Bí ẩn miếu thiêng trong 'khu rừng ma trận'

Bí ẩn miếu thiêng trong 'khu rừng ma trận'

Thứ 4, 14/08/2013 14:06

Hầu hết người dân ở thôn Khe Váp, xã Bắc Lãng huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn đều mang họ Lã. Điều đặc biệt này xuất phát từ truyền thuyết về một vị tướng đã đánh đuổi giặc khỏi khu vực này. Sau khi vị tướng đó chết, người dân nơi đây đã lập miếu thờ tại khu rừng Đông Quan.

Khu rừng ma trận

Đó là khu rừng Đông Quan ở đầu làng Khe Váp. Trong khu rừng này có một ngôi miếu cổ, bên cạnh là những cây gỗ quý như dẻ, lim... Theo người dân thôn Khe Váp thì bất kỳ kẻ nào dám xâm phạm đến "lãnh địa" này mà không xin phép thần linh đều sẽ bị trừng phạt. Ông Lã Văn Sáng, một người dân trong làng cho hay: "Ngày xưa, có người trong bản đang cày thì bị đứt dây kéo. Anh ta bèn vào rừng Đông Quan tìm dây. Khi tìm được dây thì anh cũng chẳng tìm được lối ra, khu rừng không rộng lắm, là người dân bản địa, thế mà anh cứ đi lòng vòng rồi lại về chỗ cũ. Anh biết mình đã động chạm đến khu rừng thiêng. Anh cúi xin thần linh tha tội, khi anh đứng dậy thì thấy cánh cổng ra khỏi rừng ở ngay trước mắt".

Lạ & Cười - Bí ẩn miếu thiêng trong 'khu rừng ma trận'

 Ngôi miếu thiêng ở "khu rừng ma trận"

Người dân địa phương vẫn nhớ câu chuyện về bà Năm ham lợi đã tự ý vào rừng khoét nhựa một cây trám ở rìa rừng thiêng và bị trừng phạt. Bà Năm bị ốm liệt giường, gia đình chạy chữa khắp nơi cũng đều bất lực. Gia đình đi xem bói mới biết bà xâm phạm đến rừng thiêng, con cháu trong nhà đã làm lễ xin thần tha tội. Khi con cháu về đến nhà đã thấy bà Năm đi lại bình thường.

Còn rất nhiều những trường hợp "phạm" đến rừng đều bị trừng phạt. Có người vào rừng chặt cây thì tự chặt vào chân; trâu bò "mài" (tức húc - PV) vào cây rừng thiêng, sau đó chết không rõ nguyên nhân. Theo quan niệm của dân bản, nếu dân làng để xảy ra hiện tượng chặt phá rừng, động chạm đến thần miếu thì sẽ bị thần linh trừng phạt. Khi đó, cả bản sẽ bị đau, ốm, mùa màng thất bát, làm ăn thua lỗ. Từ sự trùng hợp đó, nên người dân chẳng ai dám "xâm phạm" đến khu rừng thiêng Đông Quan nữa.

Cả làng làm lễ cúng thần miếu

Do sự thiêng liêng đó nên cả làng vẫn thường xuyên thờ cúng "thần miếu". Được biết, bất kỳ công việc gì trong làng đều thông qua "thần rừng", từ đặt tên con, dựng nhà đến cưới vợ… Ông Lã Minh Sơn, người trông nom "miếu thần", đồng thời cũng là thầy mo, cho biết: "Việc chọn người trông coi miếu là công việc cực kỳ khó khăn. Dân làng chọn ra ba người có đức có tài để đến hỏi ý kiến thần linh tại khu miếu. Khi thầy tung tráo chỉ, người nào đoán đúng cả ba lần thì mới được thầy chọn kế nhiệm. Người nào được trông nom miếu thì cả đời không được ăn thịt chó. Vì, theo quan niệm của người Tày, ăn thịt chó vào, người đó sẽ không thể nào hiểu được thế giới thần linh nữa".

Cũng theo ông Sơn thì, việc cúng "thần miếu" được chia làm 3 lần mỗi năm. Đó là ngày 2 tháng 1 âm lịch. Lần cúng này là cầu sức khỏe cho cả năm. Tháng 3 và 7 là hai lần cúng để cầu mùa màng bội thu. Cúng tháng 7 do người trông nom miếu tự chọn ngày. Ngày đó được coi là ngày hội của làng. Cả làng góp lợn để thịt liên hoan. Nhà ai có gà, bánh kẹo, rượu góp cái đó và đều phải mang cúng ở miếu trước khi ăn. Trong lúc cúng, họ phải cầu  mong cho cả năm no ấm. Sau khi thầy làm lễ xong, cả làng sẽ tụ họp nhau để liên hoan, ăn uống linh đình tại miếu. "Đây cũng là dịp để nâng cao tình làng nghĩa xóm", ông Sơn cho hay.

