Vị trí “lưng tựa sơn, chân đạp thuỷ”
Niềm vui và sự thỏa nguyện của bà Thiêm ngày một tăng lên. Niềm tin vào thế giới tâm linh thần bí cũng càng được củng cố khi sự thật về ngôi mộ cổ từng bước được hé lộ. Ban đầu là sự trùng khớp trong lời kể của anh Nam với giấc mơ của bà và em gái. Sau đó là những dấu tích được tìm thấy xung quanh ngôi mộ.
Bà Thiêm nhớ lại: Mặc dù tôi đã tìm được chứng tích thực từ giấc mơ của mình ở Đồng Hới vào tháng 6/2012, nhưng do nhiều vấn đề khách quan, đến ngày 26/9/2012 tôi mới chỉ cho anh Nam đào, tìm được một tấm bia nhỏ. Tấm bia đó, chất liệu là đá hoa cương (granit) đã được mài phẳng một mặt để viết chữ, hai cạnh bên mài vát, còn mặt lưng của tấm bia vẫn để nguyên dạng là đá granit tự nhiên (bia dài 25cm, rộng 10,5cm, chỗ dày nhất là 6cm, nặng 2,1kg). Chiếc chìa khóa để mở tiếp những bí ẩn xung quanh ngôi mộ nằm ở 5 chữ được khắc sâu trên bia". Bà Thiêm cho biết, người đầu tiên đọc được 5 chữ đó là TS. Mai Hồng (viện Nghiên cứu Hán Nôm). Tiến sỹ Hồng đã khẳng định chắc chắn, 5 chữ đó là Lý Kiều Oanh công chúa.
> Đọc thêm: Giấc mơ kỳ lạ và hành trình tìm mộ cổ 1000 năm (1)
Cuộc khai quật mộ cổ tại nhà anh Phạm Văn Nam dưới sự chứng kiến của đông đảo các nhà nghiên cứu, chính quyền địa phương và người dân tháng 12/2012.
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường cho biết: "Tôi đã rất vui khi được bà Thiêm mời vào Đồng Hới, Quảng Bình đúng ngày 6/6/2012 để quan sát bước đầu khi ngôi mộ mới chỉ hé lộ vài viên gạch. Tuy nhiên, vì nhiều công việc khác nhau mà đến cuối tháng 12 năm đó, lần thứ hai trở lại Quảng Bình với bà Thiêm, tôi mới có những quan sát trực tiếp, kỹ lưỡng về phần mộ cổ đặc biệt này. Quả thật, kiến trúc xây dựng mộ và những di vật tìm được xung quanh ngôi mộ khiến chúng tôi, những người làm khoa học chân chính tin rằng, có một sự thật lịch sử nào đó nằm sâu dưới lớp đất đá vô tri vô giác kia. Đó cũng là động lực thôi thúc chúng tôi mong muốn đi đến cùng của những khảo cứu nghiêm túc".
Trước đây, phần mộ được nhà anh Nam phát hiện ở khu vườn ngay trước nhà khi đào hầm trú ẩn vào năm 1972. Nhưng vì sợ nên anh Nam đã không đào tiếp, và xây dựng lại cơ ngơi để nó làm khoảng sân từ đó cho tới nay. Vì thế, bà Thiêm cũng như các nhà nghiên cứu không gặp nhiều khó khăn trong quá trình cơi nới và khoanh vùng khảo cổ.
Theo như những khảo sát ban đầu, mộ có cổng, từ mộ nhìn ra phía đông nam chếch 36 độ là biển, phía tây nam là dòng sông Nhật Lệ uốn lượn cùng với núi Thần Đinh. Hai bên mộ có hai cột ghi những dòng chữ Hán đã bị thời gian làm mờ, rất khó để đọc theo cách nhìn thông thường. Có thể khẳng định, ngôi mộ được đặt ở một địa thế đẹp, phong thủy, đầu gối vào núi, chân duỗi ra biển, sông ôm bên phải trấn biên thùy. Nhiều mảnh sành sứ nhỏ vỡ đã được tìm thấy là những tư liệu quý để khẳng định sự tồn tại của mộ cổ nghìn năm là có thật. T
rong những tư liệu được phát hiện ở khu vực khai quật mộ, điều làm các nhà nghiên cứu chú ý nhất là các hiện vật được xác định ở nhiều niên đại khác nhau. Có khoảng 34 mảnh bát, đĩa, ấm, chén của thế kỳ XIX - XX, có những mảnh bát từ thế kỷ XVII - XVIII, riêng tấm bia bằng chất liệu đá granit thì được khẳng định chỉ có thể ở thời Lê theo như những nghiên cứu trước đó về các loại đá gắn liền với các thời đại ở Việt Nam.
Bia đá khắc dòng chữ Lý Kiều Oanh công chúa được tìm thấy khi khai quật mộ cổ.
Ngôi mộ cổ tìm thấy là... Lý Kiều Oanh công chúa!
