Bí ẩn ngôi làng mắng chửi bằng... thơ

Bí ẩn ngôi làng mắng chửi bằng... thơ

Thứ 7, 21/12/2013 10:59

Là một làng thuần nông nhưng trong ngôi làng Hoàng Dương (xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội) từ già tới trẻ ai cũng yêu và biết làm thơ. Bất kể khi vui hay buồn, bận bịu hay nhàn tản, thơ luôn là người bạn, người tình của họ. Với họ, cuộc sống hiện tại không thể vắng bóng thơ ca.

“Người ta vá áo bằng kim/Mẹ ơi con hỏi vá tim bằng gì?”

Làng Hoàng Dương hay còn gọi là làng Chùa, ngôi làng này có điều đặc biệt, bởi rằng, trong bất kỳ các hoạt động mang tính tập thể nào của đời sống xã hội, người dân cũng đan xen, vận dụng linh hoạt với thơ ca. Ngay đầu cổng làng đã có tấm biển với dòng chữ: “Thuộc một câu thơ hay thì quên đi một câu chửi độc”. Tấm biển này luôn nhắc nhở con cháu truyền thống yêu thơ ca của làng từ bao đời nay.

Nói đến phong trào thơ ca nơi đây, khách từ xa đến sẽ lạ lẫm bởi sự hoạt động rầm rộ, quy mô và tinh thần đoàn kết của người dân làng Thơ. Trước hết phải kể đến hội Thơ làng Chùa do cụ Nguyễn Xướng Đức và Ngô Đức Bích thành lập vào năm 1982 (của thế kỷ trước). Lúc đầu, hội Thơ chỉ có 10 hội viên, là những người làm thơ chuyên nghiệp của làng, nhưng rồi dân trong làng đam mê thơ cũng xin gia nhập hội Thơ. Đến nay, hội Thơ làng Chùa có tất cả 41 hội viên, từ già trẻ, gái trai, chưa kể hàng trăm cộng tác viên thường xuyên cộng tác với Hội.

Xã hội - Bí ẩn ngôi làng mắng chửi bằng... thơ

Lễ tổng kết cuộc thi thơ được tổ chức vào năm 2012 với sự tham gia của tất cả các tác giả đến từ các tỉnh thành trong cả nước.

Ông Lê Xuân Sủng, Hội trưởng hội Thơ làng Chùa cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức cuộc thi sáng tác thơ. Ví dụ khi mùa xuân về, ngày Quốc khánh đến hoặc nghìn năm Thăng Long chẳng hạn... để các hội viên và toàn thể nhân dân của làng cùng tham gia sáng tác. Hội Thơ cũng kết hợp chặt chẽ với nhà trường để phát triển tài năng cũng như đưa phong trào thơ ca của ông cha ta từ ngàn đời vào cuộc sống.

Có rất nhiều cháu học sinh tiểu học, hưởng ứng các cuộc thi, thơ của các cháu có những câu rất hồn nhiên, đơn giản nhưng cũng rất lạ: “Quanh vườn nhà em/ Tía tô, ngải cứu/ Lá lốt, sương sông/ Ông bảo cây thuốc/ Do tay ông trồng”,  đó là những câu thơ trong bài Mảnh vườn nhà em của em Nguyễn Thúy Hằng học sinh lớp 5 sáng tác. Thế mới biết, thơ ca thật giản dị, nó đến từ những thứ gần gũi nhất trong cuộc sống quanh ta.

Người dân làng Chùa vẫn còn nhớ mãi “Trạng thơ” của làng mình. Đó là vào năm 2008, em Ngô Thị Thoa, học sinh lớp 8 sáng tác bài thơ mang tên Đêm buồn nhớ mẹ. Trong bài thơ này, có hai câu đầy cảm xúc khiến cho người trong làng còn nhớ mãi: “Người ta vá áo bằng kim/ Mẹ ơi, con hỏi vá tim bằng gì?”. Nội dung bài thơ này là câu chuyện thực về hoàn cảnh gia đình của em Thoa. Bố Thoa bị tâm thần phải vào trại, mẹ lấy chồng khác và sống trong miền Nam. Thoa ở với bà. Đọc được bài thơ, người mẹ đã từ trong Nam ra và đón Thoa vào ở cùng. Sau đó, người dân trong làng cũng không biết cuộc sống tiếp sau đó của “Trạng thơ” như thế nào.

Phong trào thơ ca đã trở thành nét văn hóa truyền thống của làng, Trưởng thôn, ông Ngô Đức Đạo tự hào: “Cả làng có 280 hộ, gần 1.300 nhân khẩu, cả làng đều tham gia làm thơ, viết thơ mỗi khi phát động phong trào. Cứ tối thứ năm, đài phát thanh lại đọc những bài thơ hay do người làng sáng tác, hay đọc những bài thơ trong những tập thơ mới xuất bản.

Những buổi sinh hoạt, các cuộc thi thơ đã trở nên quen thuộc, như món ăn tinh thần không thể thiếu với người dân trong làng. Họ xem đó là một phần của cuộc sống. Vào tối thứ 5 hàng tuần, trên loa phát thanh của làng sẽ có chương trình đọc thơ, bài thơ do tất cả những người yêu thơ sáng tác, không phân biệt trong và ngoài làng. Những bài thơ sẽ được các cụ có kinh nghiệm thẩm duyệt và trao giải. Những bài thơ xuất sắc sẽ được tập hợp và in thành tập thơ chung của làng. Thơ ca được khuyến khích phát triển, từ bậc tiểu học trong mỗi lần phát động cuộc thi thơ với các chủ để khác nhau cũng nhận được hàng trăm bài thơ thật trong sáng, có những cách ví von đến lạ và những tưởng tượng mà chỉ độ tuổi ấy mới có thể thốt lên thành lời.

