chỉ có 2 trong số 500 quả trứng manh giông nở thành công. Tại Postojna, ít nhất 30 - 43 quả trứng đã nở, gấp đôi tỉ lệ năm 2016 và là minh chứng cho nỗ lực chăm sóc của các cán bộ ở Postojna.
Minh Hoa (t/h)