Theo Express, một cơ trưởng máy bay đã nói với nhà điều tra rằng cơ phó máy bay MH370 Fariq Hamid “đã không biết ông đang làm gì” dù đang điều khiển máy bay.
Chuyến bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines ngày 8/3/2014, rời sân bay Kuala Lumpur, Malaysia để tới Bắc Kinh, Trung Quốc với 239 người trên máy bay. Lần liên lạc cuối cùng giữa chiếc Boeing 777 với đài kiểm soát không lưu là 1h19 khi nó đang bay qua Biển Đông. Sau đó, máy bay mất tích.
Tuy nhiên, nhà điều tra vụ máy bay này, bà Christine Negroni nói, có thể xác định chính xác thời khắc mà mọi việc đi chệch hướng. Và rằng, lúc đó, cơ phó Hamid là người lái máy bay.
Trong cuốn “The Crash Detectives” của mình, bà Negroni cho hay, MH370 bị giảm áp bất ngờ trong khi cơ trưởng Zaharie Shah không có mặt trong buồng lái. Bà Negroni cho rằng, đường bay của MH370 chứng tỏ cơ phó Fariq Abdul Hamid lúc đó đang lái máy bay, song ngay sau đó, ông này mất khả năng suy nghĩ sáng suốt.
"Khi tín hiệu cuối cùng của MH370 trên màn hình radar mất dần thì máy bay đang ở đâu đó tại mũi bắc Sumatra, và Fariq đã thực hiện cú ngoặt cuối cùng. Không có dữ liệu nào cho thấy điều đó diễn ra lúc nào, song máy bay đã rẽ sang phía nam và bay tiếp 5h nữa cho tới khi cạn kiệt nhiên liệu", chuyên gia cho biết.
"Cú rẽ cuối cùng là thời điểm mấu chốt mà tôi tin rằng cơ phó Fariq rơi vào tình trạng quẫn trí", bà Negroni nhận định. Nhà điều tra này sau đó cho biết đã nói chuyện với cơ trưởng Peter Frey để hiểu rõ hơn về hành động của phi công MH370.
Ông Frey nói: "Chính cơ phó cũng không biết mình đang làm gì. Thời điểm đó, viên phi công đã mất hết tri giác, rồi lại tỉnh lại. Có lẽ lúc đó anh ta nghĩ, mình đã hướng về phía bắc, và giờ đang ở đâu nhỉ... Vào thời điểm nhận ra mình đã lạc đường, anh ta cho rằng cần phải quay lại nên đã hướng về phía nam".
Nhà điều tra Negroni đã nêu chi tiết giả thuyết của mình trong cuốn sách “The Crash Detectives”. "Giả thuyết của tôi là một sự cố về điện đã làm sập toàn bộ hệ thống máy móc trên MH370 và sau đó chuyện xấu đã xảy ra".
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, dù gặp sự cố nhưng sự cố không đủ nghiêm trọng khiến máy bay không thể bay được nữa mà thực tế máy bay vẫn bay cho đến khi hết nhiên liệu nhiều giờ sau đó.
Nhiều khả năng những người nắm quyền điều khiển máy bay đã mắc chứng thiếu ô xy và mất đi khả năng suy nghĩ rành mạch để hạ cánh an toàn.
Những tình tiết trong vụ mất tích của MH370 cho thấy thảm kịch có thể bắt đầu bằng tình trạng thiếu ô xy bởi thực tế các trường hợp trong quá khứ đã cho thấy nhiều nạn nhân đã có phản ứng tương tự.
Tuy nhiên, đây chỉ là một giả thuyết trong hàng trăm giả thuyết khác được nhắc đến trong những năm qua.
Một số giả thuyết cho rằng máy bay là nạn nhân của một vụ không tặc. Những kẻ không tặc trên máy bay hoặc thực hiện vụ không tặc qua mạng từ xa đã gây nên thảm họa.
Một giả thuyết kỳ quặc hơn khác lại khẳng định máy bay đã biến thành quả bom vì chở măng cụt và pin.
Cũng có nhiều giả thuyết cho rằng cơ trưởng đã thực hiện vụ tự sát tập thể khiến tất cả những người có mặt trên máy bay thiệt mạng.
Tuy nhiên, sự thực khiến máy bay mất tích đến giờ vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp và trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của hàng không hiện đại.
Xem thêm >>Thông tin gây sốc về khả năng khiến MH370 mất tích bí ẩn và thủ phạm khả nghi nhất