Xã hội - Bí ẩn ngôi làng mắng chửi bằng... thơ (Hình 2).

Ông Lê Xuân Sủng, Hội trưởng hội Thơ làng Chùa.

Dùng thơ để... mắng nhau

Ở làng Chùa, người ta không nghe thấy tiếng hàng xóm chửi nhau, không còn tiếng cãi vã vợ chồng, tiếng mẹ mắng con. Tất nhiên, những mâu thuẫn, bất bình trong cuộc sống là điều không thể tránh được và người dân giải quyết nó bằng... thơ. Mọi hành vi thiếu văn hoá, những việc làm sai trái sẽ được nhắc nhở tế nhị bằng cách làm thơ đọc trên loa. Đây là một cách nhắc khéo, nhằm xóa bỏ những hiềm khích giữa mọi người nhưng cũng là nét sinh hoạt cộng đồng rất nhân văn. Người ta mắng con cái bằng lời lẽ thô tục, hay không tự giác trong việc bảo vệ môi trường làng xóm đều được “mã hoá” bằng thơ. Những nhắc nhở tế nhị bằng thơ như: Khuyên vợ thì khuyên bằng lời/ Can chồng thì chọn lẽ, chọn lời mà can/ Hay gì câu tục câu càn/ Chồng quéo vợ muỗm còn bàn vào đâu/ Dại gì túm tóc xé nhau/ trước thì phạm pháp/ Còn sau nát nhà...”.

Điều lạ nữa là, ở làng Chùa, thơ theo trẻ nhỏ đi học, theo các mẹ, các chị ra đồng, theo các ông bà dạy bảo con cháu. Đất nước hội nhập, phát triển kinh tế kéo theo sự phát triển của làng quê và xuất hiện những thói hư, tật xấu, phát huy vai trò của thơ ca, các cụ và người dân trong làng đã sáng tác những câu thơ để căn dặn con cháu: “Đừng say đánh bạc/ đừng say đánh đề/ Đừng say tá lả/ Say quá hóa mê/ Vợ con gọi về/ Mắt quầng đuổi đánh” hay “Ở ăn có dưới có trên/ Ông, bà, cha, mẹ một niềm kính tôn”, đó là cách ứng xử trong đời sống hàng ngày.

Xã hội - Bí ẩn ngôi làng mắng chửi bằng... thơ (Hình 3).

Một số tác phẩm thơ của làng Chùa.

Thơ ca không chỉ có giá trị giải trí, mà nó còn mang mục đích giáo dục đạo đức của con người cho bà con, trong nếp sống, sinh hoạt hàng ngày ở làng Chùa. Thơ dạy tầng lớp thanh thiếu niên trong làng sống sao cho phải đạo làm người, biết yêu quê hương đất nước, biết chăm ngoan, học giỏi, tuân thủ luật giao thông: “Đường làng ngõ, ngách như răng bừa/ Ra vào xe máy chớ chạy đua/ Phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn/ Tai nạn, có phen rạn sọ dừa”.

Người dân trong làng Chùa, từ già tới trẻ, ai cũng yêu thơ, cảm thấy thơ là một phần của cuộc sống của mình. Cụ Nguyễn Gia Tế, 84 tuổi là một người gắn bó và yêu thơ chia sẻ: “Không phải cả làng ai cũng biết làm thơ nhưng cả làng yêu thơ, đưa thơ vào cuộc sống với những câu rất vần, rất ý nghĩa. Thế nên trong làng không có ai mắc vào các tệ nạn cờ bạc: “Những ai đánh bạc, đánh đề/ Hãy ngừng ngay lại mà nghe vài lời/ Phải đâu tôi dám dạy đời/ Chỉ xin nhắc lại những lời người xưa...”.

Cụ Tế cũng nói thêm: “Nếu như ông bà, bố mẹ còn dùng roi vọt dạy con, bị phát hiện, sẽ bị các cụ “chửi bằng thơ” như thế này: “Dạy con không dạy bằng lời/ Bà dùng roi đánh tơi bời thế a/ Chửi con bới cả ông cha/ Con hư hay chính tại bà cũng hư” hoặc “Chẳng nên lớn tiếng thét la/ Cậy quyền cha, mẹ, ông, bà, chị, anh...”. Đó là những vần thơ khéo léo khuyên nhủ mọi người dạy bảo con cháu, sao cho tốt đời đẹp đạo.                             

Thơ là cuộc sống của người dân làng Chùa

Với người dân làng Chùa, thơ hướng đến mọi tầng lớp khác nhau, với đề tài đa dạng và muôn thuở. Thơ luôn vận động cùng cuộc sống. Thơ ca không phải là thứ gì quá cao xa mà là sự ghi nhận về cuộc sống đời thường, thơ chan chứa tình cảm ngọt ngào và phê phán thói hư một cách nhẹ nhàng. Với những quan niệm, sự gắn bó và tình yêu thơ ca đã ngấm vào máu, thơ đang khiến cho đời sống tinh thần người dân làng Chùa đẹp thêm bội phần. Nó là sợi dây vô hình gắn kết con người nơi đây, xóa bỏ khoảng cách về tuổi tác, trong những buổi đàm luận, sinh hoạt thơ tất cả đều là chiến hữu, đồng chí. 

Trang Thu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.