Làng có vỏn vẹn 13 hộ gia đình và hơn 50 nhân khẩu. Ngoài những em nhỏ đang bắt đầu đi học tiểu học thì cả làng chỉ duy nhất cụ bà 73 tuổi là người lớn biết chữ. Thế nên, mỗi khi đi nhận phụ cấp, hỗ trợ hay cần phải ký vào một văn bản nào đó là cả làng chỉ biết dùng tay... điểm chỉ.
Nguồn gốc ngôi làng và nghĩa địa lạ
Ngôi làng này được hình thành một cách đặc biệt, do vợ chồng ông Lự Văn Đựa khai hoang lập nên từ những năm kháng chiến chống Pháp. Vậy nên ngôi làng này được gọi theo tên người khai sinh ra nó là Cả Đựa. Từ UBND xã Phúc Đường để lên được bản Cả Đựa không còn con đường nào khác là phải vượt qua cả chục km đường rừng, đồi núi lầy lội, gồ ghề với những khe suối và dốc núi cao. Bản Cả Đựa nằm sâu trong tận "lõi rừng", bốn bề được bao phủ bởi đồi núi trùng điệp bốn mùa sương giăng, thâm u và huyền bí.
Theo lời kể của một đồng nghiệp, cách đây mấy năm, khi anh vào rừng cùng đoàn khảo sát địa chất thì bị lạc vào khu làng mang tên Cả Đựa. Lúc đầu, mọi người trong đoàn không khỏi rùng mình khi phát hiện trong rừng sâu này lại có những ngôi mộ khá kỳ bí. Mãi sau mới biết họ đã lạc vào nghĩa địa và đó là nơi chôn cất những thế hệ đầu tiên của làng này.
Bà con nơi đây tỏ ra ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ cầm bút tập viết chữ.
Những năm ấy cuộc sống của con người nơi đây khá tạm bợ theo kiểu "nay ăn mai nhịn". Nhóm khách được anh Liên - thuộc đời thứ 3 của dòng họ mời cơm. Rồi hàng ngày, họ cùng anh Liên đi vào rừng đặt bẫy, săn bắt các con cầy, cáo, gà rừng, chim chóc, các loại rắn, có hôm bắt được những con chuột giang to béo nặng đến 2kg. Sau khi đi săn về, lại cùng nhau xuống suối cuốc đất, be bờ, tát nước bắt cá...
Sau đó anh Liên cưới vợ. Vợ anh là một cô gái miền xuôi. Một đám cưới bình dị diễn ra giữa núi rừng đại ngàn với những món ăn dân dã. Vì toàn là con cháu của ông Cả Đựa nên mọi người xúm lại góp gạo, góp thức ăn lại để tổ chức cho anh Liên. Nhóm của anh bạn đồng nghiệp của tôi cũng có mặt và cùng một số người hì hục leo dốc, đi bộ cả ngày trời để về xuôi mua 2 lít dầu hỏa mang lên. Dầu hỏa đổ vào trong ống giang, lấy giẻ rách nút lại, rồi dốc ngược cho đến lúc dầu thấm ra giẻ, sau cùng là bật lửa lên làm đuốc lấy ánh sáng cho đêm cưới, chính đêm hôm đó mọi người uống rượu sắn, ca hát đến khuya mới ra về...
Trở lại câu chuyện về ngôi làng đặc biệt này, anh Liên đưa chúng tôi đi gặp "lão làng" thuộc thế hệ thứ nhất của làng. Người ta thường gọi bà với cái tên đầy kính trọng - bà Cố. Thực chất thì bà Cố cũng chưa cao tuổi, theo lời kể thì bà về đây từ những năm 1970. Ông Cố (Cả Đựa) có hai vợ, người vợ trước sinh được 5 người con (anh Liên là cháu ngoại của ông Cố). Bà cả mất sớm nên ông Cố lấy bà, và bà cũng sinh được 3 người con.
Nhắc đến câu chuyện khai sơn lập địa của ông Đựa, bà Cố cho biết, bà đến sau nên chỉ nghe ông kể lại. Ông là người Thái, gốc ở miền núi phía Tây Nghệ An. Năm đó, ông Cố đã rời bỏ quê hương xứ Nghệ, một mình vào rừng kiếm sống. Suốt bao năm tháng "ăn hang ở lỗ" trong rừng, cho đến một hôm ông đi săn tại vùng đồng bằng này và phát hiện ra ở đây có suối nước, có bùn lầy, có dải đất rộng. Nhận thấy đây là vùng đất có thể trồng sắn, trồng lúa được nên ông đã về đưa bà cả đến đây khai hoang, lập nghiệp. Những ngày đầu lên đây cực khổ lắm, đói triền miên, ngày tháng cứ trông chờ vào củ sắn, củ khoai chứ không có gạo. Cũng may, dựa vào rừng mới sống được, bởi lúc nhàn rỗi thì đi kiếm củ mài, rau rừng và các loại hoa quả dại.