GS. TSKH. Phạm Minh Hạc, chủ tịch hội đồng, Viện trưởng viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng con người cho rằng: "Việc bà Hoàng Thị Thiêm có giấc mơ lạ dẫn dắt tìm đến ngôi mộ cổ ở Đồng Hới, Quảng Bình đã khai quật trong thời gian qua là một sự kiện hết sức có ý nghĩa với lịch sử, văn hóa, đời sống tinh thần, tâm linh người Việt. Phạm trù thời gian "quá khứ - hiện tại - tương lai" là một dòng chảy có sự giao lưu tinh thần của các vị tiên liệt, cha ông, tổ tiên với những người đương thời và giữa người đương thời với mai sau. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có được những kết quả chính xác nhất về "thân phận" của ngôi mộ cũng như chủ nhân đích thực của nó. Nhưng tôi có thể khẳng định, giá trị lịch sử sẽ được trả về với đúng nghĩa của nó bằng những việc làm khoa học và trách nhiệm". |
Căn cứ vào giấc mơ của bà Hoàng Thị Thiêm và những phát tích từ nhà anh Nam ở Đồng Hới, Quảng Bình, nhiều người đã khẳng định ngôi mộ cổ được tìm thấy là mộ phần của công chúa Lý Kiều Oanh. Thế nhưng, với những gì tìm thấy sau khi khai quật, nhiều ý kiến khác lại cho rằng chưa thể khẳng định đó là mộ phần của công chúa. Chính vì vậy, vào tháng 6/2013 mới đây, một cuộc hội thảo khoa học về ngôi mộ cổ mới phát tích tại Đồng Hới, Quảng Bình đã được diễn ra. Cuộc hội thảo do viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam, UBND phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh cùng ban liên lạc họ Lý Việt Nam phối hợp tổ chức tại Đền Đô, Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường bày tỏ quan điểm: "Có hai khả năng có thể xảy ra. Một là, di hài của công chúa đã được hỏa táng và tro cốt vẫn nằm trong khuôn viên nhà anh Nam. Lý do là bởi trong nghiên cứu lịch sử đã khẳng định thời nhà Lý không có tục chôn xác người mà có tục hỏa táng. Hai là, mộ của công chúa nằm trong khuôn viên nhà anh Nam, không nhất thiết chỉ ở khu vực tường bao như đã khoanh vùng khảo cổ. Vì vậy, muốn có được câu trả lời chân xác thực cho vấn đề đang gây nhiều tranh cãi này cần có thời gian khảo cổ sâu hơn và kỹ hơn để đưa sự thật trở về với đúng ý nghĩa và giá trị nhân bản của nó".
Thông qua hội thảo, nhiều ý kiến đã được đưa ra với nhiều suy nghĩ khác nhau về việc tìm thấy ngôi mộ cổ ở Quảng Bình. TS. sử học Đinh Công Vỹ, nguyên cán bộ viện Nghiên cứu Hán Nôm cho rằng: "Việc tìm ra khu đất có chứa lăng mộ cổ từ giấc mơ của bà Hoàng Thị Thiêm là một tiếp nối đáng trân trọng trong quá trình dài đi tìm những sự kiện, những nguồn tư liệu còn bị uẩn khúc trong lịch sử. Tuy nhiên, việc có thể khẳng định đó là mộ phần của công chúa Lý Kiều Oanh hay không thì cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn để kiểm chứng. Mặc dù vậy, sử sách chép lại có ghi rõ về sự tồn tại và nhiều hoạt động rất có ý nghĩa của hai vợ chồng công chúa Lý Kiều Oanh và phò mã Hồ Đức Cưởng thời vua Thái Tông gắn liền với mảnh đất Quảng Bình mang nhiều hiện tượng lạ, thần bí. Giả thuyết đó là phần mộ của công chúa Lý Kiều Oanh là hết sức có cơ sở. Rõ ràng giữa tâm linh và lịch sử có sự gắn bó vô hình, khó cắt nghĩa".
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, phó tổng thư ký hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: "Ở thời nhà Lý (thế kỷ XI - XIII) cho tới nay, các nhà khảo cổ mới chỉ phát hiện được hai ngôi mộ, một là ngôi mộ ở Hương Nộn, Tam Nông, Phú Thọ (viện Khảo cổ học khai quật năm 1977), và Đông Cứu, Gia Bình, Bắc Ninh (khai quật năm 1974)”. |
Đi tìm sự thật lịch sử
Nhà nghiên cứu lịch sử Đinh Văn Niêm cũng đồng quan điểm này khi chia sẻ: "Có đến tận hiện trường ngôi lăng mộ được khai quật mới thấy sự quả quyết, táo bạo đến mạo hiểm và khả năng ngoại cảm của bà Hoàng Thị Thiêm mạnh mẽ như thế nào. Tôi cũng đã được mục sở thị những bài thơ truyền âm của các vị vua Thái Tổ, Thái Tông, công chúa Kiều Oanh và phò mã Hồ Đức Cưởng cho bà Thiêm ghi chép lại. Quả thật, khó có sự bịa đặt nào có thể trôi chảy và chạm vào lịch sử như thế. Ai tin hay không tin, theo tôi không phải là vấn đề quan trọng vì đó là lẽ thường trong duy thức của mỗi người. Cá nhân tôi tin rằng, một ngày gần đây nhất, lăng mộ của công chúa Lý Kiều Oanh bị chôn vùi dưới tầng sâu của đất hơn 9 thế kỷ qua sẽ được trả về với trần gian, xây cất đàng hoàng để nhân dân cả nước được bái vọng trước vong hồn và những đóng góp của bà với lịch sử một thời hưng thịnh của nhà Lý".
Trinh Phúc - Dương Thu
Kỳ cuối: Lý giải khoa học về hiện tượng giấc mơ tiên tri và những nghi vấn chưa hồi kết