Lạ & Cười - Bí ẩn miếu thiêng trong 'khu rừng ma trận' (Hình 2).

 Ông Lã Minh Sơn đang làm lễ cúng thần miếu

Vị tướng giữ bình yên ở làng một họ

Miếu thiêng là "vũ khí" bảo vệ rừng

Ông Sơn cho biết, trong khi các thôn, xã trong vùng bị chặt phá, khai thác rừng trái phép nhiều nhưng riêng rừng Khe Váp vẫn giữ được số diện tích rừng đáng nể. Sở dĩ những cánh rừng còn giữ được các loại gỗ quý như dẻ, lim, trám... là do tín ngưỡng thờ "thần cây" của người dân và việc tin chuyện, "phạm" vào rừng thiêng sẽ bị trừng phạt.

Ông Sơn cho rằng, người khai sinh ra vùng đất này chính là một tộc trưởng có tên là Mã Pác Bó. Ngày đó, tộc trưởng này lên Khe Váp đánh giặc đã ở lại hướng dẫn người dân trong làng làm ăn sinh sống. Khi cuộc sống người dân đang yên bình thì giặc phương Bắc tràn vào. Lúc này có một vị tướng tên là Sà Châu Ba Yên, tuân theo lệnh vua nhận nhiệm vụ đánh đuổi giặc. Vị tướng này có tài bắn súng kíp lừng danh. Ông có thể chỉnh nòng súng kíp để bắn một phát mà cả đoàn ngựa quân thù ngã ngửa. Trước khi chết, ông lên khu rừng Đông Quan ở đầu làng rồi bắn một phát súng kíp chứa đầy 3 chén thuốc nổ. Trước khi bắn ông hô to: "Cả bản nghe tiếng súng này thì hãy nhớ đến công ơn của ta và phải thờ ta". Sau này, người Tày tại Khe Váp đã dựng mếu để thờ vị tướng này.

Ông Hà Văn Châu, nguyên trưởng thôn Khe Váp cho rằng: Trước đây làng có 5 họ: Họ Lã, Trần, Lý, Bàn và họ Hà. Người đến khai hoang, khai sinh ra bản là người họ Hà. Khi thấy đất bạc màu thì họ lại kéo nhau đi. Tiếp theo rồi những người họ Trần, họ Lý, họ Bàn cũng đặt chân đến trồng trọt, hết vụ rồi họ lại đi du canh, du cư ở địa phương khác. Đến thời kỳ lúa nước, người họ Lã nhìn thấy những thung lũng này không lo thiếu nước cày cấy, họ ra sức khai hoang và cải tạo. Đến thời vụ, thóc lúa đầy bồ, họ Lã đã không chuyển đi nữa mà ở lại định canh, định cư tại vùng đất này.

Mỗi khi nhắc đến thôn Khe Váp, người ta lại liên tưởng đến "bản một họ". "Hiện nay cả thôn có 20 nóc nhà, trong đó vẫn còn 4 nhà họ Hà thấy đất lành nên cũng ở lại sinh sống cùng. Tuy nhiên không phải người trong họ không cho con cháu lấy người ngoài họ. Nhưng thường thì con gái đi lấy chồng sẽ theo chồng, con trai lấy vợ sinh con thì con lại mang tên bố. Chính vì vậy, người mang họ Lã chiếm đại đa số", ông Châu cho biết.

Ông Châu còn ví von rằng, "lịch sử" thôn Khe Váp có thể gói gọn trong một câu: "Miếu thần rừng Đông Quan là dấu ấn của tục thờ "thần rừng" còn sót lại, còn thôn họ Lã như một minh chứng cho cuộc chuyển đổi từ di canh, phá rừng, đốt nương làm rẫy, sang định canh, định cư của người dân miền núi".

Tín ngưỡng thờ "thần cây, thần rừng" đã ngấm vào tiềm thức của từng thế hệ người dân Khe Váp. Do đó, họ luôn có ý thức chăm sóc, bảo vệ rừng. Năm 2000, Nhà nước có chính sách "giao đất giao rừng", người dân Khe Váp đã thực hiện rất nghiêm chỉnh. Thay vào việc đi chặt rừng, khai thác rừng như những địa phương khác, người dân Khe Váp đã tích cực phủ xanh đất trống, đồi trọc. Được biết, có những gia đình đã trồng trên 10ha cây thông, cây keo và hiện nay đã đang cho khai thác. Người dân bán lâm sản đã có tiền mua ô tô, xây nhà ngói. Cuộc sống đang dần thay da đổi thịt ở vùng đất này.  

Hoàng Thế Tào

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.