Vào ngày 11/9, bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập đã phát hiện một bộ quan tài bí ẩn được cho là bảo quản các xác ướp từ hơn 2.500 năm qua tại Saqqara, một khu di tích cổ nằm cách thủ đô Ai Cập về phía Nam khoảng 20km – nơi có kim tự tháp Djoser.
13 quan tài chưa được mở nắp, được tìm thấy xếp chồng lên nhau trong một giếng sâu gần 12m.
Điều đáng chú ý, mặc dù trong môi trường không mấy tốt để bảo toàn xác ướp nhưng những quan tài này hoàn hảo đến mức vẫn còn rõ nguyên thiết kế và màu sắc chi tiết ban đầu.
Họ tin rằng đây là các quan tài cổ nhất thế giới được tìm thấy. Trong những ngày tới, các nhà khảo cổ học dự kiến sẽ tiếp tục khai quật, khám phá di chỉ này.
Trước khi phát hiện ra bộ quan tài cổ đại này, các nhà khảo cổ học đã khai quật được nhiều quan tài khác tại di chỉ Saqqara hồi đầu năm nay.
Vào tháng 4, các nhà khảo cổ học đã khai quật được 4 quan tài chứa các xác ướp, cùng với 5 quan tài bằng đá vôi trong cùng một trục chôn cất.
Có một câu hỏi lớn được đặt ra, rằng có câu chuyện kỳ bí nào không khi người ta phát hiện ra bên trong những quan tài Ai Cập thường có vài ba lớp quan khác?
Việc lồng nhiều quan tài khi chôn cất không chỉ thể hiện đó là tầng lớp thượng lưu, mà người Ai Cập tin rằng việc này sẽ giúp người qua đời liên hệ với tổ tiên của họ.
Những người ở cấp bậc cao nhất, như các pharaoh, sẽ được chôn trong quan tài nhiều lớp và quách đá, và thường được trau chuốt rất tỉ mỉ.
Bên ngoài quan tài, người quá cố được mô tả như thần Osiris, với một xác ướp có bộ tóc giả màu xanh sọc và khuôn mặt trang nghiêm. Quan tài được sơn vecni màu vàng hoặc dát vàng xung quanh.
Các hoa văn trang trí là hình ảnh các vị thần Osiris và Amun-Ra.
Lớp trong cùng của quan tài trang trí giống như những trang phục tốt nhất của người quá cố khi còn sống. Đây là lớp quan trọng nhất bởi nó thể hiện mục tiêu của việc chuyển sang thế giới bên kia.
Hiện nhiều chiếc quan tài được tách rời các lớp và chúng được phân tán rải rác khắp thế giới.
Các nhà Ai Cập học hy vọng giới khảo cổ quốc tế sẽ hợp tác để tập hợp và lắp ráp lại nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu sâu hơn về văn hóa Ai Cập cổ đại.
Tuy nhiên, các rào cản về luật pháp và lợi ích quốc gia đã cản trở và khiến điều này khó trở thành hiện thực.
Nguyên Anh (Nguồn ABC News)