Khi Washington bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia mua vũ khí của Nga, Moscow và các đối tác bắt đầu tiến hành các thương vụ không chính thức. Do đó, theo dữ liệu có được từ hãng tin Avia.pro, một trong những quốc gia là đối tác quân sự của Nga đã mua một lô lớn máy bay chiến đấu Su-35, tuy nhiên, thỏa thuận này là không chính thức nên có thể lách lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo một số dữ liệu, quốc gia nghi được nhận 24 máy bay chiến đấu Su-35 của Nga này rất có thể là Trung Quốc. Nghi vấn này được đặt ra trong bối cảnh Nga không có nhiều đối tác quan tâm đến việc mua máy bay chiến đấu đắt tiền.
“Vào năm 2020, Nga đã cung cấp một lô máy bay chiến đấu thế hệ 4 cho một khách hàng nước ngoài, nhưng tên nước mua vũ khí hiện đang bị giấu. Báo cáo nói rằng việc giao hàng đã hoàn tất và khách hàng đã chấp nhận và đưa các máy bay chiến đấu vào sử dụng. Tuy nhiên, thông tin khách hàng bị ẩn. Có một số ý kiến suy đoán. Một số nhà phân tích tin rằng, các máy bay chiến đấu đã được gửi đến Trung Quốc. Trong khi đó, những người khác cho rằng nước mua có thể là Armenia, Belarus hoặc Ai Cập", báo cáo của ấn bản Bulgaria cho hay.
Một khách hàng tiềm năng được nhắc đến nhiều là Ai Cập. Ngoài việc xuất hiện thông tin Nga và Ai Cập đã bắt tay cung cấp các máy bay chiến đấu này, các máy bay vận tải của Nga đã thực hiện khá nhiều chuyến bay tới Ai Cập, mặc dù cả Cairo và Moscow đều không bình luận gì trước thông tin này.
Trước đó, hôm 28/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ, và rộng hơn là các đồng minh của Mỹ, cần tránh mua mới vũ khí của Nga.
Ông cảnh báo, bất kỳ giao dịch nào với các công ty, tập đoàn quốc phòng của Nga đều có thể bị trừng phạt theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) – một đạo luật mà chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ theo đuổi, thực thi nghiêm.
Tuy vậy, Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng mua S-400 của Nga vào cuối năm 2017 và cho đến nay vẫn tiếp tục theo đuổi kế hoạch này, bất chấp sức ép của Mỹ. Tháng 12/2020, Mỹ áp đặt trừng phạt đối với ngành quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ, một động thái mà Ankara gọi là “đòn tấn công trực diện” vào chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga thách thức quyền bá chủ của Mỹ
5 năm kể từ khi trở lại Trung Đông với căn cứ quân sự ở Syria, Nga đang tiến vào các thị trường vũ khí do Mỹ bỏ trống và tăng cường bán cho các khách hàng truyền thống, Aljazeera cho hay.
Việc mở rộng bán vũ khí của Moscow mang lại tiền bạc và ảnh hưởng địa chính trị, khi nước này tìm cách thách thức quyền bá chủ của Mỹ.
Ngày 25/2, Nga chính thức thông báo Ai Cập đã nhận được 5 máy bay chiến đấu đa năng tiên tiến Sukhoi Su-35.
Trong khi đó, Ai Cập đã đặt mua các máy bay này bất chấp những lời đe dọa trừng phạt của Mỹ sau khi Washington từ chối bán cho Cairo máy bay ném bom thế hệ thứ năm F-35.
Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của NATO, đang đàm phán với Nga để mua Su-35 và Su-57, sau khi Mỹ ngừng chương trình F-35.
Ngày 12/3, Nga tuyên bố sẵn sàng mở các cuộc đàm phán chính thức với Ankara và giúp Thổ Nhĩ Kỳ phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của riêng mình, TF-X.
Trong khi đó, Algeria sẽ nhận được 14 máy bay ném bom hạng nhẹ Sukhoi-34 nâng cấp trong năm nay và nước này được cho là quan tâm đến Su-57.
Các chuyên gia cho biết một phần, Nga đang tiếp thị vũ khí của mình vì chúng là nguồn cung cấp ngoại tệ lớn cho quốc gia này.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) , tỷ trọng xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Nga là 21% trong giai đoạn 2015-2019, trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới sau Mỹ .