Những đường hầm này có kích thước đủ lớn để con người có thể đi qua. Có những hầm cao 2m, rộng 4m, nằm rải rác khắp khu vực phía bắc Nam Mỹ. Các nhà khảo cổ học vô tình phát hiện ra chúng khi đang tìm kiếm tàn tích của người Maya.
Cụ thể, vào những năm 1930, một nhóm khảo cổ đã đi sâu vào rừng nhiệt đới tìm kiếm các di tích. Dù không tìm thấy di tích nào nhưng họ lại phát hiện rất nhiều đường hầm kỳ lạ. Chúng phân bố nhiều ở Brazil và Argentina.
Những đường hầm này có kích thước và độ sâu khác nhau. Trên các bức tường còn lưu lại dấu vết móng vuốt khổng lồ.
Ban đầu, các nhà địa chất học gọi đây là "những đường hầm cổ sinh". Dựa vào dấu vết móng vuốt bên trong, có thể đây là những “tác phẩm" của một loài lười đất khổng lồ hiện đã tuyệt chủng.
Theo đó, thuật ngữ "đường hầm cổ sinh" được đặt ra bởi Heinrich Frank, Giáo sư tại Đại học Liên bang Rio Grande do Sul (Brazil), người đã bắt gặp các đường hầm khi tới một công trường xây dựng ở thị trấn Novo Hamburgo vào đầu những năm 2000. Thời điểm đó, có rất ít người biết hoặc viết về những đường hầm này trong các tài liệu khoa học.
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, Heinrich Frank và cộng sự đã phát hiện ra hơn 1.500 đường hầm, chỉ riêng ở bang Rio Grande do Sul. Một số hang trong số này dài hàng trăm mét và phân nhánh thành nhiều hướng trong lòng đất.
Hang lớn nhất có chiều dài gần 610m, cao 1,8m, rộng từ 0,9 đến 1,5m. Ước tính khoảng 4.000 tấn đất và đá đã được đào ra khỏi sườn đồi để tạo ra cái hang. Rõ ràng, đây không phải là kết quả của một vài cá thể lười đất khổng lồ, mà của nhiều thế hệ.
Các chuyên gia cho biết, loài lười đất khổng lồ từng sống ở Nam Mỹ cho tới khoảng 10.000 năm trước. Chúng có thể sống thành từng nhóm nhỏ. Đây là một trong số những loài động vật có vú trên cạn lớn nhất trên Trái đất, kích thước tương đương voi ma mút. Với chiều cao trung bình khoảng 5,5m, "quái vật cổ đại" này có thể đứng bằng hai chân nếu cần thiết.
Lười đất sở hữu bộ móng vuốt lớn, cứng chắc và dài hơn 40cm. Đây là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp chúng đào xới và tìm kiếm thức ăn.
Các loài sinh vật cổ có sự phân bố địa lý đặc biệt. Dấu vết của chúng được tìm thấy tại các bang ở miền nam Brazil như Rio Grande do Sul và Santa Catarina. Nhưng ở phía bắc Brazil hay các nước Nam Mỹ khác lại rất ít loài được tìm thấy.
Về lý do những sinh vật khổng lồ này "xây dựng" đường hầm, các chuyên gia giải thích bằng cách quay lại dấu mốc thời gian ở thời điểm chúng sinh sống. Chúng vốn cư trú trong các rừng mưa nhiệt đới ở khu vực Nam Mỹ, nơi có nhiệt độ cao hơn, giúp chúng giữ ẩm tốt hơn.
Nhưng vào kỷ băng hà, nhiệt độ Trái đất giảm đáng kể. Những con lười đất khổng lồ vốn quen sống ở nơi có khí hậu ấm hơn gặp "rắc rối" với sự thay đổi này.
Do không có bộ lông đủ dày, chúng phải giữ ấm bằng cách đào đường hầm. Dấu vết về móng vuốt 3 móng trùng với loài lười đất là một trong những bằng chứng lý giải.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều câu hỏi xung quanh loài lười cổ sinh và những chiếc hang khổng lồ chờ các nhà khoa học giải đáp.
Minh Hoa (t/h)