Từ trong cơ cực, những người con của ông bà Cố lớn lên khỏe mạnh. Họ tự tìm kiếm cho mình một người vợ, người chồng rồi đưa về vùng "quê cha đất tổ" này sinh sống. Từ đó hình thành nên một làng sống trong rừng toàn anh em và gọi làng đó theo tên người sáng lập - làng Cả Đựa.
Hàng chục năm nay, các hộ dân nơi đây vẫn đeo bám cùng sự đói nghèo, lạc hậu.
Duy nhất một người biết chữ
Chuyện này nếu người nghe lần đầu không tin, bản thân lãnh đạo UBND xã Phúc Đường khi nhắc lại câu chuyện với chúng tôi vẫn thảng thốt giật mình. Trước năm 2010, khi sự học còn chưa phổ cập đến đây thì làng Cả Đựa chỉ duy nhất một cụ bà ngoài 70 tuổi biết chữ.
Ông Lê Đình Dân, Trưởng thôn Cả Đựa cho biết: Trước năm 2010, bản Cả Đựa có 13 hộ dân với 49 nhân khẩu, tất cả đều là con em dân tộc Thái. Sự khó khăn về địa hình, giao thông hiểm trở khiến người dân nơi đây không thoát khỏi cái đói, cái nghèo và mù chữ. Ở bản hầu hết thanh niên trai tráng đến tuổi trưởng thành đều đi khắp nơi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình, đa phần họ thất học.
Gặp chúng tôi, chị Lư Thị Hoan (SN 1978) tâm sự: "Dân bản ở đây vất vả lắm! Để có cái ăn, hàng ngày dân bản đều phải vào rừng đốn củi đốt than đem xuống chợ Vạn Thành, huyện Nông Cống cách mấy chục cây số đổi lấy gạo, mua cá khô, nước mắm... dùng cho cả tháng. Gia đình nào không xuống chợ được thì cả tháng phải ăn muối trắng, rau rừng. Xuống xuôi thấy người ta viết chữ mà tôi thèm được viết lắm, nhưng đường xa và khó đi.
Theo lời ông Dân, từ năm 2010, nơi đây được Nhà nước đầu tư, xây dựng nhà ở đến từng hộ gia đình, phá núi làm đường. Có đường, có nhà ở, cần phải có cái chữ để mở mang kiến thức cho con em trong làng. Ban đầu, chính quyền địa phương cử giáo viên lên làng mở lớp dạy học. Nhưng, giao thông đi lại khó khăn, đời sống người dân còn lạc hậu nên tỉ lệ trẻ em đi học rất ít, lớp học không mở được. Các em nhỏ muốn tìm chữ phải cõng gạo xuống núi học.
Hiện nay, hầu hết trẻ con trong làng Cả Đựa đã được vận động xuống núi đi học cái chữ. Nhưng con đường "chinh phục" con chữ của các em cũng lắm gian nan. Để đến được với trường học, các em phải vượt hơn 10km đường núi hiểm trở. Vì đường xa nên hầu hết các em nhỏ ở đây phải ở lại trường học, một hai tuần mới về lấy gạo một lần. Có những gia đình, hai đến ba con đều đi học nên hàng tuần các phụ huynh phải cõng gạo, thức ăn vượt bộ đường rừng hơn 10 km xuống núi thăm con.
Hiện nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, con đường vào làng Cả Đựa đã được mở rộng. 13 hộ dân làng Cả Đựa đã được xây dựng 13 ngôi nhà mới theo Chương trình 167 và Chỉ thị 08 của Tỉnh ủy Thanh Hóa. Mừng vì cuộc sống đã dần thay đổi, những người lớn tuổi trong thôn mơ ước được đến với con chữ, với văn minh của cuộc sống mới. "Tôi chỉ cần có ai đó dạy cho mình biết vài cái chữ, miễn sao có thể ký tên vào giấy là được. Cứ mỗi đợt đi lấy gạo cứu đói phải dùng ngón tay điểm chỉ vào tờ giấy, ngượng lắm", chị Lê Thị Thường, một người dân làng Cả Đựa bày tỏ.
Mở lớp xóa mù Ông Nguyễn Văn Len - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Như Thanh cho biết, vừa qua, thực hiện chương trình xóa mù ở một số địa bàn khó khăn, phòng GD&ĐT huyện Như Thanh đã khai giảng lớp xóa mù tại làng Cả Đựa (xã Phúc Đường). Tham gia lớp học có 19 học viên là người dân sinh sống trong làng Cả Đựa chưa hề biết chữ. Các học viên được học tập theo chương trình xóa mù do bộ GD&ĐT soạn thảo. Lớp học diễn ra từ tháng 3 đến hết tháng 5/2013, toàn bộ chi phí sách vở, cơ sở hạ tầng và phương tiện học tập được Nhà nước cấp, người dân rất phấn khởi học cái chữ để không phải điểm chỉ nữa. |
Cao Tuân