“Con gái, 90K”, người đàn ông trả lời đối tác khi được hỏi mua con cùng đoạn clip quay hình ảnh 1 đứa trẻ sơ sinh đang nằm trong xe đẩy. 90K ở đây được hiểu là 90.000 NDT (khoảng 300 triệu đồng). Sixth Tone đã liên hệ với người đàn ông trong cuộc hội thoại và biết được hắn ta chính là người kết nối người mua và bán trên thị trường chợ đen Trung Quốc. Hắn ta có nhiệm vụ lách luật để bên mua có thể nhận được con nuôi một cách hợp pháp.
Những năm gần đây, hội nhóm nhận con nuôi bất hợp pháp đã âm thầm hoạt động vô cùng tích cực trên mạng xã hội, bất chấp sự kiểm soát của cơ quan thực thi pháp luật. Thế nhưng, những hoạt động ngầm này bất ngờ được chú ý hơn khi có một vụ lạm dụng trẻ vị thành niên vào tháng 4/2020 vừa qua chấn động dư luận.
Đó là vụ việc liên quan tới Bao Dục Minh, cựu giám đốc công ty viễn thông ZTE. Ông Bao đã bị cáo buộc hành vi cưỡng hiếp con gái nuôi tên Lý Tinh Tinh kể từ khi nhận nuôi cô bé ở tuổi 14. Ngoài ra, ông Bao còn bị cáo buộc đang tìm kiếm những đứa trẻ khác trên ứng dụng tin nhắn QQ.
Trường hợp của Tinh Tinh đã gây ra một phản ứng tiêu cực trong công đồng nước Trung Quốc với hàng triệu lượt tìm kiếm trên các trang mạng xã hội như Twitter, Weibo, QQ… Thậm chí, trong quá trình điều tra, vụ án đã tiết lộ cách mà một số công ty internet lớn của Trung Quốc trở thành “cầu nối” cho các hoạt động nhận con nuôi bất hợp pháp khiến trẻ em bị lạm dụng.
Sau khi câu chuyện vỡ lở vào tháng 4, truyền thông Trung Quốc đã phát hiện ra các nhóm nhận con nuôi ngầm hoạt động trên một số nền tảng như QQ, Baidu, Zhihu… Các trang web hiện tại đã ngưng chức năng hoạt động nhóm và xóa bỏ các từ khóa có liên quan đến vụ việc.
Mặc dù các từ khóa như “nhận con nuôi” và “cho đi trẻ em” bị cấm trên QQ, Baidu và Zhihu nhưng nếu dùng một số từ khóa khác không liên quan đến thương mại như “giấy khai sinh” thì QQ vẫn hiện ra kết quả tìm kiếm có liên quan đến nhận con nuôi.
Phóng viên của Sixth Tone đã vào vai một khách hàng và liên hệ với các đại lý vào ngày 18/4 trên thị trường chợ đen với đề nghị tạo giấy khai sinh mới cho đứa trẻ. Mức giá giữa các đại lý cũng khá chênh lệch, nói thì ra giá 50.000 NDT (khoảng 166 triệu đồng) còn chỗ khác đưa giá 25.000 NDT (khoảng 83 triệu đồng).
“Khách hàng của chúng tôi thường là những người tìm cách đẻ thuê hoặc tìm kiếm con nuôi bất hợp pháp”, một nhân viên của đại lý nói với Sixth Tone, đồng thời gửi hàng loạt những tin nhắn của khách để tăng thêm sự thuyết phục.
Khi được hỏi về nguy cơ bị chính quyền Trung Quốc phát hiện những lần giao dịch bất hợp pháp hay không thì người nhân viên tự tin trả lời: “Đừng lo. Chúng tôi đã sắp xếp ổn thỏa mọi chuyện.”
Khoảng 3 ngày sau, nhân viên của đại lý mời người phóng viên của Sixth Tone tham gia vào nhóm chuyên nhận con nuôi trên Wechat có tên “Định mệnh đã đến”. Nhóm đang hoạt động với hơn 390 thành viên và mỗi người đều có biệt danh riêng.
Những người có nhu cầu nhận nuôi thì có chữ cái “L” (viết tắt của từ ling nghĩa là nhận) đăng trước biệt danh, còn số người muốn bán con thì đặt chữ “S” (viết tắt của song – cho đi). Ngoài ra những kẻ môi giới thì biệt danh sẽ cụ thể hơn về nhiệm vụ của mình ví dụ như: Tôi có thể làm giả giấy khai sinh, Tôi có mối quan hệ ở các bệnh viện…
Phóng viên nhanh chóng tiếp cận với một người đàn ông có chữ S – là người bán con. Trong khi trò chuyện, người đàn ông cho biết anh ta là cha của 1 đứa bé gái 9 tháng tuổi ở Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Người đàn ông nói rằng anh ta muốn bán con gái vì vấn đề kinh tế mặc dù phóng viên không thể nào xác minh được danh tính hoặc mối quan hệ giữa anh ta với đứa bé.
Khi được hỏi liệu người đàn ông có yêu cầu khoản phí 90.000 NDT hay không thì anh ta nói muốn xem video về đứa trẻ hàng tháng trong 1 năm đầu tiên sau khi giao dịch hoàn tất.
Hiện nay, không ai rõ được các nhóm hội tương tự như “Định mệnh đã đến” có bao nhiêu và tồn tại ở những đâu trên mạng xã hội Trung Quốc nhưng rõ ràng các hoạt động buôn bán trẻ em bất hợp pháp này đã và đang hoạt động vô cùng rộng rãi.
Một nghiên cứu tại Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc năm 2013 đã chỉ ra các hoạt động buôn bán trẻ em đang tràn lan với sự tiếp tay của hàng chục nghìn gia đình khác trong đó có hơn 50% bố mẹ đẻ bán con ruột của mình.
Han (theo Sixth Tone)