Tờ Nation cho hay Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu Anh dẫn độ nữ cựu Thủ tướng Yingluck về nước.
Đại sứ quán Thái Lan ở London đã gửi công văn hôm 5/7 tới Anh kèm bản sao phán quyết của toà án tối cao nước này trong vụ án bà Yingluck cùng lệnh bắt giữ nhân vật này.
Công văn cũng trích dẫn hiệp ước dẫn độ ký kết giữa hai nước Thái Lan và Anh vào năm 1911.
"Chúng tôi không thể bắt giữ người đang ở quốc gia khác, vì vậy chúng tôi trông chờ nước Anh bắt và đưa (bà Yingluck) về Thái Lan", Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha phát biểu hôm 31/7.
Trước đó, ông Chan-ocha được cho là đã đề cập vấn đề này khi hội đàm với Thủ tướng Anh Theresa May trong chuyến thăm London hồi tháng 6. Anh chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.
Tháng 8/2017, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra rời khỏi Thái Lan để tránh việc ngồi tù sau cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi của bà bị cáo buộc khiến Thái Lan thất thoát hàng tỷ USD ngân sách.
Em gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người cũng bị lật đổ trong đảo chính giống bà Yingluck, bác bỏ mọi cáo buộc và cho rằng phiên tòa xét xử bà có động cơ chính trị.
Đến tháng 9/2017, tòa án Thái Lan đã tuyên án vắng mặt đối với bà Yingluck, mức án 5 năm tù. Chính phủ nước này cũng cho biết sẽ tìm mọi cách để xác minh nơi ở và đưa cựu Thủ tướng về nước.
Bà Yingluck được tin là đang ở Anh. Các bức ảnh và clip cho thấy bà đang ở đâu đó gần London được phát tán trên mạng xã hội. Một video gần đây cho thấy bà Yingluck cùng anh trai là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra tổ chức sinh nhật hồi tuần trước.
Hồi tháng 1, Tướng Srivara Ransibrahmanakul, phó cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan cho hay văn phòng Cảnh sát hoàng gia Thái Lan sẽ liên hệ với giới chức Anh thông qua Interpol nhằm truy tìm tung tích của cựu nữ Thủ tướng Yingluck.
Sự việc diễn ra sau khi một bức ảnh chụp bà Yingluck cùng một phụ nữ khác đăng trên tài khoản Twitter @legjournalist cùng trang Facebook Andrew MacGregor Marchall và được cho là ở Anh. Đây là bức ảnh thứ hai có hình ảnh nghi là của cựu Thủ tướng Yingluck ở Thủ đô của Anh. Bức ảnh lần trước được phát tán vào ngày 26/12/2017.
Ông Thaksin cũng đang sống lưu vong ở nước ngoài để trốn án tù sau các phán quyết của toà án Thái Lan.
Hồi cuối tháng 5, có thông tin cho rằng bà Yingluck đã được cấp visa Anh có thời hạn 10 năm dù giới chức nước này vẫn chưa xác minh được tung tích của bà.
Gia đình nhà Shinawatra đã chi phối nền chính trị Thái Lan suốt gần 2 thập kỷ qua và tạo ảnh hưởng lớn đến lực lượng ủng hộ cũng như họ hàng, mặc dù cả hai người đều đang sống lưu vong ở nước ngoài.
Ông Yingluck và anh trai là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, cũng là một người bị phế truất, đã trở thành tâm điểm trong cuộc đấu chính trị phủ bóng chính trường Thái Lan suốt hơn 1 thập kỷ qua.
Cuộc đấu này diễn ra giữa một bên là phe trung thành với hoàng gia Thái Lan và giới tinh hoa quân đội, và bên kia là nhà Shinawatra cùng những người ủng hộ họ ở vùng nông thôn phía Bắc và Đông Bắc đất nước.
Hiện chưa rõ vì sao Chính phủ Thái Lan phải đợi đến thời điểm này mới đề nghị Anh dẫn độ bà Yingluck, hay phía Anh sẽ trả lời ra sao.
Cuộc tổng tuyển cử được chờ đợi từ lâu của Thái Lan sẽ diễn ra vào năm 2019, và cả ông Thaksin lẫn bà Yingluck đều vẫn có ảnh hưởng chính trị quan trọng.
Chính quyền quân sự Thái Lan từ lâu vẫn nói rằng họ không có gì phải lo ngại về anh em nhà Shinawatra, nhưng giới phê bình nói rằng quân đội đang tìm cách chấm dứt ảnh hưởng chính trị của gia tộc này bằng cách đưa ra một hiến pháp mới và những hạn chế đối với các đảng phái chính trị.