Theo Express, một tài liệu mới đây hé lộ rằng máy bay MH370 có thể đã bị kẻ nào đó không tặc và kẻ không tặc đã chiếm quyền kiểm soát máy tính của máy bay thông qua hệ thống giải trí của máy bay.
Máy bay MH370 mất tích hôm 8/3/2014 khi trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh chở theo 239 người trên khoang. Cho đến nay điều gì thực sự xảy ra với máy bay vẫn còn là điều bí mật. Tuy nhiên một giả thuyết gây sốc đã được hé lộ vào năm 2019 trong bộ phim tài liệu của Channel 5 có tên “Chuyến bay MH370”.
Theo giả thuyết, một kẻ không tặc có thể đã triển khai cuộc tấn công mạng của máy bay, tiếp cận máy bay qua điện thoại hoặc USB qua hệ thống giải trí trên máy bay.
Cố vấn quản lý rủi ro tiến sĩ Sally Leivesley gợi ý rằng sau đó kẻ khủng bố này có thể đã vô hiệu hóa hệ thống mạng của máy bay với một phần mềm độc hại có chức năng tạo ra các sự kiểm soát ảo trong buồng lái, khiến cho các phi công nhầm tưởng rằng họ đang bay đúng hướng, nhưng thực ra lại đưa họ đi chệch khỏi hành trình.
Bà Leivesley cho biết: "Cốt lõi của giả thuyết này nằm ở chỗ máy bay được kiểm soát bởi máy tính, không phải con người. Có những con chip nằm trong tổ hợp thiết bị và hệ thống điện – điện tử trên máy bay, và các con chip này có thể chứa virus".
"Các hoạt động kiểm soát trông có vẻ bình thường, nhưng thực chất có một hệ thống ngầm bên dưới đang thực sự lái chiếc máy bay", chuyên gia cho hay.
Nếu đúng như vậy, cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah và cơ phó Fariq Abdul Hamid có thể đã không nhận ra có bất kỳ điều gì bất thường, cho đến khi tất cả là quá muộn.
Chuyên gia an ninh hàng không Jim Termini cho biết "khả năng rất cao" là chiếc máy bay đã bị khủng bố, nhưng việc này có thể được thực hiện theo một số cách khác nhau.
Bốn khả năng được nhắc đến gồm: một thành viên phi hành đoàn, một hành khách, một người trốn lậu lên máy bay hoặc một cuộc tấn công điện tử từ một trạm kiểm soát mặt đất.
Ông Termini cho biết tuy "khả năng không cao" là vụ việc có liên quan đến khủng bố điện tử, nhưng nó vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.
Anh nói với Channel 5: "Tấn công điện tử là một hình thức tấn công vô cùng phức tạp mà ở thời điểm hiện tại, khả năng là khá thấp, nhưng đó chỉ vì chúng ta chưa chứng kiến một cuộc tấn công như vậy bao giờ".
Tiến sĩ Leivesley chỉ ra rằng không có giấy tờ nào ghi rõ những ai có quyền vào trong chiếc MH370 trước khi nó cất cánh. Bà gợi ý rằng có thể ai đó đã lẻn vào chiếc máy bay khi nó đậu ở sân bay Kuala Lumpur để khởi động một cuộc tấn công điện tử.
Nếu giả thuyết này là đúng, nó sẽ có những hệ lụy nghiêm trọng đến an toàn hàng không. Nếu được xác nhận, việc này có thể dẫn đến các biện pháp tăng cường kiểm soát an ninh và quy trình lưu trữ tài liệu nghiêm ngặt hơn.
Tuy nhiên, giả thuyết này cũng mang đến nhiều câu hỏi cho cuộc điều tra MH370.
Chẳng hạn, nếu phần mềm độc hại gửi đi dữ liệu không chính xác điều này cho thấy có sự “bắt tay” giữa vệ tinh 3F1 của MH370 và Inmarsat.
Nhà báo khoa học và chuyên gia hàng không Jeff Wise cho rằng có thể, thay vì bay qua Ấn Độ Dương, máy bay có thể đã bay về phía bắc và kết thúc ở Kazakhstan.
Tuy nhiên, từng có nhiều giả thuyết về những gì có thể xảy ra với MH370.
Gia đình và người thân của những người trên máy bay vẫn đang tìm kiếm để có câu trả lời năm năm sau thảm kịch.